Nhớ một chuyện buồn nhân Ngày Báo chí 21-6

Còn thiếu một lời xin lỗi!

“Vụ án”... oan
Còn thiếu một lời xin lỗi!
Còn thiếu một lời xin lỗi! ảnh 1

Ngày 31-7-1997, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum ông Nguyễn Thanh Cao (nay đã nghỉ hưu) ký Quyết định số 175 cách chức Giám đốc Sở Xây dựng Kon Tum đối với ông Lê Vinh (ảnh). Từ đó đến nay đã gần 10 năm trôi qua, ông Lê Vinh đã sống trong nỗi oan ức “kêu không thấu trời” với bao nhiêu tổn hại cả về vật chất và tinh thần. Cũng từ đó đến nay, có không ít báo chí đã “chà đạp” ông và “minh oan” cho ông... Sau khi bị kỷ luật oan (1997), năm 2003 ông Vinh về hưu, mới đây ông cũng được vinh dự nhận Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng... Thế nhưng vụ án đầy oan sai đối với ông đến nay vẫn đeo đẳng cuộc sống của ông.

“Vụ án”... oan

Đầu năm 1993, UBND tỉnh Kon Tum đã đồng ý về mặt chủ trương cho phép Sở Xây dựng (SXD) mua 1 ô tô con với giá dự toán ban đầu là 350 triệu đồng. Sau khi lựa chọn, SXD đã quyết định mua xe ô tô con đang sử dụng hiệu Toyota Camry do Liên hiệp Hợp tác xã vận tải Quy Nhơn (Bình Định) giới thiệu bán, với giá chỉ 255 triệu đồng (kể cả lệ phí trước bạ), tức rẻ hơn mức giá cho phép.

Cẩn thận hơn, trước khi mua SXD đã nhờ Sở GTVT Kon Tum, Sở Tài chính-Vật giá Kon Tum, Phòng CSGT Công an tỉnh Kon Tum giúp đánh giá về chất lượng xe, giá cả xe và thủ tục giấy tờ... và được các cơ quan này đều trả lời: mua được! Từ kết luận trên, lúc này ông Lê Vinh, Giám đốc SXD (chủ tài khoản) mới trực tiếp ký hợp đồng mua bán chiếc xe trên mang BKS 82A-0829.

Xe 82A-0829 vẫn hoạt động bình thường cho đến năm 1995, ông Vinh “té ngửa” khi được công an kinh tế tỉnh cho biết đã có thêm 1 bản hợp đồng thứ hai “khác” với hợp đồng trước đó nằm trong hồ sơ mua bán xe (!?). Hợp đồng thứ hai này do ông Đỗ Hoàng Liên Sơn, Phó GĐ SXD (hiện là đương kiêm GĐ SXD) ký với một công ty khác, với số tiền chênh lệch đến 95 triệu đồng.

Kiểm điểm trước cơ quan chức năng, ông Sơn tự khai nhận (trong bản tường trình ngày 9-1-1996 với công an tỉnh) là mình đã làm sai, ông thú nhận: “Tôi ký lần này là chỉ để làm thủ tục xin giảm thuế thôi” và ông Sơn khẳng định: “Tôi ý thức được rằng tôi không được phép ký hợp đồng trong lĩnh vực này. Vì tôi biết anh Vinh đã ký hợp đồng và đã thanh lý xong. Đây là một khuyết điểm lớn của tôi, vì vượt thẩm quyền được giao”. Như vậy, có thể khẳng định hợp đồng do ông Vinh ký và đã thanh lý là hợp lệ, hợp pháp, còn hợp đồng do ông Sơn ký là bất hợp lệ, vi phạm pháp luật! Nếu căn cứ vào yếu tố này, lãnh đạo tỉnh Kon Tum kỷ luật ông Sơn thì chuyện chẳng có gì để nói. Đằng này hoàn toàn ngược lại, ông Sơn chỉ bị xử lý kỷ luật “nhẹ hều” và sau đó được bổ nhiệm chức Giám đốc SXD Kon Tum… thay thế ông Vinh.

Báo chí “vào cuộc”!

Sự việc ông Lê Vinh, Giám đốc SXD Kon Tum bị kỷ luật cách chức vì lý do cố ý làm trái, thiếu tinh thần trách nhiệm để thất thoát tài sản của nhà nước... khiến cho dư luận xã hội ở Kon Tum lúc ấy bàng hoàng và có nhiều quan điểm trái ngược nhau.

