Với chủ đề “Xây dựng chính quyền đô thị - Yêu cầu thực tiễn”, chương trình tọa đàm Lắng nghe và trao đổi do Thường trực HĐND TPHCM phối hợp với Đài Truyền hình TPHCM thực hiện sáng 8-9, đã làm rõ hơn lợi ích của người dân đối với mô hình quản lý mới.
Khắc phục “kính chuyển”, “bẩm báo”
Ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM cho rằng, TPHCM sẽ kiến nghị Trung ương phân cấp đủ mạnh, đủ lực để TP tiếp tục giữ vai trò là trung tâm của cả nước nhằm hướng đến mục tiêu cao nhất là phục vụ tốt nhất cho nhân dân. Đi vào phân tích, ông Lắm cho rằng, việc phân cấp đủ mạnh là để TP nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý bộ máy chính quyền TP; trong đó điều chỉnh lại chức năng nhiệm vụ ở từng địa bàn; tổ chức lại các sở chuyên ngành theo hướng chuyên môn hóa sâu và tăng cường vai trò lãnh đạo, quản lý nhà nước để giảm được tầng nấc trung gian - thực tế mà người dân vẫn còn than phiền khi đến giao dịch với chính quyền, để giải quyết công việc cho dân nhanh nhất, đồng thời xác định được địa chỉ trách nhiệm rõ nhất. “Khi giảm bớt tầng nấc trung gian sẽ khắc phục được chuyện kính chuyển, bẩm báo”, ông Lắm khẳng định.
Ở góc độ người đứng đầu Viện Nghiên cứu phát triển TP, ông Nguyễn Trọng Hòa cho rằng, chính quyền đô thị gắn với cải cách hành chính, từ chính quyền 3 cấp giảm còn 2 cấp, bộ máy hành chính được tinh gọn, hệ thống dịch vụ công được phủ kín. Về mặt xã hội, tác động lâu dài của chính quyền đô thị sẽ làm tăng quyền làm chủ của người dân khi ý kiến của người dân được phủ kín qua các quyết sách để phát triển đô thị, thông qua người đại diện của mình là đại biểu HĐND.
Riêng TS Trần Du Lịch cho biết, đề án sẽ tính toán lại công vụ để đội ngũ cán bộ công chức được chuyên nghiệp hóa. Như vậy, trong mô hình này, không còn chuyện công chức không biết rõ mình làm việc gì, lãnh lương để làm việc gì và chính người dân sẽ giám sát điều này. “Chắc chắn mô hình mới sẽ không còn chỗ cho người ngồi chơi lãnh lương”, ông Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Sự thỏa mãn của dân - tiêu chí đánh giá chất lượng bộ máy
Những vấn đề gì TPHCM cần Trung ương phân cấp, phân quyền?
Trả lời câu hỏi của nhiều đại biểu, TS Trần Du Lịch cho biết, có 4 việc TP đề nghị Trung ương phân cấp, phân quyền rạch ròi. Đó là chính quyền TPHCM có thẩm quyền gì trong vấn đề ban hành các văn bản vi phạm pháp luật; trong đó có các biện pháp chế tài hành chính như xử phạt trật tự đô thị, vệ sinh môi trường. Thứ hai là thẩm quyền về ngân sách tài chính công, theo hướng: theo Luật Ngân sách sửa đổi, khoản thu nào của địa phương thì phải để cho HĐND của địa phương tính toán chi, nếu chi sai sẽ chịu trách nhiệm trước dân, mà Trung ương không can thiệp; khoản gì Trung ương đầu tư cho TP thì Trung ương giám sát kiểm tra và TP phải tuân thủ, không có chuyện xà xẻo. Trên cơ sở ngân sách tự chủ đó, TP có thể đi vay, phát hành trái phiếu - nghĩa là tự chủ về huy động nguồn lực. Ngoài ra, TP có thể đặt ra một số loại phí để điều chỉnh cuộc sống mà địa phương khác không có. Trường hợp sự điều chỉnh đó bất hợp lý thì nhân dân phản ứng thông qua người đại diện của mình và HĐND phải tiếp thu, điều chỉnh. Vấn đề thứ ba là đối với các loại dịch vụ liên quan đến đời sống của dân, Trung ương chỉ ban hành quy định mà không can thiệp và giao cho địa phương thực hiện, chịu trách nhiệm, như dịch vụ y tế, phúc lợi, an toàn thực phẩm… để khi xảy ra việc gì người dân rạch ròi trách nhiệm. Vấn đề thứ tư là phân cấp rõ về công vụ.
Với mô hình mới thì sự năng động sáng tạo của UBND TPHCM hiện nay sẽ nâng lên nhiều lần. Khi tính năng động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao cũng đồng nghĩa với phúc lợi cho người dân được chăm lo hơn. Hơn hết là thay đổi được tính chất của nền hành chính, từ nền hành chính mang tính quản lý sang nền hành chính phục vụ. Sự thỏa mãn của người dân là tiêu chí lớn nhất để đánh giá chất lượng bộ máy.
| |
VÂN ANH