“Rất tiếc vì chiến tranh, người cha thân yêu của tôi đã không nối nghiệp được cha ông theo nghề “làm phúc cứu người” như ông mơ ước. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, ông đã dành hết sức mình để gửi gắm nơi tôi, mong tôi thực hiện được ước nguyện đó”, PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, mở đầu câu chuyện về cơ duyên của mình đối với ngành y.
Không ỷ lại Nhà nước
Cũng giống như bao lớp thanh niên ngày ấy, tốt nghiệp phổ thông, ông Quyết lỗi hẹn với mái trường đại học để trở thành người lính bảo vệ Tổ quốc. Năm 1976, sau khi nước nhà thống nhất, ông thi vào Trường Đại học Y khoa Hà Nội. Trong 6 năm học, nhìn những tấm gương uyên bác và đức độ của các thầy Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Chung... và nhìn những người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo được các thầy cô cứu sống, ông càng hiểu giá trị đích thực của người thầy thuốc.
“Tôi được các thầy dạy dỗ chỉ bảo, ngày đêm học tập, lặn lội với bệnh nhân. Có những đêm thức trắng phẫu tích bệnh phẩm hoặc ngồi bóp bóng hàng giờ chỉ mong sao cứu sống bệnh nhân”, ông nhớ lại những ngày đầu mới vào nghề. Năm 1985, ông được cử đi học nội trú hệ ngoại tại Đức. Năm 1991, thi đỗ bằng bác sĩ chuyên khoa, ông được nhận làm việc tại một bệnh viện ở Đức, nơi ông đã gắn bó trong suốt 6 năm học tập. “Nhưng tôi đã quyết định trở về Việt Nam và được tiếp tục làm việc tại khoa Phẫu thuật gan mật, tụy tạng. Ở đó có những bệnh lý mà cả đời người thầy thuốc lúc nào cũng thấy mới”, ông chia sẻ về quyết định trở về Tổ quốc.
Năm 2004, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc - Bí thư Đảng ủy bệnh viện. Với ông, đó là một áp lực rất lớn vì phải làm sao để không chỉ quản lý bệnh viện tốt mà vẫn bảo đảm chuyên môn thật giỏi vì Việt Đức là bệnh viện đầu ngành về ngoại khoa, ngoài khám chữa bệnh còn thực hiện nhiệm vụ đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế.
Ông nói: “Nếu cứ đi theo lối mòn cũ bao cấp, trông chờ ỷ lại ở Nhà nước chắc chắn sẽ tụt hậu và người thiệt thòi nhất là bệnh nhân. Sau nhiều ngày trăn trở, bàn bạc, Bệnh viện Việt Đức đã chọn giải pháp phát triển theo quỹ đạo quản lý mở, được kiểm soát bằng sự dân chủ và công bằng để mọi người phát huy nội lực theo tinh thần “biết, bàn và làm”, ông nói.
Nhiều năm qua, Bệnh viện Việt Đức thường xuyên tăng giường bệnh, tăng ca, đổi mới phong cách phục vụ. Bệnh viện còn tổ chức đào tạo tại chỗ và cử người về các cơ sở giảng dạy, mổ xẻ đào tạo theo kiểu “cầm tay chỉ việc” để người bệnh tiếp cận nhanh nhất với bác sĩ tại cơ sở mà không phải gửi về tuyến trung ương.
Từ trái tim đến trái tim
Nhưng câu chuyện của ông không chỉ dừng ở đó. Giờ đây, ông nổi tiếng với câu chuyện về việc ghép tạng - một trong những thành tựu nổi bật của y học Việt Nam trong những năm gần đây.
Nhiều đêm trở về từ phòng mổ thấm mệt nhưng trong đầu tôi hình ảnh bệnh nhân suy gan giai đoạn cuối, vật vã trong tuyệt vọng cứ ám ảnh theo đuổi. Trong khi có hàng chục ngàn người chờ ghép thận, hàng ngàn người chờ ghép gan, ghép tim và hàng năm có hàng ngàn người không may bị tai nạn chết não ra đi trong sự đau đớn của người thân, sự xót xa của thầy thuốc”, ông chia sẻ đầy tâm trạng.
Ở thế giới cũng như ở Việt Nam, nguồn tạng để ghép được lấy từ người cho sống và người cho chết não, với lượng tạng từ người cho sống là rất ít, chỉ khoảng hơn 10%. Muốn cứu sống bệnh nhân suy tạng, nguồn chính phải từ người cho chết não. Mặc dù đã có Luật Hiến ghép mô và bộ phận cơ thể người nhưng vận động được gia đình thân nhân người chết não hiến tạng là cực kỳ khó khăn. Yếu tố xã hội, tâm linh không dễ vượt qua.
Ông và các cộng sự đã trải qua hàng ngàn cuộc vận động thân nhân người chết não, giải thích để họ hiểu được tính hữu ích của việc làm này. Những lời giải thích đều nặng trĩu với bác sĩ và người thân, có những khoảng lặng đến nghẹt thở, có lúc cả thân nhân người chết não và bác sĩ cùng rơi lệ.
Sau 2 đêm thức trắng săn sóc điều trị cho bệnh nhân chết não, đúng 0 giờ 40 phút ngày 20-5-2010, Bệnh viện Việt Đức bắt đầu thực hiện ca ghép gan lấy từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam. “Mặc dù đã cầm dao mổ cho hàng ngàn ca bệnh hiểm nghèo nhưng lúc này trong tôi là một cảm giác khó tả vừa lo, vừa sợ. Sợ là chỉ cần một thoáng mất tỉnh táo bệnh nhân sẽ ra đi. Lo vì kinh nghiệm trong lĩnh vực ghép có hạn”, ông kể lại.
Nhưng bằng những kiến thức tích lũy của nhiều năm tháng học tập nghiên cứu, họ đã thành công: Sau 5 giờ 20 phút thực hiện ghép, đúng 6 giờ ngày 20-5-2010, ca ghép đã thành công. Không gì có thể diễn tả được niềm hạnh phúc lúc đó. Toàn ê kíp gần 100 cán bộ y tế nhìn nhau trìu mến với những bàn tay siết chặt.
Phan Thảo