Có người cho rằng: ai đó đã bắn một mũi tên trúng hai mục đích, vừa “hạ gục” vừa “soán ngôi” sếp (!?). Một tờ báo ở TƯ lúc ấy đã căn cứ theo quyết định kỷ luật số 175 oái oăm này mà “đưa” lên mặt báo rằng ông Vinh bị 2 “tội”: Cố ý làm trái và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng…

Một người con gái của ông Lê Vinh đang ở Đà Nẵng đau xót: “Cha tôi bị oan ức đến nỗi không còn thiết gì đến cuộc sống, không muốn gặp ai nữa. Em trai tôi từ đó cũng buồn mà bỏ đi và bị tai nạn giao thông chết. Hay tin cha tôi bị kỷ luật oan, bà nội tôi buồn sinh bệnh nặng vì cha tôi là con trai trưởng. Đến khi biết tin em tôi (là cháu đích tôn) chết, bà nội tôi cũng hấp hối và chết ngay sau đó đúng 49 ngày. Báo chí góp một phần làm tan nát gia đình chúng tôi. Tại sao các anh không tĩnh tâm lại để xem xét các quyết định kỷ luật? Tại sao các anh không viết lại một dòng đính chính khi lẽ phải đã được chứng minh? Em tôi chết là do tai nạn, bà tôi chết là do bệnh nhưng sâu xa hơn là gì?”.

Trước sự việc đầy oan khiên của ông Lê Vinh, báo chí lại “vào cuộc” với tinh thần và trách nhiệm cao nhằm bảo vệ lẽ phải và sự công bằng trên cơ sở thực thi nghiêm minh pháp luật. Báo Đại Đoàn Kết số 44, ra ngày 3-6-2003 trên trang 4 có bài viết với tiêu đề “Kon Tum - một giám đốc bị kỷ luật oan” đã nêu rất rõ việc mua xe của ông Vinh là hoàn toàn đúng theo quy định, có sai sót xảy ra là do ông Sơn tự ý làm sai, tự ý vượt thẩm quyền cho phép mà không được ông Vinh ủy quyền.

Bài báo kết: Ông Sơn không chỉ cố ý làm trái quy định mà còn là người tiếp tay cho kẻ khác gian dối thương mại và trốn thuế! Bài báo cũng đã nêu rõ, vụ việc đã rõ như vậy, tại sao lãnh đạo tỉnh Kon Tum lại “trút tội” lên đầu ông Vinh, để ông này phải mang án oan chừng ấy năm trời, trong khi lẽ ra ông Sơn chính là người phải “lãnh đủ” hậu quả do chính mình gây ra, thì lại “được” xử nhẹ và còn được bổ nhiệm chức vụ giám đốc SXD thay thế ông Vinh (!?).

Bài báo còn mạnh dạn nêu câu hỏi: Phải chăng đằng sau vụ việc trên có nhiều điều không minh bạch? Và có hay không sự o bế, phe cánh quyền lực...chốn công đường ở Kon Tum?

Cần một lời xin lỗi

Từ năm 1997 đến nay ông Lê Vinh đã nhiều lần kêu oan, đề nghị minh xét... Trước dư luận mạnh mẽ của xã hội và sự “vào cuộc” quyết liệt của báo chí, UBND tỉnh Kon Tum đã ra Quyết định số 361 hủy bỏ “sai phạm” (!?) của ông Vinh là “cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng” được ghi ở điểm 4 của Quyết định số 175 ký trước đó.

Gặp ông, chúng tôi không thôi niềm ray rứt: Khi Đảng (ở đây là Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kon Tum thời điểm 1997) còn chưa thật sát người, sát việc (nói cách khác là chưa thật sát dân), thì vẫn còn những đảng viên như ông Lê Vinh bị oan khiên; khi báo chí “đánh” sai mà không đính chính một cách sòng phẳng thì có thể gây hậu quả khôn lường đối với cuộc đời một con người. Và những người gây “hàm oan” cho ông Vinh còn “xấu hổ” chưa dũng cảm nhận lỗi về mình thì niềm tin nơi quần chúng vẫn còn lung lạc.

Ở đây là chuyện phải làm, dù quá muộn màng: một lời xin lỗi đối với đảng viên Lê Vinh!

Cao Sơn - Minh Anh

Tin cùng chuyên mục