(SGGPO). - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký thay Thủ tướng Chính phủ quyết định số 404/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020".
Mục tiêu tổng quát của đề án là hỗ trợ việc kiện toàn, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục tại khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm góp phần hỗ trợ nữ công nhân lao động có con dưới 36 tháng tuổi. Phấn đấu đến năm 2020, 80% cán bộ, giáo viên, bảo mẫu của các nhóm trẻ độc lập tư thục tại địa bàn thực hiện đề án được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng chăm sóc trẻ và được giáo dục đạo đức lương tâm nghề nghiệp; 70% trẻ dưới 36 tháng tuổi tại địa bàn triển khai đề án được gửi tại các nhóm trẻ được quản lý và bảo đảm chất lượng; 500 nhóm trẻ độc lập tư thục được hỗ trợ kiện toàn, xây dựng và phát triển.
Để đạt tới mục tiêu này, đề án đề ra giải pháp, trong đó hàng đầu là hỗ trợ, kiện toàn, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục tại cộng đồng; hỗ trợ nâng cao năng lực cho người quản lý, giáo viên, bảo mẫu các nhóm trẻ độc lập tư thục và các bà mẹ, người chăm sóc trẻ dưới 36 tháng tuổi tại khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất.. Đề án cũng sẽ nghiên cứu, rà soát và đề xuất chính sách nhằm hỗ trợ phụ nữ có con dưới 36 tháng tuổi là công nhân lao động, nhất là ở tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; vận động người có điều kiện nhận trông trẻ hoặc thành lập nhóm trẻ.
Chính phủ giao Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ ngành thực hiện đề án, trong đó phối hợp với Bộ GD-ĐT để tổ chức các khóa học và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đối tượng thụ hưởng đề án. Tuy không nói rõ số kinh phí thực hiện đề án nhưng chính phủ cho biết sẽ dành ngân sách nhà nước để triển khai, cùng với nguồn hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong và ngoài nước.
Theo thống kê chưa đầy đủ từ 50 tỉnh, thành phố mà Bộ GD-ĐT vừa thực hiện, hiện có 5.590 nhóm trẻ chưa được cấp phép, chưa kể những nhóm trẻ gia đình nhỏ lẻ dưới 10 trẻ/nhóm chưa thể kiểm soát, thống kê được. Còn theo một khảo sát của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam ở tỉnh thành đông khu công nghiệp gồm: Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM, Đồng Nai, Hải Dương thì chỉ có 18,9% gia đình gửi các con vào các cơ sở mầm non công lập, trong khi đó gửi tư thục 36,7%. Hầu hết con của nữ công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất đều gửi vào nhóm nhỏ, tư thục chưa được cấp phép. Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng công bố, trong 10 tỉnh có khu công nghiệp, khu chế xuất mà cơ quan này khảo sát thì chỉ có 16,9% khu công nghiệp, khu chế xuất có nhà trẻ mẫu giáo; trong đó, công lập chỉ chiếm 39,9%, tư thục là 60,1%... Tình trạng này đã dẫn đến nhiều vụ bạo hành trẻ em trong thời gian qua gây nhức nhối dư luận.
PHAN THẢO