Chương trình Mùa xuân biên giới lần thứ 14:
Trong dịp Tết Đinh Dậu 2017 đoàn công tác xã hội Mùa xuân biên giới (do Hội Nhà báo TPHCM phối hợp các đơn vị: Báo Sài Gòn Giải Phóng, Báo Công An TPHCM, Viện Tim Thành phố, BV Tâm Đức, Đại học Luật TPHCM và CLB Phóng viên Nội Chính TP tổ chức), gồm các nhà báo, bác sĩ, dược sĩ điều dưỡng, giảng viên đại học, thành viên lại tiếp tục một chuyến đi có tính thường niên, mang mùa xuân đến với các vùng miền ở biên giới. Và năm nay là lời hẹn với bà con nghèo của tỉnh Bạc Liêu.
Hạnh phúc thật gần
Ban đầu, khi nghe ông Hồ Hoài Dân, Tổng giám đốc Công ty TNHH xây dựng thương mại Công Lý, đề nghị cùng chung tay với đoàn Mùa xuân biên giới (MXBG) tặng 500 phần quà Tết cho các gia đình chính sách, các hộ nghèo và cận nghèo của xã Vĩnh Trạch Đông thuộc TP Bạc Liêu, chúng tôi hơi “lượng sượng”. Bởi, chúng tôi thường chọn đi đến các xã thật xa, ấp thật sâu, vì nơi ấy, bà con đời sống thiếu thốn nhiều bề; chứ dân thành phố mà nhiều người nghèo thế sao? Đồng chí Lê Minh Khái, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bạc Liêu, “trấn an” chúng tôi: “Các anh chị cứ về nhìn thực tế sẽ thấy, không nhầm địa chỉ đâu”. Khi đứng trước một vùng mênh mông biển chết, các mảnh ruộng trơ mặt, xơ xác vì ngập mặn và những đứa trẻ da đen cháy, tay chân khẳng khiu thì chúng tôi đã hiểu. Vốn sống nhờ biển, nhưng năm qua vì mất mùa biển, thất mùa lúa nên bà con sống rất chật vật...
Nhìn bà con lễ mễ, nói cười, chở gạo, mì gói và quà tết về nhà trên con đường ven biển, gió lộng dữ dội khiến hàng trăm cánh quạt khổng lồ của khu điện gió quay đều trong ánh nắng chiều màu cam rực, chúng tôi nhìn nhau cùng cười. Hạnh phúc là đây chứ đâu xa. Ngày thứ hai, chúng tôi đến xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân, cách nơi chúng tôi trọ gần 60km. Ở đây có 90% là người Khmer, đoàn khám bệnh phát thuốc miễn phí cho 300 người, tặng quà tết cho 50 học sinh nghèo, vượt khó và 200 hộ nghèo (gồm thùng mì gói, gạo thơm, nước ngọt, bánh mứt và thực phẩm trị giá 450.000 đồng/phần). Trước khi chúng tôi lên đường xuống xã, chị Hoa, Bí thư Huyện ủy Hồng Dân, hỏi đoàn bao nhiêu người, hàng hóa thuốc men thế nào để bố trí ghe, vỏ lãi đón vào xã cách lộ khoảng 5km đường sông. Nghe tôi nói kế hoạch di chuyển, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bạc Liêu Lê Minh Khái “giãy nảy”: “Dân thành phố không rành sông nước, đi như thế… lỡ có gì… Thôi, không được đâu…”. Và sau đó, chùa Đầu Sấu, một ngôi chùa cổ 115 năm tuổi của bà con Khmer được chọn làm điểm khám bệnh, phát quà. Số quà phát cứ lai rai vì bà con tuốt trong xẻo phải đi gặt lúa xong mới chèo ghe ra nhận quà và khám bệnh, mãi đến hơn 14 giờ chúng tôi mới xong việc. BS Nguyễn Thanh Huy (Khoa Cấp cứu của Viện Tim) tỏ ra băn khoăn về kết quả khám bệnh: “Hơn 80% số người “có tuổi” đến khám bị huyết áp và tim mạch. Trẻ em bị viêm họng nhiều quá, gần 50% số người đến khám”…
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bạc Liêu Lê Minh Khái (thứ 2 từ trái sang) tặng quà tết cho bà con xã Vĩnh Trạch Đông
Niềm vui gửi lại
Ngày cuối cùng, Phó trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu Nguyễn Huy Thái đi cùng đoàn MXBG chúng tôi đến xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi. Do đường vào xã quá hẹp, ông Nguyễn Huy Thái phải huy động những chiếc xe nhỏ quay lại chở thuốc men và dụng cụ khám bệnh, quà tết và nhiều thành viên “được chuyển vào xã” bằng xe ôm. Nếu hôm ở ấp Tà Suôl, xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân trời âm u, mưa gió thì ở Vĩnh Hưng trời lại nắng gắt khiến bà con đến từ sớm ai cũng mướt mồ hôi… Dù năm nay, do ngày đi cận tết nên đoàn ít người hơn mọi năm, nhưng càng gần ngày đi thì “duyên” đến với đoàn càng nhiều. Ngoài 90 triệu đồng của Công ty Phân bón Bình Điền và 60 triệu đồng của Công ty Công Lý góp tặng bà con nghèo, chị Hoa Lệ, Tổng giám đốc Công ty du lịch Hòa Bình đã gửi tặng 300kg đường; Báo SGGP gửi tặng các cháu học sinh nghèo vượt khó 10 triệu đồng và 50 phần quà mà báo vận động được từ Co.opmart. BV Tâm Đức và Viện Tim thành phố không chỉ góp quà tặng và tân dược trị giá gần trăm triệu đồng mà còn cử nhiều bác sĩ giỏi từ các phòng khám, khoa cấp cứu, các dược sĩ, điều dưỡng nhiều kinh nghiệm trực tiếp tham gia chuyến đi.
Năm nay, những tưởng chuyến đi đã không thể tổ chức vì gặp nhiều trục trặc, có lúc chúng tôi định buông tay. Nhưng khi nghe điện thoại của các chiến sĩ biên phòng nơi xa gọi, kể những kỷ niệm cũ, chúng tôi lại động viên nhau và quyết định lên đường. Đại tá Lưu Hoàng Hà, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Bạc Liêu là “người xưa” của đoàn MXBG, từng có những năm công tác trên vùng cao Tây và Đông Bắc, rồi về Cà Mau đóng nhiều năm liền, để lần này, đoàn có dịp gặp lại anh ở Đồn biên phòng Nhà Mát (Bạc Liêu). Anh cười nhiều hơn những lần gặp trước và lúc chia tay đã hẹn - “mùa sau nhé những người hậu phương luôn dành nhiều tình cảm cho bộ đội biên phòng”…
Phạm Thục