Chính sách an ninh - quốc phòng chung của EU gây tranh cãi

Tại cuộc họp ở thành phố Wroclaw của Ba Lan ngày 3-4, các ngoại trưởng của 3 nước Đức, Ba Lan và Pháp đã gửi thư tới đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini kêu gọi sớm cho ra đời chính sách an ninh và quốc phòng chung cho EU.
Chính sách an ninh - quốc phòng chung của EU gây tranh cãi

Tại cuộc họp ở thành phố Wroclaw của Ba Lan ngày 3-4, các ngoại trưởng của 3 nước Đức, Ba Lan và Pháp đã gửi thư tới đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini kêu gọi sớm cho ra đời chính sách an ninh và quốc phòng chung cho EU.

Theo tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp của các ngoại trưởng, chính sách này sẽ là “nền tảng cơ bản” cho những phản ứng của EU đối với các thách thức an ninh.

Bất đồng từ trong khối

Bức thư đã được Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius và người đồng cấp nước chủ nhà Grzegorz Schetyna ký kết 3 ngày sau cuộc gặp của bộ trưởng quốc phòng 3 nước tại Potsdam, Đức. Theo đó, 3 nước đề nghị xây dựng và phát triển bốn lĩnh vực gồm phát triển vệ tinh, máy bay không người lái, tiếp nhiên liệu trên không và Internet. Ngoài ra, EU cũng cần có một lực lượng tác chiến cũng như đẩy mạnh các sứ mệnh huấn luyện quân sự ở nước ngoài.

Tại hội nghị lần này, các ngoại trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo đoàn kết trong tất cả các nước thành viên EU; sử dụng một cách hiệu quả các công cụ hiện có để bảo vệ lợi ích của khối, ổn định tình hình biên giới EU và định hình trật tự thế giới trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Châu Âu có đồng thuận về ý tưởng thành lập quân đội chung?

Theo giới quan sát, trong nội bộ EU đang tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về đề xuất trên và khó có thể đạt đến sự đồng thuận. Trong khi Đức bày tỏ tin tưởng tương lai châu Âu sẽ là một hợp chủng quốc và sẽ có quân đội riêng, thì Thủ tướng Pháp Manuel Valls lại e ngại Pháp là nước phải chịu gánh nặng lớn nhất trong việc triển khai các hoạt động quân sự của EU ở nước ngoài, nhất là ở Mali và khu vực Sahel. Anh thì cho rằng đây là một ý tưởng “không có triển vọng” và Anh chưa có ý định tham gia vào liên minh quân sự này. Nhiều chính trị gia khác cũng cho rằng nhiệm vụ phòng thủ chung châu Âu và đánh bại các thế lực hiếu chiến là của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ba Lan cũng tỏ ra không tin tưởng cũng như không ủng hộ đề xuất thành lập quân đội chung EU vì lo ngại rằng hành động này có thể gây ra sự chia rẽ EU trong việc đối phó với các thách thức từ phía Nga.

Gia tăng hiềm khích với Nga

Thực ra, ý tưởng EU cần thành lập lực lượng quân đội chung đã được Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Junker kêu gọi hồi đầu tháng 3 vừa qua trong bối cảnh các nhà lãnh đạo châu Âu lo ngại rằng NATO chưa đủ mạnh để ngăn chặn các mối đe dọa từ bên ngoài lãnh thổ của EU (cụ thể là Nga), cũng như khôi phục vị thế của khối trên trường quốc tế.

Liên quan đến vấn đề Ukraine, Ngoại trưởng Đức Steinmeier cho biết, cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine đã lắng dịu, song việc thực thi Thỏa thuận Minsk vẫn tiến triển hết sức chậm chạp. Các ngoại trưởng đều nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt Nga sẽ chỉ được dỡ bỏ khi Thỏa thuận Minsk được triển khai toàn diện. Trong bối cảnh Mỹ và EU đang bế tắc trong việc tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine, lời kêu gọi này cho thấy mối hiềm khích ngày càng gia tăng giữa EU với Nga cũng như ngay trong nội bộ EU.

Trước đó, tại cuộc họp của ngoại trưởng EU diễn ra đầu tháng 3 ở Latvia, EU cũng không giấu được sự chia rẽ sâu sắc trong các biện pháp trừng phạt đối với Nga liên quan đến vấn đề Ukraine. Nếu ý tưởng lực lượng quân đội chung EU được triển khai, hố ngăn cách trong quan hệ Nga-EU chắc chắn sẽ được khoét sâu hơn, làm tổn hại đến nhiều nền kinh tế khu vực vốn phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

Tờ Federalist nhận định một quân đội thống nhất của EU là ý tưởng tồi. Châu Âu không thiếu quân đội, nhưng thiếu ý chí tự vệ. Thay cho lực lượng quân đội chung, các nước nên nghiêm túc với lực lượng quốc phòng của mình.

HẠNH CHI (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục