Chợ tràn xuống đường: đô thị nhếch nhác, giao thông bất ổn
Tình trạng lấn chiếm lòng lề đường làm nơi buôn bán không phải mới có ở TPHCM. Tuy nhiên, vấn đề là bất chấp những nỗ lực nhằm lập lại trật tự an toàn giao thông, chống buôn bán lấn chiếm lòng lề đường của các cơ quan chức năng, tình trạng này vẫn tồn tại và thậm chí ngày càng có chiều hướng gia tăng ở một số khu vực.
Biến đường thành… chợ
Từ sáng sớm, hoạt động buôn bán trên đường Đề Thám, quận 1 (phía bên đường Cô Bắc, Cô Giang) đã bắt đầu nhộn nhịp. Hàng gì cũng có, từ thịt cá cho đến rau, củ quả… Người bán không những bày hàng trên vỉa hè mà còn tràn xuống cả lòng đường. Người mua nếu thấy món nào ưng ý, dừng xe, vô tư mặc cả với người bán ngay trên đường. Cả người mua lẫn người bán dường như chẳng để ý đến những người đi đường đang cố gắng tránh họ để vượt lên. Quan sát, chúng tôi có cảm tưởng họ nghĩ rằng đây là chợ, là không gian buôn bán chứ không phải là đường cho dù tấm bảng đề tên đường Đề Thám treo ngay đầu đường và được nhắc lại ở mỗi giao lộ của các con đường khác với đường Đề Thám.
Đường Mã Lộ - một con đường nhỏ nằm sát chợ Tân Định (quận 1) từ lâu cũng đã biến thành chợ. Chỉ khác một điều, việc buôn bán trên đường Đề Thám còn chừa một phần đường nhỏ cho người đi đường, còn đường Mã Lộ, gần như hoàn toàn bị bít kín bởi các hoạt động mua bán. Ngay cả tấm biển đề tên đường Mã Lộ còn bị những chiếc dù che nắng các sạp bán hàng che khuất. Việc buôn bán trên đường Mã Lộ đã trở thành bình thường đến nỗi nhiều người dân sinh sống gần đó nói với người viết bài này rằng, họ “tưởng đường Mã Lộ đã được “chuyển hóa” thành chợ” (?!).
Chợ Tân Định là một trong những chợ lâu đời tại Sài Gòn - TPHCM. Sát bên chợ, đường Nguyễn Hữu Cầu có một bãi giữ xe dành cho người đi chợ… Ấy vậy mà không hiểu sao sự hấp dẫn của một ngôi chợ truyền thống cộng với việc để xe khá tiện lợi cũng không thu hút được nhiều người vào chợ. Người viết bài này đã dạo khắp chợ Tân Định và nhận thấy chỉ có các khu vực bán vải, quần áo và các đồ gia dụng là khá đông khách.
Khu vực bán thực phẩm tươi sống, rau củ quả rất vắng vẻ. Một bà chủ sạp bán rau mệt mỏi cho biết, các hàng bán rau trên đường Mã Lộ đã hút hết khách của bà cũng như nhiều tiểu thương khác trong chợ. Tất nhiên, không thể chỉ tên những khách hàng cụ thể đã bỏ bà chủ kia đi nhưng cứ nhìn lượng khách của các sạp trên đường Mã Lộ cũng hiểu rằng, bà chủ này nói không sai. Mua hàng ở các sạp trên đường Mã Lộ khách hàng có thể đi cả xe gắn máy 2 bánh vào, tiện hơn nhiều so với việc gửi xe. Phải chăng đây là lý do chính làm cho việc buôn bán trong chợ Tân Định ế ẩm?
Cản trở giao thông, gây ô nhiễm
Khu Văn Thánh Bắc, đường D1, D2 quận Bình Thạnh là một trong những khu dân cư mới, được quy hoạch khá bài bản ở TPHCM. Tuy nhiên, hiện nay ở đây tình trạng buôn bán nhếch nhác, lấn chiếm lòng lề đường đang làm cho cảnh quan, đường phố xuống cấp nghiêm trọng. Trên một con đường nhỏ vừa được mở làm đường thoát cho các phương tiện đi từ khu Văn Thánh Bắc ra đường Xô Viết Nghệ Tĩnh trong trường hợp khu vực Hàng Xanh bị kẹt xe, có đến hàng trăm quầy hàng buôn bán nhỏ, lấn gần hết mặt đường.
Tại đây, người ta có thể mua được gạo, rau, thịt cá, thậm chí cả vải vóc và nhiều vật dụng khác. Chị Hải Hà, một người dân sinh sống ở đây cho chúng tôi biết, giờ cao điểm buổi sáng là thời điểm mà rất nhiều người đi lại trên con đường nhỏ này để đi tắt ra đường Xô Viết Nghệ Tĩnh nhưng đây cũng chính là thời điểm buôn bán xôm tụ nhất của các hàng quán trên đường. Người bán lấn ra đường, người mua cũng thế, đường thành chợ nên chị đã chứng kiến nhiều người định rẽ vào đường này để đi tắt ra Xô Viết Nghệ Tĩnh nhưng đã phải bỏ đi, tìm con đường khác.
Lúc chúng tôi có mặt ở con đường này, giờ cao điểm buổi sáng đã qua, không khí buôn bán đã bớt sôi động nhưng trên mặt đường những vũng nước còn dính vẩy cá, ruột cá vẫn đang bốc mùi tanh. Con đường này mới chỉ là một phần nhỏ của sự nhếch nhác trong khu Văn Thánh Bắc. Cách đó không xa, trong khi chợ Văn Thánh vừa mới được xây dựng khá đẹp, nhiều sạp phải đóng cửa, do gần như toàn bộ các con đường xung quanh chợ đều có… họp chợ. Dường như cả người mua lẫn người bán đều không có cảm giác mình đang vi phạm Luật Giao thông đường bộ và các quy định khác về quản lý không gian, mỹ quan đô thị.
Chợ Nguyễn Đình Chiểu, một ngôi chợ nhỏ ở quận Phú Nhuận cũng trong tình trạng tương tự chợ Văn Thánh. Trong chợ, nhiều sạp phải đóng cửa vì không kinh doanh được, trong khi đó hầu hết các con đường quanh chợ đã biến thành… chợ. Người viết bài này đã đôi lần chứng kiến lực lượng trật tự địa phương ra quân lập lại trật tự kinh doanh tại các con đường quanh chợ nhưng đa phần cũng chỉ thấy họ nhắc nhở những người buôn bán sắp hàng lại gọn gàng, tránh chiếm đường quá nhiều (?!). Phải chăng, cũng như ở chợ Văn Thánh việc buôn bán trái phép trên đường dành cho hoạt động giao thông đã trở thành… bình thường? Tại chợ Tân Sơn Nhất (quận Gò Vấp), trong khu vực bán thịt cá cũng chỉ còn vài sạp trụ lại. Khu bán quần áo cũng thế... Số sạp đóng cửa nhiều hơn số sạp còn kinh doanh. Trong khi đó, nhiều con đường xung quanh chợ Tân Sơn Nhất hoạt động buôn bán rất nhộn nhịp.
AN NHIÊN
Đường “mẫu” cũng vi phạm
Đầu tuần qua, chúng tôi có dịp quay trở lại một số con đường được chọn làm “điểm” trong công tác lập lại trật tự an toàn giao thông, chống buôn bán lấn chiếm lòng lề đường. Tại đường Bạch Đằng, quận Bình Thạnh, một trong những con đường thời gian qua được ghi nhận là có nhiều nỗ lực trong việc giữ cho vỉa hè được thông thoáng, nhiều cửa hàng bán đồ nội thất cũng đã bày hàng “nhô” ra khỏi làn kẻ phân định phần vỉa hè được buôn bán và phần vỉa hè dành cho người đi bộ. Số lượng cửa hàng cũng như phần diện tích vỉa hè bị lấn chiếm không nhiều như những con đường khác nhưng sự vi phạm này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động giao thông. Người đi bộ đã buộc phải đi xuống lòng đường để tránh một số cửa hàng bán đồ nội thất bày hàng lấn chiếm gần hết vỉa hè.
Tại một số con đường như Nguyễn Kiệm (Phú Nhuận), Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1, 3, Phú Nhuận)… dù các cơ quan chức năng cho kẻ vạch sơn phân định phần vỉa hè được kinh doanh và không được kinh doanh, thế nhưng không ít người buôn bán vẫn vi phạm. Đặc biệt, cuối đường Nguyễn Kiệm, phần gần tiếp giáp với một trong những trục đường nội đô đẹp, hiện đại nhất TPHCM - đường Phạm Văn Đồng (Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài), toàn bộ vỉa hè gần như đã bị lấn chiếm làm nơi buôn bán đồ cũ. Đồ cũ xếp thành chồng, thành đống và người mua thì vô tư dừng xe ngay dưới lòng đường để mua.
