Chợ đêm những ngày giáp tết

Những ngày cận tết, ở những chợ đêm như Võ Thành Trang (quận Tân Bình), Mai Xuân Thưởng (quận 6)… và nhất là chợ rau “di động” trải dài từ Ngã ba Đài liệt sĩ đường Lê Văn Khương, phường Thới An, quận 12 đến cầu Trường Đai, đường Cây Trâm, quận Gò Vấp hàng trăm xe gắn máy, xe lôi chất đầy rau nối đuôi nhau chờ giao hàng. Cảnh mua bán rầm rộ nhất bắt đầu từ 8 giờ đêm và kết thúc vào lúc 3 giờ sáng.

Gọi là chợ vì hầu hết những người trồng rau ở huyện Củ Chi, Hóc Môn, quận 12 đều đem ra đây bán. Người thu mua là những thương lái đến từ các chợ trong thành phố. Các loại rau bày bán ở đây chủ yếu là rau muống, cải, rau thơm, cần... giá cả tùy theo từng loại từ 3.000 - 10.000 đồng/kg. Mua bán diễn ra mau lẹ, người mua chỉ cần xem qua, thỏa thuận giá cả rồi hẹn điểm giao rau.

Trời gần sáng, những người đi chợ đã lục tục chở hàng về các chợ trung tâm để kịp bán cho các bà nội trợ đi chợ sớm. Những chiếc xe tải nhỏ, xe máy có kéo theo “rơ moóc”, xe đạp gắn chiếc giỏ cồng kềnh phía sau bắt đầu “đua” về thành phố cho kịp trời sáng.

Chị Võ Thị Kim Nhạn có thâm niên gần 15 năm trong nghề buôn bán rau cho biết, làm nghề này phải thức đêm, năm 1997 chị cùng một số người bà con ở quê vào thành phố lập nghiệp, lúc đầu cùng một số chị em đạp xe bán dạo thức ăn như cá, rau, thịt… ở các quận Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh… Bình quân mỗi ngày thu nhập khoảng 70.000 - 100.000 đồng, khi “trúng mánh” cũng được gần 200.000 đồng.

Trải qua gần 15 năm bán dạo quen biết nhiều người, nay chuyển qua thu mua trực tiếp tại nhà vườn phân phối lại cho những người bán lẻ. Chị còn là đầu mối cung cấp ở các chợ như Võ Thành Trang, Thái Bình, Hoàng Hoa Thám… và một số công ty ở các khu công nghiệp. Theo chị, hiện nay có hàng trăm người đến từ các tỉnh phía Bắc vào TP lập nghiệp bằng nghề này.

Lái chiếc ba gác chở đầy rau củ vào chợ, ông Bảy Liêm, chủ một vựa hàng rau, lớn giọng: “Hôm nay hàng ít, nhẹ tay thôi nghe!...”. Phía sau 5 - 6 chiếc ba gác mỗi xe chở gần 2 tấn hàng cao ngất của các chủ vựa khác cũng nối nhau vào chợ. Ít phút sau, ở chợ Hóc Môn hàng hóa rau, củ, quả đã chất thành hàng, thành đống kín cả lối đi. Rau dưa hút hàng, chạy lo cùng mối, cùng chợ chỉ được 5 tấn. Hàng hiếm nên bạn hàng luôn miệng hỏi, luôn tay chọn và ngã giá. Cảnh tranh mua, đẩy đưa kỳ kèo neo giá bắt đầu chộn rộn.

Ở chợ Võ Thành Trang có 5 chủ hàng rau lớn là ông Bảy Sơn, cô Thúy, cô Ý, anh Dũng, ông Khiêm và nhiều chủ hàng làm dịch vụ trung chuyển hàng hóa đường bộ nhanh, tiện. Càng về khuya càng nhộn nhịp. Chợ họp lúc 19 - 20 giờ tối kéo dài cho đến tận 3 - 4 giờ sáng, khách thường là từ những tay chạy xe thồ thức khuya đón khách, người lao công quét đường vừa xong việc.

Ánh sáng hắt ra từ các vựa hàng trong chợ vẫn còn nhộn nhịp; các ông, bà chủ của những vựa trái cây rau quả đang đếm những đồng tiền mà họ đã thức suốt đêm qua để bán hàng. Các thương lái, sau khi nằm vật vạ đâu đó, chờ chủ vựa bán hết hàng, cũng bắt đầu trở dậy thanh toán tiền hàng, để chuẩn bị cho chuyến “đánh hàng” tiếp theo.

Trời về sáng như lạnh hơn. Trên hành lang dốc cầu Trường Đai đã có những cư dân chạy bộ. Dưới dốc cầu, là những người về từ chợ đầu mối đang mệt nhọc đẩy những giỏ hàng thồ bằng xe đạp vượt qua dốc cầu.

QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục