Ngân hàng Nhà nước lý giải tỷ giá USD/VND trong nước đi ngược chiều giá USD thế giới

Có nhiều nguyên nhân khiến VND mất giá từ 2,7-2,8%, trong khi từ đầu năm 2025 đến nay, DXY - chỉ số đo lường sức mạnh đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác -  giảm khoảng 10%. Trong đó, có lý do là để có mặt bằng lãi suất thấp thì phải có sự đánh đổi nhất định, trong đó có tỷ giá.

Ngân hàng Nhà nước lý giải tỷ giá USD/VND trong nước đi ngược chiều giá USD thế giới

Đó là lý giải của ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2025 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào sáng 8-7.

Pham Chi Quang .jpg
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) phát biểu tại buổi họp báo

Theo ông Phạm Chí Quang, lãi suất là yếu tố quan trọng trong việc duy trì sức mạnh của một đồng tiền. Trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc giảm lãi suất cho vay để đảm bảo tăng trưởng kinh tế, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay. Theo đó, lãi suất cho vay giảm 0,6% so với cuối năm 2024.

“Tuy nhiên, việc hạ lãi suất cũng đòi hỏi những đánh đổi, trong đó có tỷ giá. Cùng với đó, mặt bằng lãi suất VND thấp trên thị trường liên ngân hàng đã dẫn tới chênh lệch lãi suất âm so với USD, khiến USD hấp dẫn hơn, dẫn tới các tổ chức sẽ chuyển sang nắm giữ USD. Mặc dù nhìn cán cân thanh toán của chúng ta vẫn ổn định, chúng ta vẫn có thặng dư tốt nhưng dòng tiền chuyển đổi rất nhanh, trong đó có liên quan đến dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán liên tục rút vốn từ năm 2024 đến nay”, ông Phạm Chí Quang giải thích.

Ông Phạm Chí Quang cũng cập nhật thông tin rằng, sáng 8-7 chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có công bố mức thuế đối ứng với 14 quốc gia. Với biểu thuế suất này, dòng vốn FDI sẽ bị ảnh hưởng lớn. “Nước ta có độ mở lớn, thị trường xuất khẩu rất lớn đặc biệt xuất khẩu sang Mỹ, vì vậy chính sách thuế sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tỷ giá, lãi suất trong thời gian tới khi dòng vốn có sự dịch chuyển giữa các quốc gia. Bên cạnh đó, với sự biến động khó lường trước của chính sách giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nên đây sẽ là nhân tố tác động rất lớn sự vận động lãi suất và tỷ giá của Việt Nam”, ông Phạm Chí Quang nhận định.

Liên quan đến điều hành tỷ giá, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, trong những giai đoạn thị trường chịu áp lực quốc tế lớn, NHNN bán can thiệp ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng, khi cần thiết để hỗ trợ thanh khoản thị trường nhằm phục vụ các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế, bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát; chủ động tạo dư địa cho tỷ giá có điều kiện diễn biến linh hoạt, góp phần hấp thu cú sốc bên ngoài. Nhờ đó, thị trường ngoại tệ duy trì ổn định, thanh khoản ngoại tệ thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ; tỷ giá diễn biến linh hoạt theo cả hai chiều, phù hợp với điều kiện thị trường.

DYX tăng trong khi giá USD ngân hàng giảm

Ngày 8-7, NHNN đã tăng tỷ giá trung tâm 8 đồng so với phiên trước, lên 25.121 đồng/USD. Trong khi đó, giá USD tại các ngân hàng thương mại (NHTM) được điều chỉnh giảm.

Cụ thể, vào khoảng 12 giờ, Vietcombank niêm yết ở mức 25.945 đồng/USD mua vào và 26.305 đồng/USD bán ra, giảm 25 đồng so với hôm qua. Eximbank báo giá ở mức 25.900 đồng/USD mua vào và 26.310 đồng/USD bán ra, giảm 60 đồng chiều mua và 58 đồng chiều bán.

Ngược chiều với giá USD tại các NHTM, trên thị trường thế giới, giá USD thế giới hồi phục trở lại. Chỉ số DXY tăng 0,67 điểm, lên 97,31 điểm. Giới chuyên gia nhận định, đồng USD đã được củng cố so với các loại tiền tệ chính khác sau khi Tổng thống Donald Trump công bố thuế quan sẽ có hiệu lực vào ngày 1-8 đối với 14 quốc gia.

Tin cùng chuyên mục