Vào mùa nước nổi hằng năm, chợ “hẹn” sẽ được hình thành như một sự giao ước từ trước, chợ cũng tự giải thể khi con nước lũ kết thúc và lại bắt đầu vào mùa lũ năm sau.
Ghe xuồng neo đậu tấp nập chờ cân cá cho bạn hàng
Ngược về các huyện biên giới đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu của các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang vào buổi sáng sớm, chợ “hẹn” bắt đầu đông đúc từ khoảng 4 đến 5 giờ sáng. Tờ mờ sáng, những chiếc đèn pha chiếu sáng ở một góc của một cánh đồng hay một con kênh nào đó, chính là dấu hiệu nhận biết của chợ “hẹn” đã bắt đầu nhóm chợ.
Đèn pha là dấu hiệu nhận biệt chợ "hẹn" đã bắt đầu nhóm chợ
Cá được người dân phân loại bán cho bạn hàng.
Bà Nguyễn Thị Dứt (xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự) nói: “Tôi đặt 12 cái dớn, đêm cũng được vài chục ký cá, khoảng 4 đến 5 giờ sáng là đã bán hết rồi, vì đã có hẹn từ chiều hôm qua. Sau một đêm, có nhiều loại cá lớn nhỏ, nhưng cá chạch, cá lăng, cá linh mới có giá trị. Nay được hơn 3kg cá linh, còn lại là cá ủ không à”, mỗi ngày tôi cũng kiếm được vài trăm ngàn tiền chợ.
Mua bán nhanh gọn vì đã có hẹn trước.
Là bạn hàng “mối” của bà Dứt, anh Lê Văn Vinh, cho biết: "Tôi đã đến đây từ rất sớm để cân cá mang về bán tại chợ thị xã Hồng Ngự". Theo anh Vinh, mùa nước năm nào cũng đến đây cân cá vì giá cả vừa phải, như cá linh mua vô 60.000 đồng/kg, bán ra tại chợ 100.000 đồng/kg, còn móc hầu là 130.000-150.000 đồng/kg.
Điểm hẹn bất kể nơi đâu, miễn thuận tiện cho cả đôi bên là được
Mua bán ngay trên sông
Nước lũ đổ về mang theo nguồn lợi thủy sản phong phú, sau mỗi chuyến đánh bắt bà con thường tập trung về một điểm hẹn thuận lợi cho cả người bán và người mua. Nơi đó thường gần điểm đánh bắt, có đường giao thông thủy, bộ thuận lợi cho đôi bên. Cũng từ đó mà tên gọi chợ “hẹn” chết danh cho đến ngày nay.
Do chợ được hình thành từ lâu được nhiều người biết đến, nên thương lái thường tụ hợp về đây rất đông để cân cá về bán. Có người ở các chợ thị xã, chợ tỉnh thường đến đây từ sớm để kịp về bán chợ sáng hoặc bỏ mối cho các tiểu thương.
Một xã có thể có nhiều chợ "hẹn"
Chị Nguyễn Thị Tha (xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) cho biết: "Tôi bắt đầu giở dớn ở tận bên Tân Châu (tỉnh An Giang) từ 11 giờ khuya, rồi về tới bên điểm hẹn tại huyện Hồng Ngự cũng đúng 4 – 5 giờ người là kịp giờ cho bạn hàng lại cân. Mình có điện thoại trước, mấy ký cũng cân hết vì mối mà".
Việc mua bán diễn ra nhanh chóng nhưng cũng không kém phần nhộn nhịp, gợi lên hình ảnh đặc trưng của miền Tây sông nước. Mỗi năm đến mùa nước nổi, các huyện đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu thường xuất hiện những điểm chợ “hẹn” như thế này.
Chợ “hẹn” chỉ kéo dài trong 3 – 4 tháng mùa nước nổi. Hình thức nhóm chợ này, góp phần làm sinh động cho bức tranh miền Tây sông nước mỗi khi mùa nước nổi về.
Cá chạch sẽ bán được giá cao hơn, còn lại sẽ được bán làm thức ăn cho người nuôi cá lóc