Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Đánh giá sát thực tế để đặt mục tiêu phấn đấu

Ngày 28-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương về triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016.

Ngày 28-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương về triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016.

Tăng trưởng cao nhất trong vòng 8 năm qua

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2015, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, năm 2015 lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp (bình quân cả năm chỉ tăng 0,63%), nhưng không có biểu hiện giảm phát. Tiêu dùng trong nước, sức mua và tổng cầu đã tăng khá mạnh. Tốc độ tăng trưởng GDP tăng nhanh sau từng quý. Ước cả năm 2015, GDP đạt khoảng 6,68%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008, cao hơn số đã báo cáo Quốc hội (khoảng 6,5%) và cao hơn mục tiêu đề ra là 6,2%. Lạm phát cơ bản bình quân cả năm 2015 tăng 2,05% so với năm trước. Đáng chú ý, có trên 21.500 doanh nghiệp trước đây gặp khó khăn ngừng hoạt động nay đã hoạt động trở lại, tăng gần 40% so với năm trước.

Với thực tiễn này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương thảo luận làm rõ những mặt hạn chế, yếu kém, chỉ rõ nguyên nhân, thảo luận kỹ các giải pháp để thực hiện trong năm 2016. “Nghị quyết ban hành phải sát thực tế đất nước, bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu 2016 đã đề ra, tạo tiền đề cho thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 mà tới đây Đại hội Đảng XII, Quốc hội sẽ đề ra”, Thủ tướng nhấn mạnh. Sau khi tiếp thu ý kiến các bộ ngành, địa phương, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết để triển khai ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm 2016. “Năm 2016 có nên chỉ đặt chỉ tiêu GDP đạt 6,7% hay cao hơn vì đang có đà khả quan. Cần đánh giá sát thực tế, căn cứ kết quả đạt được để đặt mục tiêu phấn đấu, từ đó tính toán giải pháp thực hiện”, Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng cho biết, dự thảo nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 đã được xây dựng trên tinh thần cụ thể hóa kết luận của Trung ương, của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội năm 2016. Qua đó đã đề ra 9 nhóm nhiệm vụ - giải pháp lớn với hàng trăm cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể cũng như đề ra các yêu cầu trong tổ chức thực hiện.

Tập trung phát triển những mặt hàng nông sản có lợi thế

Thảo luận về dự thảo nghị quyết thực hiện nhiệm vụ năm 2016, một số ý kiến cho rằng, thời kỳ đầu chỉ nên đặt chỉ tiêu GDP tăng trưởng 6,7% vì đã phục hồi nhưng kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là giá dầu giảm, tác động mạnh mẽ đến nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, với dự báo tình hình, có thể đặt mục tiêu tăng trưởng 7%.

Các thành viên Chính phủ, lãnh đạo địa phương cũng đưa ra nhiều kiến nghị để thực hiện nhiệm vụ năm 2016. Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, năm 2016 giá tôm, gạo có thể được cải thiện nhưng không đáng kể. Với tình hình khí hậu hiện nay, đề nghị các địa phương rà lại nguồn nước, điều chỉnh lại cơ cấu cây trồng, nhất là ở miền Trung, Tây Nguyên, như Ninh Thuận phải chuyển hẳn để bảo đảm nguồn nước cho cả sản xuất, sinh hoạt. Cũng theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, tuy thị trường xuất khẩu nông sản khó khăn nhưng vẫn có những mặt hàng phát triển được. Ví dụ nên chuyển mạnh sang gạo chất lượng cao; hay về sản phẩm điều, hiện nay chúng ta đang chi phối hơn một nửa thị trường thế giới nhưng lại nhập khẩu điều nguyên liệu về chế biến. Vì vậy nên mở rộng trồng điều; đẩy mạnh xuất khẩu trái cây, cà phê.

Đồng tình quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, kim ngạch xuất khẩu năm 2015 giảm mất 3 tỷ USD do giá dầu thô giảm. Để bù đắp về giá, chúng ta lấy lượng bù vào, cộng với mở rộng thị trường. Trong bối cảnh các nền kinh tế đều sụt giảm lớn về xuất khẩu nhưng Việt Nam vẫn duy trì tăng xuất khẩu trên 8%. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đề nghị các địa phương vào cuộc mạnh hơn trong công tác quản lý thị trường. “Trung ương làm mạnh bao nhiêu mà các địa phương không vào cuộc thì cũng kém hiệu quả. Ví dụ năm vừa qua tăng thu ngân sách thêm được 1.500 tỷ đồng do hạn chế được buôn lậu thuốc lá (giảm được 30% buôn lậu thuốc lá), đó là do các địa phương tích cực vào cuộc”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị Chính phủ quy định mức dư và nợ vay của ngân sách địa phương không bao gồm dư nợ vay nước ngoài, hoặc xem xét nâng mức giới hạn vay nợ đối với Hà Nội và TPHCM cho phù hợp với thực tế địa phương. Luật Ngân sách nhà nước 2015 quy định mức dư nợ vay với TPHCM và Hà Nội là không vượt quá 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo vượt cấp, quy định dư nợ vay của ngân sách địa phương bao gồm thêm các dư nợ từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ. Cùng với đó, Chính phủ cần nghiên cứu đẩy nhanh hàng rào kỹ thuật, chống bán phá giá, trợ cấp và tự vệ cho các ngành công nghiệp còn non trẻ trước áp lực hàng ngoại nhập.

 Dự thảo 9 nhóm giải pháp cần tập trung chỉ đạo, điều hành trong năm 2016

° Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng linh hoạt, hiệu quả. Sẽ xây dựng và triển khai thực hiện Đề án tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020; xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, trình Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV.

° Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh phát triển khoa học - công nghệ.

° Bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội.

° Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

° Đẩy mạnh xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp.

° Tạo chuyển biến căn bản về phòng chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

° Tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

° Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước.

° Tăng cường công tác thông tin truyền thông.


PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục