Tác phẩm Văn bia góp phần giáo dục lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng

BÁO CÁO
Tác phẩm Văn bia góp phần giáo dục lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng

Bài phát biểu của đồng chí LÊ THANH HẢI, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM tại lễ công bố kết quả và trao giải Cuộc vận động sáng tác Văn bia “Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định” ngày 26-10-2014

Kính thưa các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng,
Kính thưa Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu,
Thưa các văn nghệ sĩ, các nhà khoa học, các đồng chí, các vị đại biểu,

Thành phố chúng ta đang triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực Kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2015). Hôm nay, Ban Thường vụ Thành ủy công bố kết quả và trao giải Cuộc vận động sáng tác Văn Bia “Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định”; tôi xin kính gửi đến các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, kính gửi đến đồng chí Vũ Khiêu, xin gửi đến các đồng chí, các vị đại biểu lời chúc mạnh khỏe và lời chào trân trọng.

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải phát biểu tại lễ trao giải Cuộc vận động sáng tác Văn bia “Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định”. Ảnh: VIỆT DŨNG

Kính thưa các đồng chí, các vị đại biểu,

Cùng cả nước, với miền Nam “Thành đồng Tổ quốc”, Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua chặng đường lịch sử đấu tranh cách mạng kiên cường và giành thắng lợi vẻ vang, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định vốn có truyền thống đoàn kết, lao động cần cù, sáng tạo, giàu lòng yêu nước, chống ngoại xâm. Từ thành phố này, Bác Hồ kính yêu đã ra đi tìm đường cứu nước; khi Đảng ta ra đời, Nhân dân thành phố đã một lòng một dạ sắt son theo Đảng, đấu tranh kiên cường; nơi đây cũng là trung tâm của phong trào công nhân, phong trào yêu nước; có thời điểm thành phố được chọn là địa bàn hoạt động chủ yếu của Trung ương Đảng.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định là trung tâm của phong trào đấu tranh đô thị, là địa bàn trọng điểm của chiến trường miền Nam, là điểm quyết chiến chiến lược của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đây cũng là địa bàn hoạt động của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, của các đồng chí Xứ ủy Nam kỳ, Trung ương Cục miền Nam… Thử thách hết sức gay gắt đối với Đảng bộ không chỉ là vượt qua biết bao gian lao, ác liệt, hy sinh mà chính là sự đọ sức với kẻ thù về mưu lược, về trí tuệ của từng tập thể cấp ủy, của từng cán bộ, đảng viên để tồn tại, bám trụ, gầy dựng phong trào, phát động và tổ chức Nhân dân đứng lên đấu tranh cách mạng.

Đảng bộ và Nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định “Đứng ở đầu sóng ngọn gió, giữa sào huyệt của kẻ thù, vẫn luôn một lòng, một dạ kiên trung bất khuất”(1), cùng miền Nam đã “đi trước về sau”. Biết bao đồng bào, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ đã anh dũng vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách ác liệt, chiến đấu anh dũng, hy sinh, cống hiến công lao, xương máu, tuổi thanh xuân trên mảnh đất này, lập nên chiến công hiển hách, cho thành phố có được tự hào và vẻ vang hôm nay. Trong mỗi chiến công của thành phố đều “có máu xương, công sức, trí tuệ của chiến sĩ và đồng bào khắp mọi miền đất nước” (2).

Để đời đời ghi nhớ công ơn to lớn của đồng bào, chiến sĩ và các đồng chí lãnh đạo; đồng thời, để giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân, thanh - thiếu niên và các thế hệ sau; Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố quyết định xây dựng Đền thờ những người có công lớn với Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, các đồng chí lãnh đạo Khu ủy, Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, cán bộ chiến sĩ qua các thời kỳ. Đền thờ được xây dựng trên vùng đất thép Củ Chi, vùng đất mà những chiến công oai hùng mãi mãi vang dội núi sông, “gan vàng dạ sắt” của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào đã được tôi luyện qua hai cuộc kháng chiến, trở thành một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, được cả nước và năm châu bốn biển biết đến như một huyền thoại về ý chí, nghị lực phi thường của con người Việt Nam.

