Đã 2 tháng sau cuộc tổng tuyển cử nhưng đến nay Italia vẫn chưa có chính phủ mới vì không đảng nào đủ phiếu đa số để thành lập chính phủ. Quốc hội Itallia hiện bị chia làm 3 phe. Trong đó, phe trung hữu của cựu Thủ tướng Berlusconi lại đang rục rịch làm chuyện lớn.
Kêu gọi đàm phán với PDL
Tuy dẫn đầu trong cuộc tổng tuyển cử nhưng đảng Trung tả Dân chủ Bersani (PD) của Italia vẫn còn chia rẽ về việc thành lập liên minh cầm quyền khi nói “không” với đảng Nhân dân tự do (PDL) của ông trùm truyền thông lắm scandal Silvio Berlusconi. Chủ tịch PD, ông Pier Luigi, cho đến nay liên tục từ chối lời đề nghị từ PDL để thành lập liên minh trong khi PD cũng thất bại khi không thể lôi kéo đảng Phong trào 5 sao để thành lập chính phủ. Một số thành viên nổi bật của PD đã bắt đầu mất kiên nhẫn với lãnh đạo đảng trong việc vượt qua bế tắc. Thị trưởng thành phố Florence Matteo Renzi thuộc PD thúc giục ông Luigi hoặc đồng ý lập liên minh với cựu Thủ tướng Berlusconi hoặc kêu gọi một cuộc bầu cử mới.
Phát biểu trên tờ Corriere della Sera mới đây, Phó Chủ tịch PD Dario Franceschini cho rằng đã đến lúc mở ra cơ hội đàm phán với đảng PDL. Ông nói: “Cho dù chúng ta thích hay không, người dân Italia đã quyết định rằng Berlusconi là người đứng đầu cánh hữu, đã nhận được gần bằng số lượng phiếu bầu như chúng ta. Đó là người mà chúng ta cần phải đàm phán”. Cùng quan điểm với ông Franceschini, lãnh đạo đảng PD tại Hạ viện, ông Roberto Speranza, cho rằng không thể nói rằng phiếu bầu của cử tri cho đảng PDL của Berlusconi là phiếu bầu hạng hai. Việc chậm thành lập chính phủ càng đẩy Italia lún sâu vào khủng hoảng kinh tế khi hàng loạt vấn đề như thất nghiệp cao, giá cả tăng vọt chậm được giải quyết.
Berlusconi tìm cách trở lại chính trường
Tuy nhiên, theo báo chí Italia, vấn đề là ông Berlusconi đã có quá nhiều vụ bê bối nên bất kỳ đảng phái nào cũng phải e dè. Thượng nghị sĩ Laura Puppato cho biết trên trang web của mình rằng đề xuất hình thành một chính phủ với Berlusconi là “một thảm họa cho Italia”. Thượng nghị sĩ thuộc đảng PD, Felice Casson, nói rằng PD nên “đóng cửa tuyệt đối” với Berlusconi.
Cựu Thủ tướng Berlusconi đã buộc phải từ bỏ quyền lực vào năm 2011 sau cuộc khủng hoảng nợ của Italia. Ông vẫn đang kháng cáo các lời buộc tội của tòa án về tội trốn thuế và quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên.
Trớ trêu thay, giờ đây ông lại là một “chính khách quan trọng trên chính trường Italia”. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy liên minh trung hữu của ông có thể dẫn đầu trong bất kỳ cuộc bầu cử mới nào. Trong lúc này, nhằm tranh thủ thêm lá phiếu của cử tri nếu bầu cử lại được tiến hành, ông Berlusconi mạnh dạn trình bày 8 dự án luật trước quốc hội, trong đó có đề nghị bãi bỏ thuế nhà và ưu đãi thuế cho các công ty tuyển dụng những người trẻ tuổi. Ông nói rằng 8 dự luật này phản ánh chương trình chiến dịch của đảng ông trong cuộc bầu cử và tin rằng nó sẽ là có tác động tích cực ngay lập tức đối với nền kinh tế và xã hội Italia, nhất là trong việc tạo ra việc làm mới.
Ông Berlusconi thúc giục PD nhanh chóng liên minh với PDL. Phát biểu trên Twitter, ông Berlusconi cho rằng: “Điều quan trọng là phải hình thành một chính phủ mạnh và ổn định ngay lập tức”, đồng thời nhắc lại “Nếu PD tiếp tục từ chối PDL, chúng ta phải tổ chức bầu cử lại”. Một cuộc thăm dò được công bố cuối tuần qua do cơ quan SWG tiến hành cho thấy PDL chiếm 31,4% cử tri, tăng 2,2 điểm kể từ cuộc bầu cử và vượt lên dẫn 2,1 điểm trước PD. Cùng lúc, lực lượng ủng hộ Berlusconi đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình đòi tổ chức lại bầu cử và cuộc biểu tình mới nhất dự kiến diễn ra vào ngày 13-4 tại TP Bari.
THỤY VŨ tổng hợp