Hãng tin chính thức MENA dẫn lời người phát ngôn Chính phủ Ai Cập Mohamed Hijazi cho biết, chính phủ nước này đã đệ đơn từ chức lên Hội đồng Tối cao Các lực lượng vũ trang (CSFA) đang nắm quyền điều hành đất nước. Quyết định từ chức được đưa ra trong bối cảnh đất nước Ai Cập đang rơi vào hỗn loạn và chìm ngập các cuộc bạo động mới. Chưa ai dự báo được liệu động thái này có giúp Cairo lập lại ổn định nhằm mở đường cho cuộc bầu cử quốc hội vào ngày 28-11 tới hay giai đoạn chuyển tiếp của Ai Cập tiếp tục rơi vào khủng hoảng.
CSFA bị cáo buộc duy trì quyền lực
Bạo loạn xảy ra khiến chính phủ của Thủ tướng Sharaf đệ đơn từ chức khi chỉ còn một tuần nữa là thời điểm bắt đầu cuộc bầu cử quốc hội, cuộc bầu cử đầu tiên tại quốc gia Bắc Phi này kể từ khi Tổng thống Hosni Mubarak từ chức sau hàng loạt cuộc biểu tình hồi tháng 2. Đây được xem là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ khi chính phủ của Tổng thống Hosni Mubarak sụp đổ.
Ngày 22-11, các phương tiện truyền thông đăng tải những thông tin khác nhau về việc liệu CSFA có chấp nhận quyết định trên hay không. Kênh Al-Jazeera cho biết CSFA đã chấp nhận đơn từ chức của chính phủ, song kênh truyền hình Nile TV của Ai Cập lại nói rằng hội đồng trên vẫn đang chờ thỏa thuận về vị trí thủ tướng mới.
Trong khi CSFA hối thúc các lực lượng chính trị và mọi công dân bình tĩnh, tạo bầu không khí ổn định thông qua tiến trình chính trị nhằm thiết lập một chế độ dân chủ thì quân đội Ai Cập bị tất cả các lực lượng chính trị chỉ trích gay gắt.
Theo Reuters, quân đội bị cáo buộc muốn duy trì quyền lực, kéo dài hệ thống đàn áp còn tồn tại từ thời cựu Tổng thống Mubarak. Hội đồng quân sự đang phải đối mặt với sự phản đối của tất cả các lực lượng đã tham gia các cuộc biểu tình trước đây. Nhiều nhân sĩ, trong đó có cựu Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế Mohamed ElBaradei, đã một lần nữa kêu gọi một chính phủ cứu quốc.
Washington đang lặp lại sai lầm
Theo Washington Post, Chính phủ Mỹ đang lặp lại sai lầm hồi tháng 2, khi tiếp tục ủng hộ giới quân sự Ai Cập nắm quyền điều hành đất nước với hy vọng sẽ từng bước chuyển đổi dân chủ. Mỹ viện trợ một phần lớn ngân sách quân sự cho Ai Cập nhằm đảm bảo lợi ích của Mỹ, trong đó có hiệp ước hòa bình giữa Ai Cập và Israel, nên Mỹ không muốn dùng áp lực viện trợ đối với chính quyền quân sự nước này để thay đổi chính trị.
Washington Post cũng cho biết, Chính phủ Mỹ thẳng thừng từ chối đề nghị của quốc hội dùng viện trợ quân sự như đòn bẩy thúc đẩy dân chủ. Khi được hỏi liệu các tướng lĩnh Ai Cập có nên khẳng định ngày bầu cử tổng thống, người phát ngôn Nhà Trắng nói yếu ớt: “Tôi không muốn ra lệnh cụ thể đến Ai Cập”.
Trong khi đó, các nguồn tin cho hay CSFA hoãn bầu cử tổng thống đến năm 2012 hoặc 2013. Washington Post cũng nhận định điều mà những người biểu tình ở quảng trường Tahir, Ai Cập tìm kiếm không phải là giải pháp chính trị, mà là nền dân chủ thực sự.
Dư luận các nước Arab cũng nhận định rằng việc Mỹ ủng hộ tướng lĩnh quân sự điều hành đất nước Ai Cập là nhằm mục đích bảo vệ lợi ích của Mỹ, trong đó có hiệp định hòa bình Ai Cập - Israel, chứ không nhằm đảm bảo dân chủ ở Ai Cập.
Phản ứng quốc tế
Trước tình hình ở Ai Cập, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã lên tiếng kêu gọi CSFA phải đảm bảo tự do cho người dân, đồng thời bày tỏ lấy làm tiếc trước những thương vong trong diễn biến bạo lực mới tại quốc gia Bắc Phi này. Cùng ngày, Mỹ bày tỏ thực sự quan ngại về tình trạng bạo lực tại Ai Cập, đồng thời kêu gọi tất cả các bên kiềm chế.
Trong một tuyên bố, đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU), bà Catherine Ashton, cũng lên án tình trạng đổ máu tại Ai Cập. Ngoại trưởng Anh William Hague kêu gọi nhà cầm quyền quân sự ở Ai Cập tôn trọng cam kết giám sát cuộc bầu cử dự kiến diễn ra ngày 28-11 tới.
Trong một diễn biến mới nhất, các tổ chức phi chính phủ ngày 22-11 cáo buộc CSFA đã không giữ được lời hứa trước đó, thậm chí còn vi phạm nhân quyền nghiêm trọng hơn cả chế độ của cựu Tổng thống bị lật đổ Mubarak.
Tính đến ngày 22-11, các vụ đụng độ trong bốn ngày qua tại Ai Cập đã làm ít nhất 33 người thiệt mạng, gần 2.000 người khác bị thương.
HẠNH CHI