Khó có thể nói các cơ quan chức năng không biết bởi hàng hóa được bày bán rất công khai và hoạt động này diễn ra suốt ngày. Không chỉ có người dân sinh sống ở mặt tiền các con đường này lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán mà chúng tôi còn được một số người dân ở đây cho biết, ngay cả khi các hộ mặt tiền không có nhu cầu buôn bán thì nhiều căn hộ nêu trên đã mặc nhiên coi vỉa hè trước nhà của mình là… của mình. Người nào muốn buôn bán trên vỉa hè trước mặt nhà họ đều phải thuê… vỉa hè để buôn bán. Chị Hải - một người dân cư ngụ tại khu Văn Thánh Bắc cho chúng tôi biết, ngay gần nhà chị, vỉa hè được nhiều hộ mặt tiền cho thuê tới 5 triệu đồng/tháng.
TÂM ĐỨC
Trách nhiệm của ai?
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Đặng Văn Khoa, nguyên đại biểu HĐND TPHCM cho rằng, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm chính trong việc vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm làm nơi buôn bán.
Theo ông Đặng Văn Khoa, tình trạng lấn chiếm lòng lề đường làm nơi kinh doanh đang gây những tổn hại lớn cho TPHCM. Thứ nhất, đối với giao thông, việc chợ tràn ra đường đã góp phần làm ùn ứ, thậm chí ùn tắc giao thông. Thiệt hại do ùn tắc giao thông có thể lên tới hàng tỷ đồng. Thứ hai, đối với mỹ quan đô thị, sự nhếch nhác của tình trạng buôn bán tràn lan làm cho bộ mặt thành phố xấu xí, kém hấp dẫn và quan trọng hơn nữa nó tạo một hiệu ứng “lờn”, coi thường pháp luật về trật tự văn minh đô thị trong một bộ phận người dân.
Tất nhiên, trong số những người cố tình buôn bán lấn chiếm lòng lề đường có những người có hoàn cảnh khó khăn. Họ chỉ có phương cách duy nhất là buôn bán nhỏ lẻ như vậy để mưu sinh. Trách nhiệm của các cơ quan chức năng là phải nghiên cứu tạo điều kiện, sắp xếp cho họ một nơi buôn bán hợp lý. Còn lại những người cố tình lấn chiếm lòng lề đường làm nơi buôn bán phải bị xử lý nghiêm. Chính quyền các địa phương phải xử lý các hiện tượng này một cách dứt khoát, không phải là cứ phạt rồi lại cho tồn tại.
Việc xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ người nghèo tìm kế sinh nhai hợp pháp là phải làm nhưng lập lại trật tự văn minh, mỹ quan đô thị, an toàn trật tự giao thông cũng phải tiến hành quyết liệt. Không thể lấy lý do của việc này để biện minh cho việc kia… Rõ ràng đã có nhiều sạp bán hàng ở các chợ phải đóng cửa vì hoạt động buôn bán bên ngoài hút hết khách. Điều này cũng có nghĩa, không phải không có địa điểm cho tiểu thương buôn bán… Cũng không thể lấy lý do thiếu nhân sự cho công tác giữ gìn trật tự an toàn giao thông, văn minh đô thị để biện minh cho tình trạng thiếu kiểm soát trong hoạt động này vì đây là chức trách của chính quyền địa phương.
Và cuối cùng tôi muốn nói rằng, nếu cứ tiếp tục biện minh thay vì tìm giải pháp để xử lý vấn đề thì tình trạng này sẽ khó giải quyết rốt ráo. Lập lại trật tự an toàn giao thông, văn minh đô thị cũng là làm cho luật pháp nghiêm minh, xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật như chúng ta đang hướng tới.
TÂM ĐỨC (ghi)
Sớm tìm giải pháp thích hợp
Để có cái nhìn sâu rộng về hiện tượng “chợ rỗng, buôn bán tràn xuống đường” cần có một cuộc điều tra khảo sát công phu. Tuy nhiên, bước đầu có thể có các giả thuyết sau: Hàng hóa buôn bán trên vỉa hè có giá cả phải chăng do không hoặc ít phải đóng các loại thuế và phí nên dễ hấp dẫn được khách hàng.
