1. Chiếc xe 16 chỗ chạy vòng quanh qua nhiều tuyến đường từ sáng tinh mơ để rước khách. Khác với những chuyến xe du lịch thông thường, anh tài xế hiền lành cho biết, đây là những phật tử đi các chùa ở tận Long Khánh, Đồng Nai; có khi là các tỉnh miền Tây. Thường nhật, họ làm đủ công việc, nghề nghiệp, sức khỏe cũng khác nhau, nhưng cứ 1, 2 tuần họ lại hẹn nhau lên đường hành hương, cũng là dịp để kết hợp tham quan một số thắng cảnh. Mỗi lần như vậy, họ chung góp tiền thuê xe, mua quà tặng, góp tiền cúng dường và tặng quà từ thiện cho người khó khăn, trẻ cơ nhỡ nơi địa phương sẽ đến.
Chị Như Thùy (nhà ở xã Bà Điểm, Hóc Môn, thành viên nhóm hành hương) cho biết: “Ngoài việc cùng nhau đi chùa tụng kinh để mong thân tâm an lạc, các chị còn muốn trao đổi kinh nghiệm cuộc sống, chia sẻ tâm tư tình cảm gia đình và bản thân trong bối cảnh áp lực cuộc sống quá phức tạp, đạo đức xã hội xuống cấp, để biết vượt qua và sống tốt”. Mỗi chuyến đi như vậy, họ bàn nhau lên kế hoạch làm từ thiện, lúc thì tổ chức nấu cháo phát cho bệnh nhân đang điều trị ở các bệnh viện, lúc thì vận động quyên góp giúp đồng bào bị bão lũ ở miền Trung, miền Tây Nam bộ… Cuối năm rồi, khi các chị hành hương về chùa Phước Huệ (Bà Rịa - Vũng Tàu), hay tin sư thầy trụ trì chùa đang vận động các phật tử chung góp lương thực và mùng mền tặng 200 bà con nghèo vùng lũ ở huyện Sơn Tịnh và Bình Sơn (Quảng Ngãi), có chị đã đóng góp ngay 1 tấn gạo, có chị tặng 50 áo ấm mới. Trong 2 năm qua, số tiền, quà các chị chung góp để tham gia các chuyến từ thiện cùng các chùa tặng quà, gạo, mền mùng, áo ấm cho người nghèo các nơi đã lên đến hàng trăm triệu đồng, giúp người khốn khó hơn mình
2. Mới 7 giờ sáng mọi người đã tập họp đông đủ trong một ngôi nhà rộng, có sân lớn nằm phía bên phải dạ cầu Chợ Cầu (phường 4, quận Gò Vấp, TPHCM). Mỗi người một tay, lặt rau, gọt củ quả, vo gạo, nhóm lửa, pha chế, chuẩn bị hộp đựng thức ăn… để lo 1.000 suất cháo dinh dưỡng phát miễn phí cho bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM. 10 giờ, mọi việc đã hoàn tất. Họ chia nhau vận chuyển đến bệnh viện cho kịp giờ ăn của bệnh nhân. Cùng thời điểm, cũng có nhiều nhóm từ thiện đến phát cơm miễn phí, nhưng nhiều bệnh nhân lại thích nhận cháo hơn, có lẽ do mệt mỏi, biếng ăn. Chưa đầy 45 phút, hơn 1.000 suất cháo đã được phát hết. Họ chưa kịp dọn đồ đạc để chất lên xe về nhà thì cơn mưa lớn ập đến. Mưa như xối, ai nấy ướt như chuột lột mà vẫn bình thản cười, nhẹ nhàng. Hỏi sao các chị không vào bên trong trú mưa rồi hãy dọn? Chị Kim Tuyết (nhà ở phường 12, Gò Vấp, một thành viên nhóm) chia sẻ: “Phát hết các suất cháo mà chị em cùng dồn tâm sức và tình yêu thương vào đó là một niềm vui khó tả. Ai đi làm việc này cũng sẽ cảm nhận như vậy. Mưa ướt có hề hấn gì”. Được biết, chương trình này đã thực hiện đều đặn gần 2 năm nay.
Chị Kiều Thị Tiên, tiểu thương chợ Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp), cho biết: “Tôi và nhóm bạn cùng chuyên doanh ngành hàng quần áo may sẵn thường xuyên đi chùa và tham gia công việc thiện nguyện mỗi khi rảnh rỗi. Lúc nào ngồi cùng nhau ăn sáng, uống cà phê, hay gặp nhau ở nhà ai đó, ngoài việc bàn kế hoạch làm ăn, còn có việc nhắc nhau chung góp đi làm từ thiện. Nhiều năm rồi, cuộc sống cứ trôi nhẹ nhàng như vậy, kể cả những khi trái gió, trở trời, buôn bán ế ẩm. Những đồng tiền chúng tôi cùng chung góp để sẻ chia khó khăn với những mảnh đời bất hạnh, bệnh nhân nghèo không tiền điều trị, người không may mắn trong cộng đồng… là việc làm theo sự thôi thúc của trái tim. Đã là phật tử thì ai cũng mong muốn có điều kiện để được giúp đỡ người khốn khó hơn mình. Bởi nhà Phật đã dạy của cho là của để dành, cho đi thì không bao giờ mất”.