Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, ngày 14-6-2025, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật số 68. Các chính sách của luật được xây dựng trên tinh thần, cách thức tiếp cận mới, rõ ràng và trao quyền nhiều hơn cho doanh nghiệp nhà nước như: phân công rõ, phân cấp mạnh trong việc quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; tăng tính chủ động trong các quyết định đầu tư của doanh nghiệp; tách bạch, phân định chức năng quản lý nhà nước với chức năng của chủ sở hữu vốn và doanh nghiệp; giảm sự can thiệp trực tiếp của cơ quan đại diện chủ sở hữu; tăng cường phân công, phân cấp gắn với kiểm tra giám sát nhằm nâng cao tính tự chủ tự, tự chịu trách nhiệm.

Qua nhiều lần lấy ý kiến, Luật số 68 dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2026. Tuy nhiên, với tinh thần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông tối đa các nguồn lực hiện có trong doanh nghiệp nhà nước phục vụ mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025, luật được đẩy sớm hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2025.
Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã chủ trì đối với 3 dự thảo nghị định gồm: quy định một số nội dung về quản lý và đầu tư vốn nhà nước và doanh nghiệp; quy định về giám sát, kiểm tra, đánh giá, xếp loại, báo cáo và công khai thông tin trong quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; quy định về cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Về dự thảo nghị định quy định một số nội dung về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, theo đại diện Bộ Tài chính, nội dung gồm 6 chương và 36 điều. Trong đó, việc sử dụng các nguồn nội tại của doanh nghiệp được phân cấp mạnh cho hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đơn giản hóa thủ tục trong quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư vốn.
Về dự thảo nghị định quy định về giám sát, kiểm tra, đánh giá, xếp loại, báo cáo và công khai thông tin trong quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp gồm 6 chương và 50 điều, với nhiều quy định mới, góp phần khắc phục những hạn chế trong công tác giám sát, kiểm tra, đánh giá xếp loại doanh nghiệp.
Việc giám sát, kiểm tra được thực hiện theo 3 cấp: Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu và giám sát nội bộ của doanh nghiệp. Trong đó, Bộ Tài chính chủ trì giám sát, kiểm tra 3 nội dung, đó là: đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Còn các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì giám sát, kiểm tra công tác quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Dự thảo nghị định cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp gồm 8 chương, 100 điều và 3 phụ lục. Theo quy định mới trong dự thảo, công tác cổ phần hóa sẽ không còn gắn với việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp, mà sau khi doanh nghiệp chuyển đổi thành công ty cổ phần thì việc quản lý và sử dụng đất sẽ tuân thủ theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành.