
Chợ chứng khoán trở nên đông vui, náo nhiệt hơn lúc nào hết, các nhà đầu tư cá thể không hẹn mà gặp nhau ở các sàn giao dịch chứng khoán (công ty chứng khoán), nhu cầu mua bán chứng khoán tưởng chừng như là thứ nhu cầu thiết yếu của mọi người mà lâu nay nó tiềm ẩn ở đâu đó trong mỗi chúng ta.
Đi tới đâu, bất kỳ nơi nào, người ta cũng nghe lời bàn râm ran chuyện mua bán chứng khoán này, chứng khoán nọ, cổ phiếu này tăng giá, cổ phiếu kia xuống giá.
Từ những giây phút nhàn rỗi bên ly cafe buổi sáng, cho tới tận công sở trong ngày làm việc, bên bàn nhậu khi tan tầm, và thậm chí vào buổi tối trong gia đình, câu chuyện đầu tư chứng khoán lúc thì được bàn luận thì thầm, lúc thì trở nên ồn ào náo nhiệt.

Nhà đầu tư theo dõi bảng niêm yết chứng khoán.Ảnh: THÀNH TÂM
Đầu tư chứng khoán trở thành mốt thời thượng, ai cũng muốn mình tỏ ra là người am tường, hiểu biết, dẫu là chỉ mới chơi trong một thời gian ngắn, và dĩ nhiên đã ít nhiều mua bán một số loại chứng khoán đang “hot” trên thị trường.
Trong những câu chuyện mua bán chứng khoán, người ta thường dẫn chuyện bằng những lời dồn đoán rằng ông A, bà B… người vừa thắng đậm “hai tấn’, kẽ thắng dăm “ba tạ” (tiếng lóng nhằm ám chỉ: hai tỷ, ba trăm triệu) nghe dễ như bỡn.
Song, kỳ thực chợ chứng khoán mua bán bao nhiêu loại hàng, cách nhận biết hàng tốt-xấu, giá cả mắc-rẻ, vận hành ra sao, mẹo luật như thế nào(?) thì người ta biết rất ít, thậm chí chưa hề biết tới. Các cổ phiếu vừa mới đây thôi ở mức giá này, nay ở mức giá kia, cao chót vót, ngất ngưỡng; mà bản thân các nhà quản trị cấp cao của công ty có chứng khoán đang được mua-bán cũng không ngờ tới.
Vậy giá cổ phiếu của công ty đó tăng như thế do đạt được các kỳ tích gì chăng? Không, do người ta định giá lại giá cổ phiếu ấy mà. Tức là, người ta cho rằng chợ chưa định đúng giá, ví dụ như một người vừa mới đây thôi bán cổ phiếu này với một mức giá cao - khoản lời được khá là vớ bẩm; song ít lâu sau giá cổ phiếu mà ông ta vừa bán lại được đẩy lên, thế là ông ta mua lại cổ phiếu mà ông vừa bán.
Rồi cổ phiếu đó lại tăng giá lên rất nhiều… cái vòng lẫn quẩn lại xuất hiện, lặp đi lặp lại nhiều lần và ai mua bán chứng khoán trong thời điểm này đều thắng.
Các môn khoa học phân tích về kinh tế như: phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật về chứng khoán trở nên khá lạc lõng trong bối cảnh như thế. Người ta không thể lấy chỉ số P/E (Price/Earnings - chỉ số thị giá trên thu nhập cổ phiếu), chỉ số EPS (Earnings Per Share - chỉ số thu nhập trên mỗi cổ phiếu) để định giá cổ phiếu, để đo lường hoạt động hữu hiệu của công ty cổ phần (CTCP) này với CTCP kia, để mà so sánh, đánh giá, lựa chọn cổ phiếu này đầu tư, lựa chọn cổ phiếu kia để bán ra trong danh mục chứng khoán (Portfolios - Securities).
Khi đầu tư vào chứng khoán, cũng như bất kỳ công cuộc đầu tư nào khác, người ta thường trông đợi vào lợi ích kỳ vọng của nó mang lại trong tương lai, mà lợi ích kỳ vọng của chứng khoán chính là cổ tức của cổ phiếu, lợi tức của trái phiếu, và quan trọng hơn là khoản chênh lệch giữa giá mua vào và giá bán ra của chứng khoán.
Thế nhưng, chứng khoán là một loại tài sản tài chính (Financial Assets), một thứ tài sản vô hình, giá trị của nó không phụ thuộc vào kết cấu vật lý, mà phụ thuộc vào lợi ích kỳ vọng trong tương lai của nó như vừa nêu và người ta khó có thể nhận biết chứng khoán nào tốt, chứng khoán nào xấu.
Khác với các loại hàng hóa thông thường được mua bán trên các chợ, người mua có thể chọn lựa, nhận biết tốt-xấu thông qua giác quan của mình và cân - đong, đo - đếm. Do vậy, việc mua bán chứng khoán khó khăn hơn, nhiều rủi ro hơn và thậm chí là có nguy cơ mất vốn như không.
Nếu như lợi ích kỳ vọng không thỏa mãn cho nhà đầu tư vào một thời điểm nào đó; nghĩa là chứng khoán được nhà đầu tư nắm giữ không tăng giá, có khi còn bị lỗ, cổ tức không như mong muốn, thì xu hướng chung là bán chứng khoán ra.
Trong trường hợp này, thường chỉ diễn ra ở một vài chứng khoán đơn lẻ và không ảnh hưởng nhiều đến xu hướng thị trường. Ngược lại, nếu giá nhiều loại chứng khoán đều được đẩy lên cao hàng loạt do nhu cầu mua tăng nhanh (cung nhỏ hơn cầu), chỉ số chứng khoán liên tục tăng, nhưng giá trị bên trong của các CTCP không tăng kịp như mong muốn, thì xu hướng đổi chiều sẽ diễn ra, nghĩa là nhà đầu tư bán ra hàng loạt, cung tăng cầu giảm, giá chứng khoán sẽ giảm…
Đó là chưa kể sự kích hoạt nào đó từ phía nhà đầu cơ (là nhóm người vào nhanh và ra nhanh, họ mua bán trên thị trường nhằm kiếm chênh lệch giá, chứ không chờ lợi nhuận do hiệu suất kinh doanh của CTCP mang lại, mà đầu cơ đi liền với tích trữ, tức là tạo ra cầu ảo, làm lệch cán cân cung - cầu trên thị trường).
Thêm vào đó một ít thông tin xấu - thông tin thất thiệt hoặc có một sự cố nào đó trên thị trường, sự hoảng loạn sẽ tăng nhanh, người ta đổ xô bán thì thị trường có thể đổ vỡ… Dĩ nhiên, điều này thật đáng sợ, cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra.
Các tờ giấy chứng khoán trở thành miếng giấy lộn… các tỷ phú chứng khoán trở thành người vô sản. Điều này đã có tiền lệ từ cuộc khủng hoảng tài chính ở các nước Đông-Á nổ ra vào tháng 7-1997.
Đây là kịch bản có thật nếu thị trường diễn biến như vừa nêu. Do vậy, vừa qua các nhà chức trách đã cảnh báo về hiện tượng giá các loại cổ phiếu tăng khá nhanh và liên tục, chỉ số VN-Index tăng vượt ngưỡng 1.000 điểm, điều này có nghĩa là so với phiên giao dịch đầu tiên ngày 28-7-2000 chỉ số gốc là 100 điểm, thì thị trường phát triển quá nóng.
TTCK đang ẩn náo những nguy cơ tiềm tàng. Mong rằng các nhà đầu tư cá thể thận trọng hơn trong đầu tư chứng khoán và sẽ không muộn nếu cố gắng tìm hiểu thêm thị trường mới mẻ này, và dĩ nhiên là TTCK tiếp nhận nhà đầu tư với một đẳng cấp chuyên nghiệp hơn.
Đôi điều suy nghĩ tản mạn về chợ chứng khoán nhân dịp đầu năm Đinh Hợi sẽ có ích cho các nhà đầu tư cá thể. Mong muốn TTCK là kênh huy động vốn rất hữu hiệu trong tương lai, nhất là các nhà đầu tư cá thể bỏ vốn vào các CTCP đại chúng khi họ phát hành chứng khoán bên ngoài.
TS. NGUYỄN NGỌC ẢNH