Cuối năm 2005, Tạp chí quần vợt thế giới đã nhận được một email bất ngờ từ Haider Abbud (một viên cố vấn người Mỹ gốc Iraq hoạt động trong lĩnh vực tái thiết Nhà nước Iraq sau chiến tranh). Trong email, Abbud giới thiệu ông và một số những người khác nữa đang chung tay xây dựng một thế giới quần vợt riêng biệt ở Vùng Xanh của Baghdad – nơi thường được bảm đảm an ninh cao độ giành cho những người đang làm việc trong chính quyền mới tại đất nước Iraq.

Hai đứa trẻ lượm banh ở sân quần vợt của Vùng Xanh
Email cho biết, những con người gan góc sẵn sàng đối diện với cái chết ở một đất nước mà thể thao luôn là đối tượng cho các thế lực khủng bố triệt tiêu đã cố gắng xây dựng lên một sân banh bằng… cát.
Trên sân banh có một không hai đó (sân đất nện đã là một mặt sân… khó chơi nhất trong quần vợt, nhưng xét về khía cạnh khó khăn, sân đất nện còn phải “bái” sân cát bằng… sư phụ), ngày ngày, những con người đam mê quần vợt chia xẻ thời gian rảnh rỗi, kêu gọi bạn bè, kêu gọi những người cùng sở thích… cùng tham gia những trận đấu cũng kịch liệt không kém gì các Grand Slam mà họ thường xem qua truyền hình.
Trong một thời gian dài, sân banh bằng cát đã trở thành một nơi đặc biệt mà nhiều người có thể tham gia để quên đi những công việc khó nhọc và bom đạn không ngừng ở ngoài kia. Tất nhiên, khi tham gia chơi quần vợt, những con người này không hề hé môi về sở thích của mình. Họ không muốn trở thành mục tiêu cho những kẻ khủng bố cuồng tín.
Thế rồi, trong một quyết định táo bạo hòng xây dựng lại nền quần vợt Iraq, ông Abbud đã quyết định đến New York, đến US Open 2005 để kêu gọi hỗ trợ về kỹ thuật, chuyên môn và tài chính cho sân banh bằng cát mong manh. Rất nhiều hoạt động hỗ trợ đã được tiến triển ngay sau đó. Nhiều tháng sau, Iraq được Liên đoàn quần vợt thế giới (ITF) công nhận là một Liên đoàn quần vợt độc lập. Câu chuyện tưởng chừng như rất đơn giản đó thế mà đã trải qua một khoảng thời gian rất dài!
Ông Abbud là một người điên cuồng vì quần vợt. Gia đình ông chuyển sang Mỹ sống từ năm 1969. Dưới sự dẫn dắt của người cha Kazim, Abbud bắt đầu lao vào luyện tập quần vợt và càng ngày ông càng yêu quý môn thể thao này. Cả ba người con của ông đều chơi quần vợt và giành được những thứ hạng khá ở giải quốc gia thuộc Hiệp hội quần vợt nhà nghề Mỹ (USTA). Abbud, sau khi đến với Iraq để trợ giúp việc xây dựng lại đất nước này sau chiến tranh, cuối cùng đã trở thành một người sáng lập cho nền quần vợt Iraq thời kỳ mới.
Giữa Vùng Xanh, giữa những vòng vây súng ống, dây thép gai và lính gác nghiêm ngặt, giữa một đất nước đầy rẫy bom đạn, vẫn có những con người yêu quân vợt bỏ mọi thứ lại sau lưng và gò mình trên sân bóng đầy... cát, gò mình vào những đường banh khi thì bay bổng tận mây xanh, khi thì nhảy múa trên mặt lưới, khi lại tự do leo tót ra khỏi bốn bức hàng rào bao quanh sân bóng.
ĐỖ HOÀNG