
Để bảo đảm cho tăng trưởng kinh tế nước ta duy trì ở tốc độ cao và bền vững, việc mở cửa thị trường vốn - trong đó có thị trường chứng khoán (TTCK) - là việc cần phải làm. Lựa chọn một lộ trình phù hợp để vừa ổn định kinh tế vĩ mô lại vừa tận dụng thời cơ hội nhập và toàn cầu hóa kinh tế là một bài toán tuy hóc búa nhưng không phải là không có lời giải.
Dự thảo Pháp lệnh ngoại hối đã có các quy phạm tiên liệu sự kiện các nhà đầu tư trong nước có thể ra niêm yết chứng khoán ở các TTCK nước ngoài, “giao hàng tận cổng nhà người mua” là một việc rất đáng hoan nghênh. Cũng có các quy định pháp lý để quản lý việc nhà đầu tư nước ngoài vào TTCK Việt Nam để rao bán chứng khoán. Đó là một tín hiệu của mở cửa từng bước thị trường vốn.

Các nhà đầu tư đặt lệnh mua, bán cổ phiếu ở Công ty Chứng khoán ACB.
Vấn đề cốt lõi của chính sách ngoại hối có lẽ là sức đề kháng dựa vào khả năng thanh toán, chi trả ngoại hối trong tổng thể một cán cân thanh toán cân bằng và ổn định.
Điều đó đang và sẽ đòi hỏi một cơ chế tỷ giá hối đoái linh hoạt để tạo lập một lực lượng dự trữ ngoại hối đủ sức cân bằng sự thâm hụt thương mại khó tránh khỏi trên bước đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Việc cho phép huy động vốn nước ngoài thông qua mua bán chứng khoán, góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc tạo thêm kênh cung ứng vốn cho nhu cầu đầu tư của nền kinh tế.
Đồng thời cũng hỗ trợ quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam bằng việc tham gia của phía nước ngoài vào quá trình quản lý của các doanh nghiệp.
Trên thị trường không chính thức (OTC), các hoạt động mua bán cổ phiếu diễn ra sôi động với hơn 100 loại cổ phiếu được giao dịch khá thường xuyên. Đã có 112 tổ chức và cá nhân đăng ký tài khoản góp vốn, mua cổ phần tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong đó Nhật Bản là nước có số lượng nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất.
Cùng với các chính sách có liên quan, NHNN Việt Nam đã ban hành chính sách quản lý ngoại hối thích ứng với sự phát triển của TTCK. Đặc biệt là chính sách ngoại hối đối với việc góp vốn và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam, cũng như đối với việc mua bán chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài tại TTGDCK.
Có thể thấy về cơ bản chính sách quản lý ngoại hối đã điều chỉnh phạm vi mua bán chứng khoán của các nhà đầu tư nước ngoài trên cả thị trường chính thức và thị trường OTC tại Việt Nam.
Các quy định này là hành lang pháp lý quan trọng bảo đảm quyền lợi của các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời hướng dẫn các thủ tục, hồ sơ cần thiết để các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các hoạt động đầu tư chứng khoán, góp vốn, mua cổ phần tại Việt Nam.
Nhà đầu tư nước ngoài được mua ngoại tệ tại các ngân hàng để chuyển ra nước ngoài đối với lượng tiền đồng Việt Nam có trên tài khoản. Quy định trước đây chỉ cho phép nhà đầu tư nước ngoài được chuyển phần vốn đầu tư ra nước ngoài sau 1 năm kể từ ngày phần vốn đó được chuyển vào tài khoản giao dịch chứng khoán, đến nay quy định này đã được NHNN bãi bỏ.
Đây là một bước phát triển được đánh giá cao về khuôn khổ pháp lý của Việt Nam đối với chính sách ngoại hối tác động trực tiếp đến sự phát triển TTCK trong nỗ lực nới lỏng việc kiểm soát các giao dịch vốn.
PHƯỚC THÀNH