Cho phép sử dụng xe 12 chỗ ngồi vào hoạt động vận tải công cộng: Việc nên làm

Cho phép sử dụng xe 12 chỗ ngồi vào hoạt động vận tải công cộng: Việc nên làm

Theo Nghị định 110 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô ban hành năm 2006 thì xe buýt phải là loại xe có từ 17 chỗ ngồi trở lên. Căn cứ vào văn bản pháp quy ấy, hơn 700 xe ô tô loại 12 chỗ ngồi được TPHCM sử dụng để vận chuyển hành khách công cộng sẽ phải ngưng hoạt động trong lĩnh vực vận tải này.

  • Đường nhỏ, xe nhỏ là phù hợp
Cho phép sử dụng xe 12 chỗ ngồi vào hoạt động vận tải công cộng: Việc nên làm ảnh 1
Xe 12 chỗ ngồi vẫn được người dân TP ưa chuộng. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Ông Lê Trung Tính, Trưởng phòng Quản lý Vận tải thuộc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM cho biết: Ngay khi nghị định này được ban hành, UBND TPHCM đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT cho phép hơn 700 xe ô tô loại 12 chỗ ngồi đang sử dụng để vận chuyển hành khách công cộng ở thành phố được tiếp tục hoạt động cho đến hết niên hạn sử dụng.

Lý do chủ yếu để có đề xuất này là trên địa bàn TPHCM chỉ có khoảng 14% số đường có chiều rộng từ 12m trở lên, có thể tổ chức tốt vận tải công cộng bằng loại xe buýt lớn.

Khoảng 51% số đường có chiều rộng lòng đường từ 7m-12m phù hợp cho xe buýt hạng trung và nhỏ. Số còn lại chỉ thuận tiện cho xe 2 và 3 bánh hoạt động. Xe ô tô loại 12 chỗ ngồi với chiều rộng chỉ khoảng hơn 1m là loại phương tiện giao thông rất phù hợp với thực trạng đường như đã nêu của thành phố. Sau khi tiếp nhận đề nghị nói trên của UBND TPHCM, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Chính phủ chấp thuận ý kiến của thành phố và cho gia hạn thời gian sử dụng các loại xe ô tô 12 chỗ ngồi trong hoạt động vận tải hành khách công cộng đến ngày 31-12-2008.

Từ đó cho đến nay, loại xe ô tô 12 chỗ ngồi vẫn được bố trí phục vụ trong mạng lưới vận tải công cộng của thành phố. Rất nhiều trường học ở các quận Tân Bình, Tân Phú… đã hợp đồng với các HTX vận tải-đơn vị chủ quản của loại xe này để đưa đón học sinh.

Nhiều năm qua, xe ô tô loại 12 chỗ ngồi đã có những đóng góp rất lớn cho hoạt động vận tải hành khách công cộng của thành phố. Hầu hết loại xe này luôn đạt năng suất vận chuyển trên 100% và thành phố chỉ phải trợ giá trong khoảng 30% tổng chi phí-một mức trợ giá khá thấp so với tổng mặt bằng trợ giá cho xe buýt nói chung của thành phố.

Thế nhưng, thời hạn 31-12 cũng sắp đến gần, nếu không được tiếp tục gia hạn thì hơn 700 xe loại 12 chỗ của TP sẽ ngưng hoạt động. Chính vì vậy, vừa mới đây, UBND TPHCM đã có văn bản gửi chính phủ đề nghị cho tiếp tục gia hạn thời gian hoạt động của loại xe này.

  • Không nên tạo thêm khó khăn cho người dân

Trước khi loại xe ô tô 12 chỗ ngồi tham gia hoạt động vận tải hành khách công cộng, hầu hết các đơn vị vận tải (chủ quản của loại xe 12 chỗ ngồi) đều phải sử dụng loại xe lam cũ kỹ làm phương tiện chở khách. Loại xe này vừa không an toàn vừa tiêu hao nhiên liệu nhiều và xả khói đen làm ô nhiễm môi trường. Lãnh đạo thành phố bức xúc, đơn vị vận tải bức xúc mà hành khách cũng bức xúc. Thế nhưng, tìm cách nào để đổi mới phương tiện là chuyện không dễ bởi phần lớn xã viên các HTX này đều nghèo. Thời gian đó, cách đây khoảng 10 năm, thành phố cũng chưa thể có tiền để hỗ trợ cho các đơn vị vận tải như bây giờ.