Nhiều người dân đã tìm đến khu vực này để mua hàng vì chúng phù hợp với thu nhập khiêm tốn của họ, nhất là những người có thu nhập thấp. Có cầu ắt có cung…, đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho việc buôn bán trên vỉa hè tồn tại và duy trì cho đến nay bất chấp nhiều nỗ lực xử lý tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng lề đường của ngành chức năng. Sự hấp dẫn của việc buôn bán trên vỉa hè, lòng đường cũng đã kéo một số tiểu thương trong chợ ra ngoài lề đường, vỉa hè để buôn bán.
Lượng xe gắn máy ngày càng gia tăng. Theo số liệu của Sở Giao thông Vận tải TPHCM, bình quân mỗi ngày có đến 800 - 900 xe gắn máy được đăng ký mới. Có thể do số lượng xe gắn máy tăng nhanh đã dẫn đến hiện tượng khó kiếm chỗ đậu xe, nên tâm lý muốn mua hàng ngay trên vỉa hè, không cần bãi đậu cũng ngày càng gia tăng. Chính chỗ thuận tiện này đã thúc đẩy nhu cầu mua bán vỉa hè tăng nhanh, là lực đẩy để tiểu thương ra ngoài vỉa hè nhiều hơn.
UBND TPHCM đã ban hành nhiều quy định liên quan đến việc ban hành danh mục các tuyến đường cho phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe công cộng có thu phí, phục vụ kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa và cho phép đậu xe dưới lòng đường có thu phí trên địa bàn TP như Quyết định 4030/QĐ-UBND TPHCM, Quyết định 699/QĐ-UBND…, nhưng tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, không tuân thủ các quy định trên vẫn diễn ra, thậm chí nhiều nơi có xu hướng tăng.
Đây là điều rất đáng lo ngại cả ở góc độ quản lý đô thị lẫn trật tự an toàn giao thông bởi nó chứng tỏ công tác quản lý đô thị và giữ gìn trật tự an toàn giao thông có nhiều bất cập. Đã đến lúc ngành chức năng cần xem xét để có giải pháp thích hợp. Một trong những giải pháp trước mắt là xem xét và nghiên cứu áp dụng các chính sách khuyến khích mua bán ở các phố đi bộ, tại các chợ đêm, khu thương mại, siêu thị với những điều kiện ưu đãi, tạo thuận tiện tối đa cho người đi xe gắn máy.
Tiến sĩ DƯ PHƯỚC TÂN
(Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM)
Đầu tư thêm cho chợ truyền thống
Theo tiến sĩ Võ Kim Cương (Hội Quy hoạch TPHCM), tại nhiều khu đô thị mới, chủ đầu tư thường chỉ tập trung xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị mà quên đi chợ truyền thống. Trong khi đó, mua bán ở chợ truyền thống nhiều khi là thói quen, sở thích của người dân. Do vậy, bên cạnh các giải pháp chấn chỉnh tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, TPHCM nên rà soát lại quy hoạch phát triển mạng lưới trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống… Nên cân đối các loại hình buôn bán này.
Đặc biệt nên xem xét mở thêm các khu buôn bán ngoài trời, các khu chợ đêm… để người dân dù không phải là tiểu thương “chuyên nghiệp” nhưng có nhu cầu mua bán trao đổi có thể đến nơi đó giao lưu và mua bán, biến những nơi buôn bán như vậy không chỉ là chợ mà còn là không gian sinh hoạt cộng đồng của người dân… Những khu vực buôn bán như vậy nên được tổ chức ở trung tâm, thuận tiện về giao thông để hấp dẫn cả người mua lẫn người bán. Những nơi này nên lấy phí thật thấp, thậm chí nếu có thể được, miễn phí thời gian đầu cho người bán.
Tốt nhất nên chuẩn hóa các hoạt động thương mại bằng một đồ án quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội để người dân biết nơi nào được buôn bán, buôn bán hàng hóa gì và nơi nào không để mà chấp hành. Khi mọi việc đã rõ ràng, ai làm sai, nhà nước phải xử lý nghiêm. Nơi nào xử không nghiêm sẽ bị kỷ luật.
SƠN LAM (ghi)