Trước diễn biến phức tp của thị trường vàng,ngày 9-11, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định cho phép nhập khẩu vàng để bình ổn thị trường. Về quyết định này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu cho biết:
Biến động giá vàng trong nước lần này cũng có kịch bản giống như những lần trước. Đó là biến động khi giá vàng thế giới tăng cao và giá vàng trong nước có lúc cao hơn giá vàng thế giới. Trên thực tế, cho đến nay trên thế giới chưa có cơ quan nào dự báo chuẩn về xu hướng giá vàng. Vì thế, các tính toán về giá vàng khá đa chiều, nhưng tâm lý thông thường hay nghĩ rằng giá vàng sẽ đi lên. Ở thị trường Việt Nam, biến động lần này có điểm mới, một số cửa hàng kinh doanh vàng bạc chỉ mua, chứ không bán. Điều này gây ra tâm lý hoang mang trên thị trường. Sau khi tập hợp các thông tin từ nhiều luồng, trong hệ thống ngân hàng, các đồng chí lãnh đạo địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM, NHNN đã quyết định cho nhập khẩu vàng để bình ổn thị trường.
Đây là lần thứ 3 trong năm nay NHNN cho phép nhập khẩu vàng. Lần này do diễn biến của giá vàng khá phức tạp, có lúc giá giảm có lúc giá lại lên tới vài chục USD/ounce, nguyện vọng của các ngân hàng có hoạt động kinh doanh vàng, các doanh nghiệp lớn là nên cho thời hạn nhập khẩu dài hơn. Vì thế, NHNN quyết định cho phép kéo dài thời gian nhập khẩu lên 2 tuần để các đơn vị này có thể cân nhắc khi nhập vàng, vừa có thể hỗ trợ thị trường trong nước vừa hạn chế rủi ro về giá.
Mới đây, Chính phủ đã đánh giá lại tình hình kinh tế vĩ mô 10 tháng đầu năm. Trong hai tháng còn lại, cơ bản là chúng ta có thể đạt được chỉ tiêu về tăng trưởng mà Quốc hội giao. Theo dự báo của Bộ KH-ĐT, GDP cả năm có thể tăng cao hơn mức 6,5%. Một vấn đề mới phát sinh, CPI tháng 9 tăng 1,31%, tới tháng 10 tăng chậm hơn ở mức 1,05%. Vì thế, Chính phủ quyết tâm trong thời gian tới sẽ tập trung kiềm chế lạm phát.
Thị trường ngoại hối hiện nay có dấu hiệu căng thẳng, nên Chính phủ quyết định sẽ can thiệp để bình ổn. Hiện nay cũng có một số yếu tố mới hỗ trợ thị trường, chẳng hạn như theo công bố của Bộ Công thương nhập siêu năm nay sẽ chỉ vào khoảng 12 tỷ USD, thấp hơn mức dự báo trước đó, 13,5 tỷ USD. Nguồn ngoại tệ cũng dồi dào hơn khi năm nay lần đầu tiên nước ta thu hút tới 5 triệu lượt khách quốc tế. Thời gian lưu lại của khách quốc tế ở Việt Nam cũng lâu hơn.
Trên thế giới những tháng gần đây, cầu ở các nước lớn chưa tăng, luồng vốn dồi dào đang chuyển dịch sang các nước thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Bằng chứng chúng ta có 2 tập đoàn kinh tế nhà nước đang làm thủ tục để phát hành trái phiếu quốc tế khoảng 1 tỷ USD. Nếu Thủ tướng đồng ý, đến cuối tháng này, hoặc đầu tháng sau có thể phát hành.
Về can thiệp thị trường ngoại hối, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, NHNN đã họp với 16 ngân hàng thương mại có quy mô hoạt động ngoại tệ lớn triển khai vấn đề này để bình ổn thị trường. Đến ngày 9-11, đã có một số ngân hàng lập hồ sơ để mua ngoại tệ từ NHNN. Theo tôi biết hiện nay hoạt động mua bán ngoại tệ ở các ngân hàng thương mại hiện vẫn diễn ra bình thường. Trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng cũng vẫn ở mức bình thường.
Đương nhiên một số doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn nếu mua ngoại tệ để nhập khẩu những mặt hàng nằm trong danh mục các mặt hàng nhập khẩu không thiết yếu, hàng tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu và danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được của Bộ Công thương. Tôi nghĩ với các thông tin hỗ trợ cũng như các giải pháp đồng bộ đang triển khai, thị trường ngoại hối sẽ sớm bình ổn.
MAI THI - HÀM YÊN
>> Giá vàng lại “nhảy múa”, giá USD vượt 21.000 đồng/USD