Trong bối cảnh ấy, Công ty TNHH Phương Trinh xuất hiện và sẵn sàng đứng ra thực hiện chương trình chuyển đổi xe tải nhỏ của hãng Suzuki thành xe chở khách 12 chỗ ngồi với giá thành chỉ khoảng 100 triệu đồng/xe. Thêm nữa, lại có Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Nhà Bè sẵn sàng đứng ra bảo lãnh cho xã viên vay vốn mua xe. Có xe, có tiền mua xe, hơn 700 xã viên các HTX xe lam đã hưởng ứng ngay chương trình đổi mới xe vận tải công cộng của thành phố. Trong 2 năm, từ 2001 đến 2003 Công ty TNHH Phương Trinh đã đóng mới và bán 724 xe ô tô 12 chỗ ngồi từ khung gầm của xe tải nhỏ Suzuki cho các xã viên HTX xe lam.

Chương trình đóng xe của Công ty TNHH Phương Trinh đã nhận được sự đồng tình ủng hộ và khen ngợi của TPHCM và Bộ GTVT. Riêng với các xã viên HTX xe lam, việc đổi mới xe đã giúp họ hoạt động tốt hơn. Theo ông Nguyễn Văn Thơm, Chủ nhiệm HTX du lịch Bình Chánh - đơn vị có 63 xe ô tô loại 12 chỗ ngồi, hiện mức thu nhập trung bình của mỗi xã viên đã vào khoảng 3 triệu đồng/tháng, thậm chí có xã viên thu được 4 triệu đồng/tháng (nếu họ tự lái xe, không thuê tài xế). Đây là mức thu nhập rất khá so với mức thu nhập từ xe lam trước đây.

Tuy nhiên, mức thu này cũng mới chỉ đủ để cải thiện đời sống người xã viên. Ông Nguyễn Chí Mạnh, Chủ nhiệm HTX vận tải số 14, đơn vị có 83 xe ô tô 12 chỗ ngồi hoạt động cho biết, cái khó của đơn vị là loại xe này chủ yếu chỉ đảm nhận công tác đưa đón học sinh.

Chi phí từ hoạt động đó được huy động từ 3 nguồn: Nhà nước hỗ trợ, nhà xe ủng hộ và cha mẹ học sinh đóng góp. Từ vài năm nay, mức trợ giá của Nhà nước là không đổi. Cha mẹ học sinh đóng góp cũng có giới hạn, nên lợi nhuận thu được của xã viên cũng rất khiêm tốn. Một số xe hoạt động trên tuyến tuy năng suất đạt cao nhưng là xe nhỏ, sức chở thấp nên lợi nhuận cũng không cao.

Trong bối cảnh ấy mà buộc phải đổi mới xe cho phù hợp với Nghị định 110 là một thách thức rất khó vượt qua đối với xã viên. Nhiều người trong số họ chỉ mới vừa trả xong nợ vay ngân hàng để mua xe 12 chỗ ngồi. Nguyện vọng của hầu hết các xã viên trong lúc này là được sử dụng xe ô tô 12 chỗ ngồi trong hoạt động vận tải hành khách công cộng cho đến hết niên hạn sử dụng.

Các xã viên đã bức xúc nói lên sự thật: “Đổi từ xe lam cũ kỹ sang loại xe này là chủ trương của các ban ngành chức năng. Chính Bộ GTVT đã ủng hộ chủ trương ấy nên chúng tôi mới mạnh dạn vay tiền ngân hàng để đầu tư. Khi xe ô tô 12 chỗ ngồi ra đời là lúc Nghị định 110 chưa được ban hành. Như vậy liệu có hợp lý khi sử dụng một văn bản ra sau để điều chỉnh các quyết định đã có trước đó, tạo khó khăn cho chúng tôi?”. 

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục