Cái nắng như thiêu đốt giữa trưa hè không làm người đàn ông luống tuổi quản ngại đường sá. Dò hỏi lần hồi rồi ông cũng tìm được địa chỉ của Tòa soạn Báo SGGP. Dựng chiếc xe cà tàng dùng để kiếm cơm hàng ngày ngoài cổng bảo vệ, ông quệt vội những giọt mồ hôi lã chã trên khuôn mặt chai sạm. Tần ngần một lát, ông chỉ nói vài câu gọn lỏn rồi xòe bàn tay chai sần, vuốt vội tờ năm chục ngàn đồng đưa cho chúng tôi: Xin góp vào quỹ từ thiện một ít tấm lòng thành của “qua” cho đứa cháu tội nghiệp mà báo sáng nay đăng. Chúng tôi chưa kịp cảm ơn và chỉ trao vội giấy biên nhận với dòng chữ “Một bạn đọc, quận Thủ Đức…”, ông lại tất tả lên xe, hòa lẫn cùng dòng người ngược xuôi, tiếp tục hành trình kiếm kế sinh nhai.
Buổi sáng đầu giờ làm việc, một thanh niên tên H. tranh thủ ghé vào tòa soạn, xin giúp đỡ một gia đình có 6 người mù. Anh cho biết, phải đi sớm để kịp lên lớp dạy tại một trường ở Tân Bình. Hỏi họ tên, anh yêu cầu được giấu. Những dòng chữ được ghi trong biên nhận: “Một giáo viên, đóng góp…”. Hàng tháng, anh đều đặn dành dụm chút tiền đến với những hoàn cảnh bất hạnh và tấm biên nhận nào anh cũng đề nghị ghi như vậy. Đáng nói là, bản thân anh hiện mắc căn bệnh về dạ dày lâu năm, do ăn uống thất thường và làm việc quá sức. Nhưng anh hiểu cuộc sống của người giáo viên tuy nghèo, nhiều thiếu thốn, với bao lo toan, không vì cơm áo gạo tiền mà mất đi tình người. Anh tin rằng, cho đi không có nghĩa là mất, không nhận lại bất cứ điều gì, đơn giản anh chỉ muốn làm điều bình thường như nhiều người vẫn làm, anh thấy thanh thản và hạnh phúc hơn, mỗi khi giúp được ai đó còn khốn khó hơn mình.
Một nữ dược sĩ đã nghỉ hưu, hơn 80 tuổi, khi đến báo đóng góp giúp các hoàn cảnh cơ nhỡ cũng đề nghị giấu tên, tâm sự: “Ở đâu tình người dành cho nhau chân tình ở nơi đó bình yên. Gom góp cho đời từ những việc làm nhỏ nhất, sẽ thấy cái thiện luôn ở bên ta”. Mới đây, bà được trao tặng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng kèm theo một số tiền. Bà dành trọn khoản tiền này cho việc làm ý nghĩa, với mong muốn: “Giúp cho con cháu đang theo đuổi cái nghề mà bà và ông nhà tôi đã gắn bó suốt cả đời”. Lúc ông còn sống, bà và ông cùng tham gia đóng góp cho quỹ học bổng giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, tuy nghèo nhưng hiếu học. Nay ông đã mất, một mình bà âm thầm, lặng lẽ đón xe ôm cách nhà khá xa để đến Tòa soạn Báo SGGP làm cái việc nhỏ nhất ấy. Bà luôn tin ông vẫn ở cạnh bên ủng hộ.
Trao cho chúng tôi bao quần áo cũ giúp đỡ cho người nghèo, một cụ ông 94 tuổi, cho biết, bao năm qua, bất kể nơi nào có lũ lụt, hoạn nạn, những mảnh đời bất hạnh được đăng trên báo là ông đều tìm đến tòa soạn, nhờ chuyển tình cảm của mình. Khi thùng mì ăn liền, khi đôi ba trăm ngàn đồng có được, lúc lại vài bao quần áo cũ. Ông bộc bạch: “Tiền bạc là bụi phấn, nó phù du lắm nhưng cái tình thì ở lại mãi với thế gian”…
Còn rất nhiều, nhiều lắm những tấm lòng thơm thảo, không bao giờ để lại tên trong bảng vàng Quỹ Xã hội từ thiện Báo SGGP. Họ là những người thật việc thật nhưng việc làm của họ như những chiến sĩ vô danh thấm đượm tình người, sưởi ấm bao trái tim tưởng chừng như đã tắt.
Lê Kim Dung