Mười năm đi qua với những chuyến đi cắt rừng, vượt biển, để liên tục thực hiện những chuyến đi đúng hẹn với rừng vàng, biển bạc đối với những người thành phố quen sống với những tiện nghi, thật không dễ dàng. Có những khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua. Chẳng hạn, các phóng viên Đài Truyền hình TPHCM những ngày giáp tết họ đi như “đu dây” với các “cầu truyền hình” ở những tỉnh xa xôi với các phim dành phát tết, làm sao “biến mất” khỏi cơ quan hàng chục ngày? Phóng viên báo viết vào mùa tất tả với những “món nợ” bài vở ngày xuân, làm sao thực hiện 2 - 3 việc “tốt đẹp” cùng lúc đây? Hay Viện Tim thành phố, các bác sĩ phải làm việc trong tình trạng quá tải bệnh nhân suốt năm, giờ phải “ngắt” ra khỏi phòng khám, phòng mổ hàng chục bác sĩ, điều dưỡng cho chuyến đi hàng chục ngày, thiệt là nan giải. Và, không dưới hai lần, những người làm chương trình đã ngậm ngùi nói lời chia tay với các chiến sĩ biên phòng, các trinh sát chống Fulro và bà con nghèo người dân tộc thiểu số Tây Nguyên vì những khó khăn.
Thế rồi, trời bắt đầu trở lạnh khi đêm về, nắng sớm mai nhạt hơn và trong siêu thị hàng hóa nhiều màu đỏ hơn. Điềm báo xuân đang về. Rồi nỗi nhớ rừng thâm u với những con đường đất đỏ bụi mù nổi bật những vệt vàng hoa dã quỳ. Lại khi trong mỗi giấc ngủ lại lơ mơ thấy mình đang dập dềnh vượt sóng ra đảo xa. Điện thoại những người tổ chức chương trình Mùa xuân biên giới reo ngày một nhiều hơn với những tin nhắn đọc mà cay sống mũi.
Thế rồi, những bác sĩ, nhà báo lại đến quán cà phê quen thuộc, sau câu nhắn của Trưởng đoàn: “Đến Cà phê Hội Nhà báo nghe, họp chuyện Mùa xuân biên giới”. Cứ thế, 10 năm qua, mỗi lần các đoàn nghe “lệnh của mama” hẹn nhau đến quán cà phê Hội Nhà báo là hiểu rằng, chương trình Mùa xuân biên giới bắt đầu khởi động. Khi những lề đường thành phố bắt đầu bày bán hoa tết là lúc đoàn Mùa xuân biên giới lên đường. Đêm ở đảo, tiếng hát của những người trẻ thành phố và những người mặc áo lính đã làm ấm áp vùng trời biển cực Tây của Tổ quốc. Để sáng hôm sau, những người lính biên phòng và hải quân vùng E dìu những người trẻ thành phố dọ dẫm bước đi trên các triền dốc đá xuống tàu, về đất liền khi trời còn nhọ mặt người. Chia tay bên mé đảo, tiếng gọi át cả tiếng sóng biển “nhớ nhé, chúng tôi đợi các bạn đến mùa xuân năm sau đấy”. Khi những chiếc áo xanh màu lính và lẫn áo trắng chỉ còn là dấu chấm mờ chấp chới trong ánh nắng ban mai, những người trẻ thành phố ngồi bệt xuống sàn tàu, lau nước mắt.
Những chuyến xe nhồi lắc cực mạnh suốt tuyến đường 14C đi ngược ra biên giới với những người lính canh giữ từng tấc đất quê hương mang theo những tấm lòng của người dân thành phố như một lời cảm ơn về sự bình yên đang có. Những trinh sát trẻ mặt xanh ngắt vì sốt rét rừng đã quên cơn sốt để cùng hát, cùng vui và tâm sự nhiều chuyện với người thành phố, giữa rừng. Lại chia tay nhau cùng những nhánh lan rừng trao vội bên thành xe với lời câu dặn dò nhau “rất nhạc”: “đừng để lời hẹn thề là những đêm mơ em nhé”.
Lặng lẽ thực hiện mệnh lệnh từ trái tim suốt 10 năm qua, những người tham gia Chương trình “Mùa xuân biên giới” đã rất vui và cảm động khi được Chính phủ và UBND TPHCM tặng bằng khen, các cá nhân và đơn vị đã tham gia chương trình 10 năm liên tục là món quà thơm thảo, cao quý sẽ giúp những chuyến chở xuân lên rừng, xuống biển của chúng tôi, mai này nhẹ nhàng hơn.
PHƯƠNG THỤC