Tàn cuộc rượu sinh ra tranh luận. Người lớn tuổi không còn đủ sức khỏe nên rượu rất chóng tàn. Nhưng chuyện thì không. Bạn bảo, Hà Nội các ông phát âm không chuẩn chữ tr.
Thế nên khi đọc tên người là Trinh chẳng hạn, cứ phải hỏi lại rằng “Chờ chó” hay “Trờ trâu”? Phiền ở chỗ cả Chinh và Trinh đều là những tên gọi rất phổ biến ở TP mà ý nghĩa của nó lại muôn phần khác biệt.
Vài người sống lâu ở miền Bắc, nhất là Hà Nội có vẻ như không thích nghe giọng phát thanh viên các vùng miền khác. Lý do đơn giản là suốt từ khi Đài Truyền hình Việt Nam ra đời thì nó đã phát đi tin tức, ca nhạc bằng giọng Bắc mất rồi. Thói quen ấy dù thụ động cũng thật là khó bỏ. Nhưng nó là có thật. “Nghe nhạc hiệu đoán chương trình” là thành ngữ mới chỉ thói quen nghe ngóng mà cũng ám chỉ việc đoán định tình hình. Thế nhưng nhà đài vẫn có chương trình cải lương, ca Huế, hò Nam bộ là không thể dùng giọng Bắc.
Câu chuyện lan man sang cái Chợ Giời. Người Hà Nội không bao giờ gọi nó là Chợ Trời không hẳn chỉ vì khó phát âm mà hình như còn để phân biệt với cái Chợ Trời thời bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương và cụ Tam Nguyên Yên Đổ gọi cái chợ trong động Hương Tích - Chùa Hương. Khen thay con tạo khéo trêu ngươi/ Bày đặt ra nên cảnh Chợ Trời… (Hồ Xuân Hương). Ai đi Hương Tích Chợ Trời đi/Chợ họp quanh năm cả bốn thì/ Đổi chác người tiên cùng khách bụt/ Bán mua gió chị lại trăng dì… (Nguyễn Khuyến). Thêm nữa, “giời” hay “trời” cũng đồng nghĩa nên không cần phân biệt trong trường hợp này. Nhưng người Hà Nội không nói “bầu giời” đã là may mắn lắm rồi. Dĩ nhiên họ gọi là “bầu chời”.
Chợ Giời Hà Nội có lịch sử ngắn nhất trong các chợ nổi tiếng ở Hà Nội. Nó chỉ mới hình thành sau khi tiếp quản thủ đô năm 1954. Những người Hà Nội di cư vào Nam mang đồ đạc lỉnh kỉnh dễ vỡ họp nhau ở đoạn đường cuối phố Huế lan vào các phố Thịnh Yên, Trần Cao Vân, Chùa Vua, Đồng Nhân, Yên Bái 2 để bán bớt. Nhà nước đặt tên chính thức cho nó là chợ Hòa Bình. Đơn giản vì nó ra đời vào ngày ấy. Nhưng dân phố gọi thẳng bằng cái tên Chợ Giời đúng như nơi nó hoạt động. Không mái che, không cả hàng quán cố định.
Thời chiến tranh sơ tán, chợ gần như giải tán. Không phải vì cấm đoán mà chỉ vì chẳng có thứ gì để bán nữa. Người mua cũng đi sơ tán cả.
Chợ bắt đầu sầm uất vào sau năm 1975. Lúc này nền kinh tế kiệt quệ sau cuộc chiến và chế độ bao cấp hạn hẹp thiếu thốn trăm bề. Cán bộ, công nhân viên chức được mua phân phối thứ gì đó ở cơ quan thường mang ra bán để lấy tiền sinh sống. Rất dễ gặp ở đấy một thầy giáo khoác trên vai chiếc lốp xe đạp, một công nhân với chiếc quạt máy 35 đồng treo lủng lẳng trên ghi đông xe. Vài nữ công chức cầm trên tay mớ săm xe đạp cắt rời buộc chun, một bó nan hoa hoặc chiếc chắn bùn bằng nhôm sáng loáng. Săm xe đạp phân phối thời ấy ít khi nguyên lành cả chiếc. Thời kỳ này ở chợ luôn có bọn trộm cắp lừa đảo. Nhiều người ra chợ bán những món hàng được phân phối bị chúng lấy mất. Gần như ngày nào cũng có nước mắt vòng quanh chợ.
Chợ Giời Hà Nội không bán gì khác ngoài những món hàng kim khí, điện máy cả mới và cũ, cả ngay và gian. Dĩ nhiên cũng có vô số quán nước chè, bún bung, phở, xôi phục vụ cho những người đi chợ. Nhiều người đến chợ bán buôn không có chỗ ngồi cố định đành chọn các quán nước chè năm xu làm “cửa hàng” của mình. Người Hà Nội và các tỉnh lân cận có thể tìm thấy ở đấy từ linh kiện máy bay, ô tô, xe đạp, quạt điện cho đến chiếc đinh ốc nhỏ nhất. Khoảng cuối những năm 80 của thế kỷ trước bắt đầu có hàng hóa của công nhân lao động xuất khẩu gửi về. Xe gắn máy, máy khâu, xe đạp, súng hơi, nồi áp suất, bàn là, radio và những đồ điện khác. Chợ sầm uất hẳn lên vì những món hàng mới hết sức đẹp đẽ và cần thiết cho dân phố. Lúc này chợ đã bắt đầu dựng những dãy sạp bán hàng cố định có mái che lợp lá và giấy dầu.
Chợ Giời ngày nay vẫn ở chỗ cũ nhưng tính chất đã nhiều đổi khác. Nghĩa là vào chợ bây giờ chỉ còn nhìn thấy rất ít “giời”. Các lều lán lợp tôn và bạt chăng kín nhiều đoạn tối như bưng ban ngày cũng phải thắp đèn. Hàng hóa chất cao như núi từ các nhà mặt phố lan ra hết vỉa hè. Chủ yếu là hàng mới. Hàng cũ thường là có nguồn gốc không rõ ràng. Phần lớn là đồ gian. Âm thanh từ chợ phát ra inh ỏi do những nhà bán đồ điện tử bật nhạc gọi khách.
Đã xuất hiện những thương gia thành đạt trở thành những ông chủ lớn của từng mặt hàng chuyên biệt. Nhưng vẫn có nỗi buồn. Thỉnh thoảng dân phố vẫn phải xuống Chợ Giời tìm mua lại đúng chiếc gương ô tô hay biển số xe gắn máy của mình bị mất cắp!
ĐỖ PHẤN