Quá trình hình thành chủ trương, tiến hành quy hoạch, thiết kế, xây dựng Đền thờ, đặc biệt là nội dung truyền thống, lịch sử, Ban Thường vụ Thành ủy luôn nhận được những ý kiến sâu sắc, giàu tính nhân văn, đầy tâm huyết và sự theo dõi nhắc nhở sát sao, thường xuyên, trực tiếp của đồng chí Phan Văn Khải; càng thôi thúc Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức thực hiện chu đáo, đến nơi đến chốn. Ban Thường vụ Thành ủy đặc biệt trân trọng biết ơn sự quan tâm, những ý kiến quý báu và sự tiếp sức rất hiệu quả của đồng chí Phan Văn Khải.

Thưa các đồng chí cùng các vị đại biểu,

Trong Khu Truyền thống có một nội dung hết sức quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt, thể hiện tư tưởng xuyên suốt… Đó là Văn Bia “Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định”.

Văn Bia bằng ngôn ngữ riêng giàu cảm xúc, dễ đi vào lòng người để khắc họa sâu sắc, cô đúc lịch sử đấu tranh cách mạng kiên cường, hào hùng, vẻ vang của Đảng bộ và Nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; tôn vinh công lao to lớn của đồng bào, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và các đồng chí lãnh đạo đã hy sinh vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, vì ấm no, hạnh phúc của Nhân dân; phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Với mục đích, yêu cầu rất cao về nội dung và rất khó về thể loại, vừa tiếp thu, kế thừa cách viết Văn Bia theo cổ văn của người xưa, vừa phải phát triển, đổi mới trong hành văn cho phù hợp với việc cảm thụ văn học, kế thừa truyền thống, lịch sử hiện nay; Cuộc vận động sáng tác Văn Bia đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của cán bộ, chiến sĩ, các nhà văn, học giả tại thành phố và cả nước, thể hiện trách nhiệm và tình cảm sâu nặng với thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.

Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy, tôi chân thành cảm ơn sự đóng góp công sức, trí tuệ và thời gian quý báu của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các tác giả khắp mọi miền đất nước đã nhiệt tình hưởng ứng Cuộc vận động sáng tác Văn Bia; cảm ơn các đồng chí trong Hội đồng Khoa học, Hội đồng Sơ tuyển, Ban Tổ chức. Ban Thường vụ Thành ủy trân trọng biết ơn Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu. Ông tuy tuổi đã cao, bộn bề công việc nhưng đã dành thật nhiều tâm huyết, trí lực, miệt mài lao động, đọc nhiều tài liệu đồ sộ để cảm nhận sâu sắc chân dung, thần thái các anh hùng liệt sĩ, các đồng chí lãnh đạo, cùng sống lại khí thế oai hùng năm xưa, trăn trở từng câu, cân nhắc từng chữ, để hoàn thành tác phẩm Văn Bia. Tác phẩm đã thể hiện sự tri ân với trách nhiệm và nghĩa tình sâu đậm, niềm tự hào to lớn, tính giáo dục rất sâu sắc.

Thưa các đồng chí, các vị đại biểu,

Các tác phẩm Văn Bia nhận giải thưởng hôm nay là những áng văn có giá trị về lịch sử và văn học.

Có tác phẩm thể hiện sự cân xứng, nhịp nhàng, ngôn ngữ trang trọng, trong sáng, đẹp đẽ cũng như sự nhập tâm sâu sắc của tác giả; trong tác phẩm đã hiện lên những chiến công vang dội, lòng khát khao mãnh liệt cho độc lập, tự do, thống nhất; ý chí, nghị lực phi thường và sự hy sinh vô bờ bến của các đồng chí lãnh đạo, của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định; chỉn chu về niêm luật mà vẫn phóng khoáng, biến ảo, trầm hùng, đầy dữ liệu lịch sử, văn hóa. Có tác phẩm thể hiện âm hưởng hùng tráng, vừa thể hiện niềm tự hào, vừa biểu thị niềm nhớ thương vô hạn; có sức truyền cảm mạnh mẽ, kỳ diệu.

Để tiếp tục hoàn thiện các tác phẩm với chất lượng cao nhất, Ban Thường vụ Thành ủy thông báo đến cán bộ, đảng viên, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, Nhân dân thành phố về kết quả vận động sáng tác Văn Bia và trân trọng mời đồng bào, đồng chí đọc, đóng góp ý kiến, làm cơ sở quý báu để các tác giả tiếp tục hoàn thiện, nâng tầm Văn Bia, đáp ứng lòng mong mỏi, kỳ vọng của Đảng bộ và Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

Tác phẩm Văn Bia truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định sau khi được tạc dựng chính thức, nhất định sẽ góp phần giáo dục, bồi dưỡng lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng; nâng cao niềm tự hào về dân tộc, về cách mạng, về Đảng cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân, thanh - thiếu niên hôm nay và các thế hệ mai sau.

