Tuy nhiên, việc sở hữu hệ động thực vật khổng lồ như vậy cũng đồng nghĩa với việc Indonesia đang ở trên tuyến đầu của hoạt động thương mại bất hợp pháp toàn cầu với trị giá ước tính 23 tỷ USD/năm, làm không ít loài đang đứng trước bờ vực tuyệt chủng. Nhằm bảo vệ động vật trước vấn nạn buôn bán bất hợp pháp, các tổ chức phi chính phủ về bảo tồn động vật ở Indonesia đang sử dụng công nghệ cao, thậm chí cả các ứng dụng trên điện thoại thông minh để lập bản đồ tuyến buôn bán các loài động vật được bảo vệ dựa trên mã vạch DNA. Ông Matthew Pritchett, thành viên của tổ chức phi chính phủ chống nạn buôn bán động vật trái phép, khẳng định: “Đằng sau những phi vụ buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp là những tổ chức tội phạm rất tinh vi và có tổ chức chặt chẽ. Công nghệ có lẽ là một trong những công cụ quan trọng nhất để giúp chúng tôi bắt được kẻ buôn lậu”.
Cảnh sát Indonesia phá một vụ buôn bán tê tê
Hiệp hội Bảo tồn động vật và thực vật (WCS) sử dụng phần mềm để thiết lập các tuyến đường của kẻ buôn bán động vật hoang dã và trích xuất dữ liệu từ các thiết bị điện tử bị thu giữ từ các nghi phạm. Về phần mình, Trung tâm Cứu hộ động vật Indonesia (IAR) sẽ kiểm tra chứng cứ dựa trên mã vạch DNA để xác định loài. Bà Christine Rattel, cố vấn cho chương trình IAR, nói: “Nếu chúng tôi biết được nguồn gốc của các loài động vật, chúng tôi có thể so sánh các mẫu di truyền. Từ đó, chúng tôi có thể lần theo dấu vết các khu vực săn bắn và xác định các tuyến đường buôn bán bất hợp pháp”. Thông tin trong ứng dụng phần mềm của các tổ chức phi chính phủ (liên quan đến khoảng 700 loài và 2.000 bức ảnh) đã giúp các cơ quan chức năng ở Indonesia và Thái Lan điều tra các mạng lưới buôn bán. Cuối tháng 1 vừa qua, cảnh sát Indonesia đã bắt giữ một nhóm bị tình nghi buôn bán cá sấu, trăn và một số loài động vật hoang dã được bảo vệ qua Facebook và qua WhatApp. Hình ảnh của những động vật bị rao bán được đưa lên Facebook và What App, những người nào muốn mua các động vật này thì sẽ hẹn gặp với người bán để thực hiện giao dịch. Vụ việc vừa nêu trên cho thấy việc áp dụng công nghệ vào bảo vệ động vật hoang dã đang trở nên bức thiết thế nào.
Tuy nhiên, cuộc chiến chống nạn buôn lậu động vật quý hiếm vẫn gặp rất nhiều khó khăn do lực lượng kiểm lâm và cảnh sát không đủ, hơn nữa họ lại thiếu phương tiện và kiến thức khoa học chuyên môn về lĩnh vực này. Theo ông Pritchette, những người thực thi pháp luật không phải là các nhà khoa học, một số người trong số họ có thể có chuyên môn, nhưng để biết hết 25.000 - 30.000 loài bị cấm buôn bán thương mại trên toàn thế giới thì thật khó. Báo cáo công bố năm 2015 của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) cho rằng luật không đầy đủ, thiếu nhân viên để thực hiện pháp luật và truy tố không thường xuyên vẫn là những thách thức lớn nhất. Ngoài ra, nếu chính phủ không cương quyết xử lý thị trường chợ đen buôn bán các loài động vật quý hiếm thì dù có sử dụng công nghệ nào cuộc chiến này cũng không thể thành công.