Trong chuyến thăm của các chuyên gia Canada (thông qua Cơ quan phát triển quốc tế Canada CIDA) giữa năm 2010, khu chuyên doanh thịt heo thuộc chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (ấp Mỹ Hòa 4, xã Xuân Thới Đông) TPHCM được đánh giá là chợ hàng đầu của Việt Nam. Các chuyên gia còn so sánh chợ này tương đương với chợ Toronto tại Canada. Vậy thực tế ở đây như thế nào?
An toàn vệ sinh đạt tiêu chuẩn 100%
Dưới ánh sáng của đèn điện, trong khu vực rộng hàng trăm mét vuông của kho chứa thịt, hàng ngàn mảnh heo thịt sạch sẽ được treo ngay hàng thẳng lối.
Theo các tiểu thương tại chợ, hầu hết những người buôn bán, công nhân bốc xếp thịt heo làm việc tại đây… đều phải đáp ứng được các quy trình khắt khe về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). “Các thương nhân, công nhân lao động được kiểm tra sức khỏe, tập huấn định kỳ một năm một lần. Công nhân làm việc tại khu vực bán thịt không được hút thuốc, ăn uống…” – anh Năm, công nhân bốc xếp thịt heo tại đây cho biết.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc chợ Hóc Môn cũng khẳng định: “Vừa rồi, bên Chi cục VSATTP của Sở Y tế đã cấp giấy công nhận 100% các tiểu thương buôn bán thịt tại chợ đảm bảo tiêu chuẩn VSATTP”.
Được biết, diện tích khu chuyên doanh thịt heo rộng 1.500m² với khoảng 33 hộ, tổng cộng 55 sạp. Toàn bộ khu chợ thịt (thịt mảnh và thịt pha lóc) được lắp đặt hệ thống giàn lạnh trên 6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tất cả các xe chuyên chở, vận chuyển thịt vào chợ đều được cơ quan thú y tại chợ phun thuốc tiêu độc khử trùng; nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn vệ sinh cho người lái xe cũng như người tiêu dùng.
Nhân rộng mô hình
Hiện nay, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (chợ Hóc Môn) cùng với chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền (chợ Bình Điền) là hai nơi cung cấp lượng heo lớn cho TPHCM. Bình quân mỗi đêm chợ Hóc Môn cung cấp cho thị trường khoảng 3.700 con heo, tương đương 260 tấn/đêm, đáp ứng trên 1/3 nhu cầu thịt cho người dân toàn thành. Nơi tiêu thụ nhiều nhất là các KCN-KCX, nhà trẻ, chợ nội thành… Hiện thị phần thịt heo tại chợ Hóc Môn cung ứng cho địa bàn TPHCM chiếm 50% - 55%; chợ Bình Điền ở mức 35% - 40%.
Được biết, có sự chênh lệch thị phần như trên do nguồn thịt về chợ chủ yếu từ các tỉnh khu vực miền Đông Nam bộ. “Thịt heo tại đây ít mỡ, nhiều nạc, được người dân ưa chuộng. Ngược lại, thịt heo tại chợ Bình Điền nhập từ các tỉnh miền Tây, nhiều mỡ, do vậy một số thương lái tranh thủ xuất hàng sang Trung Quốc.
Tuy buôn bán trong một môi trường thuận lợi, hiện đại nhưng một số tiểu thương vẫn chưa hài lòng. “Nhiều mức phí cộng lại sẽ là khoản không nhỏ đối với các tiểu thương. Nhất là trong tình hình vật giá leo thang như hiện tại” – chị Hồng, tiểu thương buôn bán tại chợ lo ngại. Được biết, phí tiêu độc khử trùng có giá 15.000 đồng/xe/lần; phí giàn lạnh 55.000 đồng/m²tháng; phí quản lý 22.000 đồng/m²tháng.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc chợ Hóc Môn, nỗi lo của tiểu thương cũng là nỗi lo của ban quản lý chợ. Vấn đề trước mắt là nhà nước nên có chính sách nhân rộng mô hình giết mổ heo, bày bán heo sạch như tại chợ Hóc Môn. Điều này góp phần đáp ứng nhu cầu thịt ngày càng cao của người dân, đồng thời tâm lý đóng phí cao trong tiểu thương sẽ tự được điều chỉnh. Ông Dũng cho rằng, chợ Hóc Môn cũng đang gặp khó trước tình hình giá cả "nhảy múa" như hiện tại. “Các chợ đầu mối tham gia bán hàng bình ổn. Tuy nhiên, nhiều chi phí phụ bị đội giá, nếu tăng giá điện, nước… thì bà con sẽ tăng giá bán thịt. Chúng tôi buộc phải giữ nguyên giá điện từ lúc bắt đầu hình thành chợ tới nay mà chưa thay đổi. Không biết thời gian tới sẽ ra sao” – ông Dũng phân vân.
THI HỒNG