Một lần nữa, thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy, tôi kính chúc các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, kính chúc đồng chí Vũ Khiêu mạnh khỏe, trường thọ, xin chúc các đồng chí, các vị đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin chân thành cảm ơn.

(1, 2) Lê Duẩn: Xứng đáng hơn nữa là thành phố mang tên Bác Hồ vĩ đại. Văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ II, 1980, trang 28.

(*) Đầu đề do Báo SGGP đặt.

BÁO CÁO

Quá trình tổ chức thực hiện Cuộc vận động sáng tác Văn bia “Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định” và tổ chức lấy ý kiến góp ý của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân

Nhằm khắc họa sâu sắc lịch sử đấu tranh cách mạng kiên cường, hào hùng, vẻ vang của Đảng bộ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; tôn vinh, tri ân các đồng chí lãnh đạo, đảng viên, đồng bào, chiến sĩ đã có công lao to lớn đóng góp vào sự nghiệp vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân; qua đó tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo; phát huy cao độ truyền thống vẻ vang ấy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; Ban Thường vụ Thành ủy đề ra Kế hoạch tổ chức Cuộc vận động sáng tác Văn bia “Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định”.

Tác phẩm Văn bia góp phần giáo dục lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng ảnh 2

Các tác giả có tác phẩm được lựa chọn vào vòng 2 Cuộc vận động sáng tác Văn bia “Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định”. Ảnh: VIỆT DŨNG

Qua hơn 8 tháng kể từ ngày tổ chức lễ phát động, Cuộc vận động sáng tác Văn bia “Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định” và qua nhiều lần tổ chức cho các tác giả tham quan một số di tích lịch sử văn hóa, gặp gỡ một số cán bộ đã hoạt động tại TP trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trao đổi với một số chuyên gia nghiên cứu văn học, sử học; thâm nhập, nghiên cứu thực tế để sáng tác, đến cuối tháng 3-2013, ban tổ chức đã nhận được 58 bài dự thi của các tác giả; trong đó có các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ, nhà báo, giáo viên, những người hoạt động thực tiễn và có cả những đoàn viên thanh niên trẻ tuổi… hiện đang sinh sống, công tác tại TPHCM, các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, TP Đà Nẵng, Cần Thơ; có 1 tác giả ở nước ngoài cũng hưởng ứng cuộc vận động và tham gia sáng tác.

Nhìn chung, đa phần các bài viết tham gia Cuộc vận động sáng tác Văn bia “Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định” đều đảm bảo yêu cầu về nội dung và hình thức, thể hiện quá trình đấu tranh kiên cường của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định với những gian khổ, hy sinh vô bờ và thắng lợi vẻ vang trong cách mạng giải phóng dân tộc; thể hiện được tinh thần yêu nước, cách mạng, bất khuất, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của đồng bào, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và của các đồng chí lãnh đạo ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định; thể hiện được vai trò lãnh đạo của Khu ủy, Thành ủy, của Đảng bộ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, những tấm gương tiêu biểu và truyền thống anh hùng của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TPHCM.

Ngày 28-2-2013, sau gần 8 tháng kể từ ngày tổ chức lễ phát động Cuộc vận động sáng tác Văn bia “Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định”, Hội đồng sơ tuyển đã tiến hành họp và tuyển chọn 12 bài viết trong tổng số 56 bài viết tham gia, có nội dung khá vào vòng 2. Đồng thời, để tiếp tục thu thập thêm những bài hay, có chất lượng, Ban tổ chức Cuộc vận động sáng tác Văn bia quyết định kéo dài thời gian Cuộc vận động thêm 3 tháng. Cuối tháng 3-2013, Ban tổ chức Cuộc vận động sáng tác Văn bia đã xét chọn bổ sung 2 bài viết đạt yêu cầu về nội dung và hình thức vào vòng 2; đồng thời tổ chức Trại sáng tác, nâng cao chất lượng các bài hưởng ứng Cuộc vận động sáng tác Văn bia. Nội dung, chương trình làm việc của trại sáng tác cung cấp thêm những thông tin, yêu cầu cụ thể, có chiều sâu hơn về nội dung và niêm luật của thể loại văn bia; tạo điều kiện, môi trường để các tác giả trao đổi ý kiến, đầu tư nâng cao chất lượng tư tưởng và nghệ thuật cho tác phẩm Văn bia.

Sau Trại sáng tác, nâng cao chất lượng các bài hưởng ứng Cuộc vận động sáng tác Văn bia, Hội đồng sơ tuyển với tinh thần trách nhiệm cao đã bước đầu xét chọn lần 2 đối với 14 bài viết. Nhìn chung, 14 bài viết đều thể hiện nội dung súc tích, lời văn trau chuốt, cô đọng, thể hiện cơ bản 3 yêu cầu theo nội dung gợi ý của Ban tổ chức cuộc vận động. Căn cứ vào kết quả làm việc và xét chọn của Hội đồng sơ tuyển, có 7 trong số 14 bài viết được chọn vào vòng 2. Đồng thời, Hội đồng sơ tuyển cũng nhận thấy, có 3 bài viết trong số 7 bài viết này về nội dung và thể loại có sự nổi trội, có thể trao đổi thêm với các tác giả để hoàn thiện bài viết, trình Hội đồng khoa học xem xét tác phẩm đạt giải nhất, giải nhì, giải ba.

Ngày 13-6-2014, căn cứ vào Báo cáo kết quả vòng 2 sơ tuyển Cuộc vận động sáng tác Văn bia của Hội đồng sơ tuyển, Hội đồng khoa học đã họp và xét chọn tác phẩm đạt giải với 9 lượt ý kiến đóng góp, đặc biệt Hội đồng khoa học cũng đã lắng nghe, lĩnh hội ý kiến của đồng chí Phan Văn Khải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ. Với tinh thần trách nhiệm cao và quy trình làm việc chặt chẽ, Hội đồng khoa học đã bỏ phiếu và chọn ra 1 bài viết đạt giải nhì và 2 bài viết đạt giải ba, trình Ban Thường vụ Thành ủy quyết định bài viết đạt giải để tổ chức công bố kết quả, trao giải và lấy ý kiến góp ý rộng rãi của cán bộ, đảng viên và nhân dân trước khi tạc dựng.

Căn cứ kết quả cuộc họp Hội đồng khoa học, Ban Thường vụ Thành ủy đã xem xét và quyết định kết quả Cuộc vận động sáng tác Văn bia “Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định” như sau: 7 bài được xem xét, chọn đạt 1 giải nhì, 2 giải ba và 4 khuyến khích đều đáp ứng tốt về nội dung và hình thức; thể hiện quá trình đấu tranh kiên cường, tinh thần yêu nước, cách mạng, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của đồng bào, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và các đồng chí lãnh đạo Khu ủy, Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.

Như vậy, qua hơn 2 năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động sáng tác Văn bia đã huy động và tập hợp trí tuệ, công sức, tâm huyết của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân, nhất là đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ tham gia xây dựng, đóng góp vào Văn bia, tạo thành công trình trí tuệ tập thể có chất lượng cao nhất để công bố, tạc dựng. Từ những kết quả nêu trên, Ban tổ chức Cuộc vận động sáng tác Văn bia “Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định” tổ chức lễ công bố kết quả và trao giải; đồng thời công bố, lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với 1 tác phẩm đạt giải nhì và 2 tác phẩm đạt giải ba, góp phần hoàn thiện cả về nội dung và hình thức tác phẩm trước khi quyết định tạc dựng chính thức vào Bia trong khuôn viên Khu Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, tại huyện Củ Chi.

Thời gian lấy ý kiến đóng góp trong 6 tháng, từ ngày 27-10-2014 đến hết ngày 10-4-2015 trên Báo Sài Gòn Giải Phóng, Tạp chí Sổ tay Xây dựng Đảng, Trang tin điện tử Đảng bộ TP, Website Đại học Quốc gia TPHCM, Website Hội Nhà văn TP.

Ban tổ chức Cuộc vận động sáng tác Văn bia “Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định” mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp chân thành của cán bộ, đảng viên và nhân dân để các tác giả hoàn thiện bài viết, tiến tới tạc dựng chính thức và ra mắt, phục vụ nhu cầu của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân TP.

Thay mặt Ban tổ chức Cuộc vận động sáng tác Văn bia “Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định”, trân trọng cảm ơn sự tham gia nhiệt tình, công sức, đầy tâm huyết của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân, nhất là đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ đã nhiệt tình hưởng ứng Cuộc vận động sáng tác Văn bia do Thành ủy TPHCM phát động.

