
Với mục đích đưa công nghệ RFID HF vào đời sống và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC - Đại học Quốc gia TPHCM) đã “Công bố thương mại hóa chip và thiết bị RFID HF” vào ngày 12-8-2015.
Lễ công bố này là một phần trong đề án phát triển thị trường của Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM giai đoạn 2013 - 2020. Đồng thời, qua đây cho thấy chip và thiết bị RFID HF đã sử dụng hiệu quả hạ tầng vi mạch của TPHCM xây dựng trong thời gian qua. Song đây cũng là lúc cần đẩy mạnh các chương trình thương mại hóa sản phẩm vi mạch, chứ không thể ngồi yên chờ đợi nữa.
Phát huy tối đa hạ tầng chung
CDREC được Bộ Khoa học và công nghệ (KH-CN) phê duyệt thực hiện dự án KH-CN “Thiết kế và chế tạo chip, thẻ, đầu đọc RFID và xây dựng hệ thống ứng dụng”, với tổng kinh phí đầu tư gần 146 tỷ đồng (trong đó, kinh phí nhà nước 126 tỷ, kinh phí doanh nghiệp - Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn - khoảng 20 tỷ đồng), thời gian thực hiện trong 4 năm (2011 - 2015). Mục đích: thiết kế và sản xuất thử nghiệm chip vi xử lý 32- bit công suất thấp, chip RFID HF và UHF có khả năng thương mại và tính cạnh tranh cao.
TPHCM là địa phương đầu tiên và duy nhất trong cả nước đã hình thành Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM đến năm 2020 (Quyết định số 6358/QĐ-UBND ngày 14-12-2012). Qua 2 năm triển khai, chương trình với các dự án xây dựng Design House, đề án đào tạo nguồn nhân lực, đề án xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển vi mạch và các dự án sản xuất thí nghiệm vi mạch, sản phẩm ứng dụng vi mạch… đã có những thành công ban đầu, từng bước hình thành hệ sinh thái về công nghiệp vi mạch.

Chip và thiết bị RFID HF do ICDREC nghiên cứu và sản xuất, làm công nghệ nguồn, nhưng để được ứng dụng rộng rãi trên sản phẩm thì còn cả một quá trình.
Quan trọng hơn, TPHCM đã xây dựng hạ tầng cho vi mạch một cách bài bản. Nên chip và thiết bị RFID HF được công bố kỳ này có thể nói là kết quả của dự án KHCN nói trên kết hợp với Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM. Điều này được thể hiện khá rõ qua cách phát triển và thiết kế chip RFID HF. Cụ thể, Trung tâm ICDREC đã sử dụng các tài nguyên của cơ sở hạ tầng thiết kế tập trung trong Design House (cơ sở hạ tầng phần mềm dùng chung) - là một dự án thành phần của Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM. Trong quá trình thiết kế chip và thiết bị RFID HF, Trung tâm ICDREC đã sử dụng nguồn nhân lực từ chương trình đào tạo thiết kế vi mạch tương tự (lớp Analog + 1) thuộc đề án Đào tạo trong Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM giai đoạn 2013 - 2020. Và thiết bị RFID HF đã sử dụng chip vi điều khiển SG8V1 (sản phẩm của dự án sản xuất thử nghiệm chip vi xử lý 8 bit RISC thương mại SG-8V1 của Sở KH-CN TPHCM).
Làm chủ và… chờ
RFID được ứng dụng rộng rãi trong các thẻ nhân viên chấm công, thẻ kiểm soát vào ra, thẻ khách sạn và tương lai là thẻ chứng minh nhân dân, vé xe buýt, vé metro… Đây là thị trường rộng lớn và giàu tiềm năng cho chip cùng thiết bị RFID HF và quan trọng hơn, hoàn toàn do Việt Nam làm chủ công nghệ. Điều này cho thấy giá trị riêng của sản phẩm chip “made in Vietnam”, khi hầu hết chip RFID và các thiết bị hỗ trợ công nghệ hiện nay được khắp nơi sử dụng đều phải nhập từ nước ngoài. Như vậy, thương mại hóa chip và thiết bị RFID HF là vấn đề cấp thiết.
Tại lễ công bố thương mại hóa chip và thiết bị RFID HF, Shoei - một doanh nghiệp Nhật Bản và VietNet, doanh nghiệp Việt Nam, đã ký kết hợp đồng phối hợp phát triển sản phẩm và thương mại dựa trên các kết quả nghiên cứu này của ICDREC và Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn. Song, đây chỉ mới là những ký kết ban đầu để đặt nền móng cho sự hợp tác sau này, còn để đưa chip và thiết bị RFID HF vào thị trường, trên các sản phẩm do Nhật sản xuất thì... còn phải chờ.
Từ đây cần nhìn rộng hơn, Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM còn có nhiều sản phẩm khác. Những sản phẩm ứng dụng chip Việt đã được thương mại hóa thành công (như: chip SG-8V1, KIT DE-8V1, khóa container, thiết bị giám sát hành trình, điện kế điện tử, thiết bị giám sát và định vị nguồn phóng xạ...) là những sản phẩm công nghệ nguồn, vốn cần thiết cho đời sống xã hội và đã được khẳng định chất lượng không thua kém sản phẩm ngoại nhập, giá thành lại rẻ hơn. Nhưng việc ứng dụng và thương mại hóa tất cả các sản phẩm công nghệ nói trên vẫn còn hạn chế…
Thiết nghĩ, Ban chỉ đạo Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM cần tìm hướng ra cho sản phẩm của mình. Tức là cần một đề án thương mại hóa sản phẩm vi mạch TPHCM mạnh mẽ, quyết liệt và sát với thực tế đời sống xã hội hơn. Có như vậy những sản phẩm chúng ta làm ra mới thể hiện được hết giá trị ưu việt của nó. Đó cũng chính là một trong những giá trị cốt lõi của Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM mà chúng ta đã đề ra trong mục tiêu.
BÁ TÂN