Xử phạt nghiêm khắc hơn đối với hành vi ảnh hưởng lớn đến quyền lợi nhà đầu tư

Dự thảo mới đã tăng mức phạt tiền và bổ sung các hình thức xử phạt nghiêm khắc hơn đối với các hành vi vi phạm có rủi ro ảnh hưởng lớn đến hoạt động của tổ chức kinh doanh chứng khoán hoặc quyền lợi nhà đầu tư.

Xử phạt nghiêm khắc hơn đối với hành vi ảnh hưởng lớn đến quyền lợi nhà đầu tư

Ngày 7-7, Bộ Tài chính gửi đến Bộ Tư pháp hồ sơ dự án Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán) và Nghị định số 158/2020/NĐ-CP (về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh) để thẩm định.

Trong đó, về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 156/2020/NĐ-CP, dự thảo tăng mức phạt tiền và bổ sung các hình thức xử phạt nghiêm khắc hơn, như: đình chỉ hoạt động giao dịch, đình chỉ hoạt động kinh doanh/dịch vụ chứng khoán, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề đối với các hành vi vi phạm có rủi ro ảnh hưởng lớn đến hoạt động của tổ chức kinh doanh chứng khoán hoặc quyền lợi nhà đầu tư. Điều này bao gồm các vi phạm về chào bán riêng lẻ, giao dịch ký quỹ, vi phạm của người hành nghề chứng khoán, cho mượn tài khoản dẫn đến thao túng thị trường.

Đáng lưu ý, dự thảo đã tách riêng các hành vi vi phạm về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thành một mục riêng, nhằm quy định hành vi và chế tài xử phạt phù hợp với đặc điểm và tính chất khác biệt của loại hình này so với cổ phiếu hoặc chứng khoán chào bán ra công chúng.

Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 158/2020/NĐ-CP theo hướng quy định về thông tin, giấy tờ cá nhân (chứng minh nhân dân, căn cước công dân) thành số định danh cá nhân trong các hồ sơ liên quan đến kinh doanh chứng khoán phái sinh để đảm bảo phù hợp với Luật Căn cước 2023 và thực hiện Đề án 06 về chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt khi cá nhân có tài khoản định danh điện tử đã được xác thực và dữ liệu có thể kết nối với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Theo cơ quan soạn thảo, dự thảo giúp tăng cường tính răn đe và minh bạch thị trường, góp phần vào sự phát triển ổn định và lành mạnh của thị trường chứng khoán. Từ năm 2021 đến nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành hơn 2.000 quyết định xử phạt với tổng số tiền 176,4 tỷ đồng, cho thấy vai trò quan trọng của các nghị định hiện hành và các sửa đổi này sẽ tiếp tục củng cố hiệu quả xử phạt.

Một điểm mới đáng chú ý là nội dung liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính về thị trường tài sản mã hóa đã được tách ra khỏi dự thảo nghị định này và sẽ được quy định bằng một nghị quyết của Chính phủ về triển khai thí điểm thị trường tài sản mã hóa tại Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục