Vì sao V-League bao nhiêu mùa bóng đã qua mà chẳng thể tạo nên một thương hiệu hoàn chỉnh để rồi phải “chạy ăn” từng bữa?
Vì sao người ta luôn nói giải vô địch quốc gia là nơi phản ảnh trung thực nhất nội lực của nền bóng đá nhưng chưa bao giờ có những phân tích kỹ lưỡng và sâu sắc về thực trạng của giải đấu này?
Tại sao tìm cho đội tuyển Việt Nam 6 tỷ đồng trong vòng mấy tháng thì được mà tìm tiền tổ chức một giải bóng đá kéo dài suốt 8 tháng trời vẫn gặp quá nhiều khó khăn?
Tại sao mà những sự cố về tiêu cực lại gây một ảnh hưởng quá khủng khiếp đến mùa bóng và hầu như không còn ai dám tin vào thành công của giải đấu V-League.

Gạch Đồng Tâm Long An - Hoàng Anh GIa Lai 4-3, một trong những trận đấu đỉnh cao của V- League 2005.
Nói không ngoa, V-League chính là show diễn hoành tráng nhất của bóng đá Việt Nam, ở đó, sức bật, tương lai của cả nền bóng đá phô bày trọn vẹn nhất, thực tế nhất. Đã là một show diễn lớn, cần có một Tổng đạo diễn đủ sức tạo nên sự hoành tráng cho đúng tầm của nó. Ở bóng đá Việt Nam, không có một Tổng đạo diễn như vậy.
V-League ở Việt Nam được quản lý bởi một BTC. Ban tổ chức này công việc cụ thể nhất chỉ gói gọn vào công tác tổ chức thi đấu. Đấy là cái lạ. Chúng ta đã tổ chức các giải bóng đá từ năm 1980 đến nay. Mấy mươi năm qua, không đủ kinh nghiệm hay sao mà cứ vào mùa bóng mới, công tác quan trọng nhất của VFF chỉ là thành lập BTC thi đấu. Các phần việc khác xem như …chuyện nhỏ ?!
Vậy ai lo khuếch trương hình ảnh V-League và duy trì hình ảnh đó đúng theo vai trò số 1 của nó trong sự phát triển của nền bóng đá? Chúng tôi đặt câu hỏi với ông Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn thì ông nói, V-League phải là số 1 của sự quan tâm. Hỏi ông phó phụ trách tài chính thì ông dõng dạc: Cần làm nên thương hiệu V-League. Đấy là những tuyên bố sau khi 2 ông nhậm chức hồi tháng 5. Bây giờ đã cuối tháng 12, chưa thấy gì mới mẻ cả.
Người ta không muốn xem V-League như một show diễn mà cũng khó có thể coi như thế thật khi các nhà chuyên môn đáng kính đã lấy hết ghế, hết phần trong BTC V-League. Trong khi đó, AFC đã nói rằng trong đội hình 11 nhân tố để phát triển bóng đá, truyền thông và CĐV là cặp tiền đạo. VFF chăm lo cho “cặp tiền đạo” này ra sao mỗi kỳ giải? Xin thưa: họ khoán trắng cho các CLB và đối tác tài trợ.
Người ta nói rằng, trong bất cứ show diễn nào thì vấn đề chuyên môn đương nhiên là điều kiện tất yếu nhưng để show diễn có hay, có lạ, có hấp dẫn thì không chỉ có chuyên môn là hết. Thế nhưng, cái thói quen của chúng ta là cứ đến một kỳ giải mới lập BTC và phần lớn là lo phần chuyên môn vốn đã đi vào guồng.
Để một giải đấu giữ được sự hấp dẫn cả năm, cần phải có bộ phận thường trực, một “ban điều hành” có sự tồn tại suốt năm. Khi vào đến mùa giải, cần có một “Tổng đạo diễn” thực sự, có khả năng am tường mọi việc chứ không phải là “ấn” một ông Trưởng ban tổ chức thi đấu vào vai trò đầu tàu.
Trong cơ cấu điều hành một giải đấu ở những nước tiên tiến, có 2 vị trí luôn được bố trí đầu tiên đó là người đứng đầu bộ phận tiếp thị và bộ phận truyền thông. Chúng ta biết việc không có nhà tài trợ thì V-League khốn khó như thế nào nhưng liệu trong BTC của V-League, vai trò của tiếp thị và truyền thông, 2 vị trí rất gần gũi với nhà tài trợ, được trọng vọng đúng nghĩa.
Trong những mùa trước, khi kết thúc, ngoài các bản báo cáo về chuyên môn, không thấy những phân tích đánh giá về hấp lực của V-League đối với người hâm mô, không có bản tổng kết về hiệu quả truyền thông, về hoạt động tiếp thị. Thậm chí, VFF cũng không làm được một việc là thống kê xem thử các CLB thu về mỗi mùa bóng bao nhiêu tiền phát sinh ngoài tài trợ.
Không có những bản tổng kết đó làm sao biết V-League có giá trị thương hiệu bao nhiêu tiền?
Hồ Việt