Kính chúc các đồng chí lãnh đạo, các vị đại biểu, các tác giả đã nhiệt tình hưởng ứng Cuộc vận động sáng tác Văn bia “Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định” mạnh khỏe, hạnh phúc và hy vọng tiếp tục nhận được sự tham gia nhiệt tình của các đồng chí trong các hoạt động do TPHCM phát động trong thời gian tới.

BAN TUYÊN GIÁO THÀNH ỦY


HƯỚNG DẪN

Lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân về nội dung Văn bia “Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định”

Để ghi nhớ giai đoạn lịch sử hào hùng của Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, ghi nhớ công ơn to lớn của đồng bào, chiến sĩ và các đồng chí lãnh đạo đã hy sinh trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định; đồng thời để giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang, tinh thần yêu nước sáng ngời của dân tộc cho các thế hệ đời sau, Thành ủy, UBND TPHCM quyết định xây dựng Khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định với quy mô lớn tọa lạc tại huyện Củ Chi, TPHCM. Trong khuôn viên Khu Truyền thống có lập Đền thờ những người có công lớn với Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, các đồng chí lãnh đạo Khu ủy, Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định qua các thời kỳ và đặt Văn bia “Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định”, đây là một hạng mục cần thiết và có ý nghĩa rất đặc biệt, cần có sự đầu tư công sức, trí tuệ của các tầng lớp nhân dân TP.

Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động sáng tác Văn bia “Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định” đã huy động và tập hợp trí tuệ, công sức, tâm huyết của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân, nhất là đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ tham gia xây dựng, đóng góp vào Văn bia, tạo thành công trình trí tuệ tập thể có chất lượng cao nhất để công bố, tạc dựng. Từ những kết quả nêu trên, Ban Tổ chức Cuộc vận động sáng tác Văn bia “Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định” tổ chức lễ công bố kết quả và trao giải; đồng thời công bố, lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với 1 tác phẩm đạt giải nhì và 2 tác phẩm đạt giải ba, góp phần hoàn thiện tác phẩm cả về nội dung và hình thức trước khi tạc dựng chính thức vào bia trong khuôn viên Khu Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, tại huyện Củ Chi.

1. Tác phẩm lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân

- Tác phẩm đạt giải nhì: “Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, đất linh thiêng rợp bóng anh hùng” của tác giả Vũ Khiêu.

- Hai tác phẩm đạt đồng giải ba:

 + Tác phẩm “Văn bia truyền thống cách mạng Sài Gòn - Gia Định” của tác giả Dương Trọng Dật.

 + Tác phẩm “Văn bia truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định” của tác giả Lê Quang Trang.

2. Thời gian lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong 6 tháng, từ ngày 27-10-2014 và đến hết ngày 10-4-2015. Nội dung lấy ý kiến đóng góp: về thể loại, về nội dung, về văn phong.

3. Nơi đăng bài:

Tác phẩm được đăng tải trên Báo Sài Gòn Giải Phóng, Tạp chí Sổ tay Xây dựng Đảng, Trang tin điện tử Đảng bộ TP, Trang tin điện tử Đại học Quốc gia TPHCM, Trang tin điện tử Hội Nhà văn TP.

Căn cứ vào đặc điểm của từng đơn vị:

+ Báo Sài Gòn Giải Phóng đăng trên Báo điện tử www.sggp.org.vn; trên báo in ra ngày 27-10-2014.

+ Tạp chí Sổ tay Xây dựng Đảng đăng trên số ra tháng 11-2014.

+ Trang tin điện tử Đảng bộ TP www.hcmcpv.org.vn, Trang tin điện tử Đại học quốc gia TPHCM www.vnuhcm.edu.vn, Trang tin điện tử Hội Nhà văn TP www.nhavantphcm.com.vn đăng trên chuyên mục của Trang tin điện tử.

4. Cách thức tiếp nhận ý kiến đóng góp: cán bộ, đảng viên và nhân dân gửi văn bản hoặc thư điện tử về địa chỉ tòa soạn và hộp thư điện tử của các đơn vị; bộ phận biên tập của các đơn vị tổng hợp ý kiến đóng góp và gửi báo cáo tổng hợp về Ban Tuyên giáo Thành ủy trước ngày 20-4-2015.

Thông tin liên quan

Trao giải Cuộc vận động sáng tác văn bia “Truyền thống cách mạng Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định”  

Tin cùng chuyên mục