Câu hỏi “cái thú đọc sách có còn chỗ đứng trong cuộc sống hôm nay?”, thật khó trả lời dứt khoát và có không ít người nhún vai: không, tôi vẫn sống tuyệt vời mà không cần có sách bên mình. Ừ, thì thời gian trôi qua làm đảo lộn mọi thứ, kể cả những giá trị tinh thần những tưởng sẽ bền vững mãi mãi, nhưng sao chúng ta vẫn thấy ngậm ngùi trước nguy cơ “tuyệt chủng” của một thế hệ “mọt sách”.
Và tin hay không tin là tùy bạn, nhưng con số thống kê cho thấy mỗi người Việt chỉ đọc mỗi năm có… 0,7 cuốn sách, nghĩa là đa phần trong năm con rắn chưa bao giờ lần giở những trang sách, nhất là các dòng sách nghiêm túc, kinh điển.
Thực trạng đáng báo động này do lỗi từ nhiều phía, lỗi của cơ chế thị trường, lỗi của cơ quan quản lý hữu trách, lỗi của… tiến bộ khoa học công nghệ. Xem phim bom tấn trong rạp mất 1,5 giờ, một tập phim truyền hình – 30 - 55 phút, một bữa nhậu ở quán bia (nhiều gấp ngàn lần so với nhà sách) - khoảng 5 - 6 giờ và còn kèm thêm diễm phúc được lâng lâng vào sáng hôm sau, đọc báo - nửa tiếng bên ly cà phê thơm phức, nghe nhạc - cứ cắm tai nghe là vô tư thưởng thức, khỏi tốn kém thời giờ vàng ngọc. Còn sách? Để đọc kỹ một cuốn tiểu thuyết bạn phải dành cho nó ít nhất cả chục tiếng.
Nói thế để thấy con đường đến với tri thức thật không dễ dàng, và càng không dễ với những người tham gia công tác xuất bản. Mới đây, 7 nhà xuất bản (NXB) phía Bắc đã nộp đơn kiến nghị lên Cục Xuất bản để cục này nêu ý kiến với các cơ quan có thẩm quyền nhằm giảm giá thuê nhà đất, giảm thiểu khó khăn tài chính cho các NXB trước nguy cơ đóng cửa.
Lý do được đưa ra là giá thuê hiện tại đã tăng đến 87 lần so với trước đây, lên tới cả tỷ bạc/năm so với mức giá trên dưới 10 triệu đồng những năm qua. Khách quan mà nói, các NXB thuộc dạng “quốc doanh, mậu dịch” này do cơ chế, bộ máy cồng kềnh cũng như khả năng “tái cơ cấu” rất khó khăn cho nên luôn ở trong tình trạng “nợ đọng” ngập đầu.
Hơn nữa, họ còn phải lãnh trách nhiệm tuyên truyền với các loại sách rất kén người đọc, thành thử khả năng phá sản luôn treo lơ lửng, rất cần những giải pháp tháo gỡ. Đến mức đại diện của Cục Xuất bản phải khóc mếu: Chúng ta đều muốn có sách tốt, sách hay để đọc nhưng lại không quan tâm đến các NXB hay chí ít cũng cần hỗ trợ họ thật sự về tài chính và cơ chế. Nhưng thực tế cách hành xử hiện nay làm người ta nghĩ đến câu chuyện: Ai cũng muốn có sữa tươi tiệt trùng để uống nhưng lại không chịu để tâm đến việc nuôi bò.
Dẫn chứng cho việc “nuôi bò” vắt sữa này có thể thấy qua việc các cơ quan quản lý nhà nước phải “tư duy” mất 10 năm mới chấp thuận cho các NXB được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp 10% thay vì 25%. Mà thật ra, giảm thuế kiểu này thì để làm gì khi thị trường trầm lắng, người đọc thưa thớt và quan trọng hơn cả là… không có doanh thu, thu không đủ chi. Khổ nữa là các NXB luôn ở thế bị động hay nói cách khác là ở chiếu dưới so với các đơn vị phát hành.
Giám đốc một NXB than thở, các đơn vị phát hành không bao giờ chịu mua sách mà chỉ có dạng ký gửi và trả tiền gối đầu, nhưng tính phí chiết khấu 40% - 50% giá bìa, thì quả thật là cái giá quá đau đớn. Nhưng sâu xa bên trong - phải nói thẳng - là sức ì nội tại của khá nhiều NXB khi họ không chủ động nổi kế hoạch xuất bản của riêng mình mà phải sống dựa vào “bầu sữa liên kết” và hoạt động của họ… cũng chỉ xoay quanh chuyện lo thủ tục, cấp giấy phép xuất bản.
Trong khó khăn chung, để vượt thoát sự trì trệ môi trường văn hóa chung, một số NXB đã chủ động cả “đầu vào” và “đầu ra” khi đi đều cả 2 chân xuất bản và phát hành như NXB Kim Đồng và NXB Trẻ. Riêng NXB Trẻ ngoài chuyện dành khoảng 10 tỷ đồng cho kế hoạch A, còn thiết lập cả nhà sách ở Hà Nội và mạng lưới phát hành riêng.
Điều đó cho thấy vai trò và hiệu quả thật sự của một NXB năng động, tự “cứu mình” trong cuộc cạnh tranh gay gắt giữa hơn 40 NXB cả nước. Và còn nhiều điều phải bàn nữa để làm sao đưa sách tốt, sách giá rẻ đến với đông đảo bạn đọc.
Song quan trọng hơn cả là công tác quảng bá, tuyên truyền tầm quan trọng của việc đọc sách, nhất là với giới trẻ. Có lần, người ta hỏi Einstein - cha đẻ của Thuyết Tương đối - rằng làm cách nào để nuôi dạy được trẻ thông minh, ông đã trả lời đơn giản và hết sức thâm thúy: Hãy đọc truyện cổ tích cho chúng và nếu muốn chúng thông minh hơn nữa thì đọc nhiều hơn nữa truyện cổ tích. Và hãy nuôi dưỡng trí tưởng tượng qua các trang sách…
BÍCH AN