Câu chuyện thể thao

Chơi dao có ngày đứt tay !

Đêm 25-10, đội bóng chuyền nam Tràng An Ninh Bình lần đầu tiên vào đến chung kết giải bóng chuyền đội mạnh quốc gia 2006 và đã làm luôn cú ngoạn mục khi hạ đương kim vô địch Thể Công với chiến thắng 3-2 để trở thành tân vô địch.

Đêm hôm ấy, trong niềm vui ngất trời của các cầu thủ trẻ Ninh Bình, thì bên kia là nỗi buồn ngập tràn của các cầu thủ quân đội, nhưng có lẽ chính họ cũng tự hiểu lẽ thường có vay thì phải trả và khi chơi dao thì cũng có lúc sẽ bị đứt tay!

Chơi dao có ngày đứt tay ! ảnh 1
Trận chung kết giải bóng chuyền đội mạnh 2006: Ninh Bình (bên trái) thắng Thể Công 3-2.

Còn nhớ trận bán kết mùa giải 2005 tại Biên Hòa (Đồng Nai), các cầu thủ Ninh Bình đã chơi hơn hẳn trước một Thể Công nhợt nhạt và thắng trước 2-0, nhưng sau đó họ đã chủ động thua liền 3 ván cuối để “nhường” đàn anh Thể Công vào chung kết.

Trận đấu năm ấy đã bị khán giả phản đối dữ dội, nhưng người trong cuộc đều hiểu, Ninh Bình không thể “vượt mặt” vì nhiều lý do ân tình. Tuy nhiên, năm nay thì đã khác…

Ở vòng bảng của giai đoạn 2 diễn ra tại Đắk Lắk, đã có một số thông tin rằng đội Thể Công đã “diễn kịch” trong các trận đấu với Ninh Bình, CATPHCM, dù lực của họ hơn hẳn nhưng cứ chơi vật vờ để rồi sau đó thắng ngược nhằm “tạo không khí căng thẳng và kịch tính”.

Chuyện thế nào thì chưa biết, nhưng ở trận bán kết vừa qua gặp đội chủ nhà Quân đoàn 4 thì điều này thể hiện rất rõ: Thắng nhẹ nhàng ở ván đầu với điểm 25/20, các cầu thủ Thể Công đã chơi vật vờ ở ván hai để thua 22/25, rồi tiếp tục vai diễn “rượt đuổi điểm số” ở ván 3 để thắng 25/19 và dứt điểm 25/21 ở ván 4 để vào chung kết.

Tuy nhiên, trận chung kết gặp lại đối thủ Ninh Bình chơi hừng hực lửa và khát khao lấy lại những gì lẽ ra phải thuộc về họ từ năm ngoái khi đã rút kinh nghiệm bằng cách “cất” chuyền hai Lưu Đình Toàn (2) và Nguyễn Tiến Hưng (vốn xuất thân là cầu thủ Thể Công) ngồi ngoài ngay từ đầu, khiến đội Thể Công phải chơi thật bằng chính thực lực và đã nếm mùi cay đắng.

Trưa qua 26-10, một số trụ cột của Thể Công khi ngồi ăn cùng nhau đã thẳng thắn nhìn nhận: “Dù có chút vấn đề về trọng tài ở trận chung kết, nhưng tựu chung là chúng tôi đã chơi không tốt và thất bại âu cũng là lẽ đương nhiên trước các cầu thủ Ninh Bình thi đấu quyết tâm hơn”.

Ninh Bình lần đầu lên ngôi, có lẽ sẽ tạo ra một làn gió mới cho làng bóng chuyền Việt Nam, vì mấy năm qua cứ mãi một đội Thể Công nằm trên ngôi vô địch (trừ năm 2004, đội đứng đầu là Bưu điện Hà Nội).

Tuy vậy, thất bại của Thể Công sẽ là một nỗi buồn cho những ai hâm mộ đội bóng này và cũng là một bài học cho các đội bóng khác vì cứ thi đấu như đóng kịch rồi sẽ có lúc phải trả giá, nhưng nguy hiểm hơn là điều này sẽ dập tắt đi ngọn lửa yêu mến của người hâm mộ khi chẳng còn ai muốn đến sân để xem “cầu thủ diễn kịch”. Điều mà môn bóng đá Việt Nam đang phải trả giá.

ĐỖ TUẤN

Tin cùng chuyên mục