Từ ngày 15-11-2015, Nghị định 85/CP của Chính phủ về chính sách đối với lao động nữ có hiệu lực, trong đó có một số quy định như: doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí giữ trẻ; nơi làm việc phải có buồng tắm, nhà vệ sinh; lắp đặt phòng vắt, trữ sữa; được nghỉ 30 phút/ngày trong kỳ kinh nguyệt… Nhưng để thực hiện nghiêm túc, đầy đủ những quy định này thì còn nhiều khó khăn.
Tại các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn TPHCM, lực lượng lao động nữ chiếm tỷ lệ không nhỏ; riêng lĩnh vực may mặc, giày da, nữ công nhân chiếm tỷ lệ 70% - 90%. Tuy nhiên, nếu triển khai ngay những quy định trên thì còn nhiều lúng túng.
Bà Nguyễn Thị Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ Giáo dục - Đào tạo) bày tỏ: “Trong quy hoạch lúc đầu, không phải công ty hay khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) nào cũng có quỹ đất để xây dựng trường mầm non. Các khu nhà lưu trú cho công nhân có xây dựng nhà trẻ, nhưng chỉ nhận giữ trẻ trong giờ hành chính, không thuận lợi cho những công nhân làm thêm ca”.
Theo thống kê, mỗi tháng có khoảng 50 đứa trẻ ra đời tại các KCX-KCN. Nhiều nữ công nhân không tìm được nơi gửi con nhỏ, sau thời gian nghỉ thai sản, đành phải gửi con về quê nhờ ông, bà trông giúp. Để giải quyết thực trạng này, TPHCM thí điểm thành lập các nhóm trẻ gia đình để giữ trẻ dưới 36 tháng tuổi. Hiện TPHCM có 1.551 nhóm lớp độc lập và gần 500 nhóm trẻ gia đình. Tuy nhiên, vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu cho lao động nữ.
Một trong những vấn đề trăn trở của cả chủ doanh nghiệp và nữ lao động là quy định thời gian nghỉ 30 phút trong ngày “đèn đỏ”. Bà Nguyễn Võ Minh Thư, Trưởng phòng Quản lý lao động, Ban quản lý KCX-KCN TPHCM, băn khoăn: “Theo quy định thì mỗi tháng lao động nữ sẽ có ít nhất 3 ngày được nghỉ 30 phút/ngày trong thời gian “đèn đỏ”. Nói thì đơn giản nhưng khi triển khai thì cả người lao động và doanh nghiệp đều lúng túng. Họ không biết phải triển khai ra sao. Chẳng hạn, làm sao để nữ lao động “chứng minh” điều này để được nghỉ? Có được nghỉ dồn một lúc hay nghỉ rải rác? Nếu lao động nữ có thai nhưng 3 - 4 tháng sau mới thông báo thì việc cho nghỉ khi “đèn đỏ” sẽ được tính thế nào? Làm thế nào để xác định nữ lao động đã mãn kinh…”.
Đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng không nhất thiết phải xây dựng nhà tắm tại tất cả các doanh nghiệp. Bởi tại nhiều nơi, việc xây dựng nhà tắm có thể gây lãng phí. Chi phí này có thể dành để đầu tư vào việc khác, sẽ có lợi hơn cho người lao động. Còn về quy định lắp đặt phòng vắt sữa mẹ, một số doanh nghiệp cho biết trong thực tế đã không mang lại hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp do diện tích rộng nên bố trí phòng vắt sữa ở xa, nữ công nhân ngại đến; có nơi đầu tư phòng vắt sữa nhưng chưa từng có nữ công nhân nào sử dụng. “Đây là việc làm rất nhân văn, tạo điều kiện cho trẻ được tiếp tục uống sữa mẹ, nhưng phải nghĩ đến tính khả thi của nó. Doanh nghiệp cũng không ngại vấn đề đầu tư, nhưng quan trọng nhất là hiệu quả đạt được như thế nào”, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc bày tỏ.
Từ nhiều năm nay, Công ty cổ phần TM-SX May Sài Gòn đã áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ lao động nữ. Những nữ công nhân đơn thân nuôi con sẽ được hỗ trợ từ 500.000 - 800.000 đồng/tháng; hỗ trợ tiền xăng, gửi trẻ. Riêng vấn đề hỗ trợ nữ công nhân trong kỳ kinh nguyệt, công ty chi trả vào lương. Theo bà Nguyễn Thị Hồng Liên, Chủ tịch Công đoàn công ty, trong hội nghị người lao động hàng năm, nữ công nhân nhất trí thay thời gian nghỉ “đèn đỏ” bằng nhận tiền lương. “Chúng tôi nghĩ đây cũng là một hình thức hỗ trợ lao động nữ thiết thực. Bởi để chứng mình ngày “đèn đỏ” để cho nghỉ cũng là một vấn đề. Điều này còn gây khó cho cả những doanh nghiệp có đông nữ công nhân”, bà Hồng Liên cho biết.
THÁI PHƯƠNG