Với thỏa thuận cắt giảm 38,5 tỷ USD trong khoản ngân sách cho thời gian còn lại của tài khóa 2011, Chính phủ Mỹ đã tránh được nguy cơ rơi vào tình trạng tạm ngừng hoạt động, tiêu tốn thêm rất nhiều tiền trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn.
- Tiết kiệm 500 tỷ USD trong 10 năm
Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh, đây là “thỏa thuận cắt giảm chi tiêu hàng năm lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ”. AP dẫn lời Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner cho biết, với thỏa thuận đạt được giữa Nhà Trắng và Quốc hội, số tiền dành cho chi tiêu của Chính phủ Mỹ sẽ được cắt giảm đến 500 tỷ USD trong vòng 10 năm tới.
Tờ New York Times dẫn lời các Nghị sĩ đảng Dân chủ cho biết, thỏa thuận được thông qua không bao gồm các quy định hạn chế tài chính cho bảo vệ môi trường, chương trình hỗ trợ sinh đẻ có kế hoạch, trong đó có hỗ trợ phá thai tại Washington. Đây là những chính sách ưu tiên của chính quyền Tổng thống B.Obama và đảng Dân chủ. Tuy nhiên, ông J.Boehner thì lại cho hay thỏa thuận mới có bao gồm về hạn chế hỗ trợ phá thai. Đây cũng chính là các vấn đề gây nhiều tranh cãi trong quá trình thảo luận cắt giảm ngân sách trong những ngày qua. Theo Washington Post, trong các cuộc thương thảo, Nhà Trắng luôn tìm cách hạn chế tối đa việc cắt giảm chi tiêu dành cho các vấn đề chăm sóc y tế trên. Tuy nhiên, phe Cộng hòa đã dành được phần thắng khi “chặn được dòng tiền đổ vào hỗ trợ phá thai”, điều mà đảng Cộng hòa luôn phản đối. Ngoài ra, một trong những thỏa thuận được xem là một thắng thế nữa của đảng Cộng hòa và cá nhân ông J.Boehner là cắt giảm chương trình hỗ trợ học phí cho các sinh viên nghèo tại Washington theo học ở các trường tư thục. Lâu nay, đảng Cộng hòa vẫn muốn cắt giảm phần lớn chi tiêu về bảo hiểm y tế thuộc chương trình bảo hiểm y tế do Tổng thống Obama ký ban hành vào năm ngoái và chi tiêu liên quan tới môi trường, hai lĩnh vực mà Đảng Dân chủ coi là ưu tiên hàng đầu. Trong khi đó, đảng Dân chủ muốn theo đuổi chính sách tăng thuế đối với những người thu nhập cao nhưng lại bị đảng Cộng hòa phản đối. Sau khi đạt được thỏa thuận, Tổng thống B.Obama lo ngại việc cắt giảm ngân sách lần này sẽ ảnh hưởng lớn đến các chương trình an sinh xã hội dành cho người dân Mỹ cũng như các cơ sở hạ tầng cần thiết.
- Nếu không đạt được thỏa thuận…
| |
Mặc dù vậy, các nhà kinh tế cho biết việc tránh để chính phủ tạm ngừng hoạt động được xem là một thành công lớn trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ còn nhiều khó khăn như hiện nay. Theo ước tính của tập đoàn Goldman Sachs, nếu chính phủ liên bang ngừng hoạt động thì cứ mỗi tuần trôi qua, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ có thể giảm 0,2%. Theo chuyên gia kinh tế Gus Faucher, Giám đốc về kinh tế vĩ mô tại Công ty Moody, nếu đóng cửa ngắn hạn thì ảnh hưởng đối với nền kinh tế rất nhỏ. Nhưng nếu tình trạng bế tắc kéo dài quá 2 tuần, 800.000 nhân viên làm việc cho chính phủ liên bang tạm thời mất việc làm. Điều này rất bất lợi bởi lòng tin của người dân dành cho chính phủ có thể sẽ xuống thấp vào lúc mà tỷ lệ thất nghiệp lên đến gần 9%. Trong khi đó, các ngành dịch vụ như cấp thị thực, hộ chiếu và lãnh sự cũng bị ảnh hưởng nặng.
Điều này đã được minh chứng qua lần đóng cửa dài hơi nhất trong lịch sử hoạt động của Chính phủ Mỹ. Đợt đóng cửa kéo dài 21 ngày (từ ngày 16-12-1995 đến 6-1-1996) dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton đã làm cho khoảng 800.000 viên chức của các cơ quan liên bang phải nghỉ việc; việc xử lý thị thực, hộ chiếu và đơn gửi lên các cơ quan chính phủ bị chậm lại; hơn 600 điểm thu gom rác trên toàn nước Mỹ không hoạt động; tất cả các viện bảo tàng quốc gia và 368 công viên quốc gia bị đóng cửa khiến ngành du lịch và ngành hàng không mất khoảng 9 triệu khách du lịch. Thống kê của Mỹ cho thấy tổng thiệt hại của lần “đóng cửa” này lên tới 1,4 tỷ USD.
ĐỖ VĂN