Chống dịch nơi xung yếu

Liên tiếp những ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày ở nước ta luôn ở mức 3 con số, tập trung chủ yếu ở Bắc Giang và Bắc Ninh - những địa phương có nhiều khu công nghiệp (KCN). Số lượng lớn người lao động, công nhân mắc Covid-19 là nguy cơ rất lớn làm dịch lan rộng ra nhiều địa phương.

Cả nước hiện có 369 KCN tập trung, gần 30 khu kinh tế cửa khẩu, khu chế xuất với khoảng 3,8 triệu lao động và khoảng 700 cụm công nghiệp đang hoạt động với khoảng 600.000 lao động. Các tỉnh, thành đều có KCN, khu chế xuất và có đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương, đất nước. Vì vậy, dịch bệnh xảy ra trong các KCN, nhà máy, xí nghiệp... sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đối với chuỗi sản xuất và nền kinh tế, thậm chí còn kéo theo hệ lụy nghiêm trọng với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. 

Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ rõ, dịch bệnh xảy ra ở tất cả các nơi đều nguy hiểm nhưng xung yếu nhất là bệnh viện, sau đó đến các nhà máy, đặc biệt là các nhà máy trong KCN. 

Thế nhưng thực tế, công tác phòng chống dịch tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở một số tỉnh, thành chưa thực hiện nghiêm túc, thậm chí buông lỏng. Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, nhiều địa phương hiện chưa xây dựng kế hoạch, phương án cách ly khi có ca mắc Covid-19 tại KCN; chưa thực hiện triển khai cập nhật dữ liệu bản đồ an toàn phòng chống dịch Covid-19 cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Việc tập huấn, kiểm tra giám sát công tác phòng chống dịch tại nơi làm việc và thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tại nơi làm việc và chỗ ở cho công nhân còn hạn chế, chỉ thực hiện được 5%-10% số cơ sở sản xuất...

Đây là thực trạng rất đáng lo ngại, bởi theo PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), chỉ cần một công nhân nhiễm Covid-19 thì cả dây chuyền, phân xưởng, thậm chí cả KCN có nguy cơ nhiễm bệnh, phải ngừng sản xuất để cách ly chống dịch. 

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, trong cuộc làm việc mới đây với Bộ Y tế và nhiều cuộc họp với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính liên tục nhắc nhở các các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; đồng thời quyết tâm phòng chống hiệu quả và đẩy lùi dịch bệnh trên toàn quốc, bảo vệ sức khỏe nhân nhân, coi sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết, bảo đảm tổ chức thành công cuộc bầu cử sắp tới.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh tới việc khen thưởng cá nhân, tập thể điển hình làm tốt công tác phòng chống dịch và phải cương quyết xử lý kịp thời những người vi phạm, kể cả đình chỉ, cách chức người có chức vụ, thậm chí xử lý hình sự nếu dấu hiệu vi phạm đã rõ. 

Trước yêu cầu của Thủ tướng về chuyển trạng thái chống dịch “từ phòng ngự sang chủ động tấn công”, với vị trí là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, TPHCM đã quyết định kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống dịch Covid-19 ở mức cao nhất, tái lập các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và các tổ khai báo y tế tại những cửa ngõ ra vào thành phố nhằm ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu tăng cường kiểm tra đột xuất công tác phòng chống dịch tại các KCN, khu chế xuất và nếu doanh nghiệp nào chưa bảo đảm an toàn phòng chống dịch, sẽ buộc dừng hoạt động.

Dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp với biến chủng mới lây nhiễm nhanh. Do đó, cùng với sự vào cuộc nghiêm túc, quyết liệt của Chính phủ, cấp ủy, chính quyền các cấp, các bộ, ngành chức năng thì ý thức, trách nhiệm và sự tự giác thực hiện 5K theo khuyến cáo từ Bộ Y tế của mỗi cá nhân có yếu tố rất quan trọng để ngăn chặn, khống chế thành công dịch bệnh. Cùng với đó, các địa phương cần chấn chỉnh, siết chặt toàn bộ công tác phòng chống dịch trong KCN để tránh gây ra hệ lụy khó lường. 

Tin cùng chuyên mục