Trong lúc tranh cãi trên chính trường Mỹ xung quanh vấn đề ngân sách chính phủ và trần nợ công vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu thì cuộc sống của hàng triệu người dân Mỹ đang bên bờ vực thẳm. Việc chính phủ Mỹ đóng cửa đang gây ảnh hưởng tới mọi khía cạnh trong cuộc sống của họ.
Từ thường dân
Bế tắc trên chính trường Mỹ khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại nền kinh tế toàn cầu sẽ đối mặt với một cuộc “đại suy thoái” nếu chính quyền Washington thất bại trong việc nâng trần nợ công vào ngày 17-10 tới.
Còn ngay trong lòng nước Mỹ, theo Washington Post, việc chính phủ đóng cửa cũng khiến hàng triệu người Mỹ, những người đã 2 tuần nay không nhận được lương từ chính phủ, rơi vào cuộc sống không khác gì thời “đại suy thoái”.
Tim Russell đã sống tại thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania. Sau 2 năm xếp hàng xin giấy phép từ bang và liên bang, sắm trang thiết bị, ông bắt đầu sản xuất lô rượu rum đầu tiên cách đây 2 tuần. Rồi khi Văn phòng Thương mại về thuế thuốc lá và rượu đóng cửa, không ai có thể cấp giấy phép cho nhãn hiệu rượu Maggie’s Farm Rum, Russell đã không bán được một giọt nào ngay từ lô hàng đầu tiên. Tương tự, những người đam mê thể thao không thể tiếp cận các khu hoang dã khi mùa săn bắn bắt đầu. Ở thượng nguồn sông Kenai, nguồn cá hồi rất lớn và phong phú về chủng loại, nhưng dịch vụ hướng dẫn câu cá của Fred Telleen đã bị hủy và phải hoàn tiền lại cho khách bởi Văn phòng động vật hoang dã quốc gia Kenai đóng cửa. Chỉ tính một ngày đầu tuần, Telleen đã mất 1.100 USD. Không ít cô dâu nước mắt lưng tròng vì đám cưới của họ bị hoãn hoặc hủy do các công viên quốc gia đóng cửa. Nhiều phụ huynh tuyệt vọng vì các trung tâm chăm sóc trẻ ban ngày hoạt động nhờ kinh phí liên bang không mở cửa. Phụ huynh phải tất tả tìm chỗ gửi con, cháu vì trường học không hoạt động. Việc kéo dài trần vay nợ thêm 1 - 2 tháng không phải là hành động khôn ngoan bởi sẽ đẩy thời điểm hết hạn vay nợ vào đúng mùa mua sắm nhộn nhịp của người Mỹ.
Nỗi đau của việc đóng cửa đang phủ lên cuộc sống nhiều triệu người dân Mỹ. Theo Feeding America, tổ chức từ thiện điều hành mạng lưới gồm 202 ngân hàng lương thực trên toàn nước Mỹ, chuyên cung cấp đồ ăn miễn phí cho người nghèo, việc chính phủ đóng cửa ảnh hưởng trực tiếp tới dân nghèo. Ngân hàng không có tiền mua thực phẩm, trong khi hệ thống cung ứng cũng tạm ngừng hoạt động. Hàng ngàn thanh tra gia cầm và gia súc liên bang vẫn đang giám sát các nhà máy giết mổ và đóng gói, vì thịt không thể bán ra thị trường bởi thiếu con dấu thực phẩm an toàn của các cơ quan có thẩm quyền. Bộ Nông nghiệp đã yêu cầu các thanh tra thực phẩm tiếp tục ở lại làm việc để “đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng trong lúc chính phủ đóng cửa”.
Đến nhân viên chính phủ
Chính phủ Mỹ đã đóng cửa một phần, kể từ 0 giờ ngày 1-10, sau khi Quốc hội không thông qua được ngân sách. Điều này đồng nghĩa với việc khoảng gần 1 triệu nhân viên các cơ quan thuộc chính phủ nghỉ việc không lương. Lo kiếm tiền trang trải cuộc sống, 4 kỹ sư của Hải quân Mỹ đã tận dụng thời gian rảnh rỗi này làm ván trượt tuyết để bán. Họ quan niệm, mỗi người đều có cách xoay xở riêng để kiếm sống. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc nghỉ không lương càng khiến mỗi người đau đầu với việc lo chi phí trang trải mọi thứ. Ở Mesquite, bang Nevada, Cảnh sát trưởng Troy Tanner không thấy dấu hiệu của tội phạm, của căng thẳng bởi các văn phòng xử lý nghiện rượu, chất nổ, súng… không làm việc. Nhưng sự thất vọng còn sâu sắc hơn khi nhiều sĩ quan vừa đến Virginia cho khóa huấn luyện 10 tuần của Học viện quốc gia FBI chỉ một ngày trước khi chính phủ đóng cửa, buộc phải quay về vì các lớp học bị hủy.
Và đau lòng hơn trong bản tin tuần trước, gia đình của 4 quân nhân và 1 lính thủy đánh bộ Mỹ tử trận tại Afghanistan hồi cuối tuần đã không được thanh toán khoản 100.000 USD tiền tử, giúp họ trang trải chi phí tang lễ và sống qua ngày cho đến khi nhận được trợ cấp. Phát biểu trên NBC News, Randall Patterson, cha của Cody Patterson, 24 tuổi, nằm trong số những quân nhân xấu số nói trên, giận dữ: “Nếu Quốc hội bị kẹt trong một chiếc xe chìm dưới sông, bơi tới bên cửa sổ, nhìn họ rồi nói: Hãy uống no nước đi”.
Cuộc chiến ngân sách Mỹ vẫn bế tắc trước thời điểm chạm trần nợ công, ngày 17-10. Các cuộc thương lượng tại Quốc hội Mỹ liên tục đổ vỡ. Đảng Dân chủ tuyên bố bất cứ thỏa thuận ngân sách nào trong tương lai cũng đều phải bao gồm phương án tháo gỡ cắt giảm chi tiêu, điều mà phe Cộng hòa luôn bác bỏ. Mâu thuẫn quyền lực dẫn tới kéo dài tình trạng đóng cửa công sở liên bang ngày càng bị lên án từ phía người dân Mỹ. Kết quả thăm dò chung của NBC News/Wall Street Journal cho biết, ở thời điểm hiện tại có tới 60% những người Mỹ được hỏi ý kiến nói rằng nếu được phép, họ sẽ thay thế toàn bộ lưỡng viện Quốc hội khóa 113 hiện nay. 73% cho rằng tình trạng bế tắc về ngân sách tại Washington là nghiêm trọng, trong đó 31% đổ lỗi cho Tổng thống Obama và 44% quy trách nhiệm cho phe Cộng hòa tại Quốc hội. Có tới 70% những người được hỏi ý kiến nói rằng đảng Cộng hòa đang đặt lợi ích cục bộ của họ lên trên cả lợi ích quốc gia.
HẠNH CHI (Tổng hợp)