Nạn in lậu sách, bán tràn lan ngoài thị trường dường như đã trở thành căn bệnh “lờn thuốc”. Cũng như mọi năm, trước mùa khai giảng năm học 2010 - 2011, vấn nạn này lại một lần nữa được đưa ra mổ xẻ tại hội nghị “Chống in lậu năm 2010” do Nhà Xuất bản Giáo dục (NXBGD) Việt Nam tổ chức tại TPHCM ngày 10-6
Liên tục... in lậu
Hàng loạt các vụ in lậu sách đã liên tiếp xảy ra và bị phát hiện. Đơn cử, vào ngày 1-7-2009, một xe tải mang biển số 18N-4401 do Vũ Đình Thành (có hộ khẩu thường trú tại 7/2 Cù Chính Lan, phường Trần Thế Xương, thành phố Nam Định) điều khiển, chạy theo hướng từ Nam ra Bắc, chở 1.670 cuốn sách Bài tập Toán 8 tập 2. Đây là số sách in lậu tại các tỉnh phía Nam chở ra Nam Định tiêu thụ.
Tiếp theo là vụ sách in lậu tại Tổng kho Nhà sách Yến Công Nghệ An, một nhà sách vào loại lớn nhất Nghệ An và khu vực lân cận, với 34 đầu sách làm giả sách của NXBGD. Đây là đợt kiểm tra phát hiện số lượng sách giả lớn nhất từ trước đến nay. Hầu hết sách giả là những cuốn sách bổ trợ, sách tham khảo bán chạy và phần lớn đều dán tem giả. Thế nhưng, vụ việc cũng dừng ở mức xử lý hành chính.
Gần đây nhất là vụ Atlas Địa lý Việt Nam bị in giả tràn lan để kịp… phục vụ cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Để đối phó với tình hình, năm nay NXBGD Việt Nam đổi mới công nghệ, in bằng công nghệ cao và có thông báo rộng rãi đến khách hàng. Tuy nhiên, nhiều đầu sách vẫn bị in lậu.
Ông Vũ Bá Hòa, Phó tổng Giám đốc NXBGD Việt Nam than thở: “Sách in lậu ngày càng phức tạp, tinh vi. Trước đây, sách in lậu thường dễ nhận biết vì in nhòe nhoẹt, lem nhem do scan lại. Nay, cầm những cuốn sách in lậu đặt cạnh những cuốn sách thật, nhiều khi khó phân biệt, thậm chí… nhầm. Những chủ in lậu có đội ngũ chế bản lại bìa, đẹp và chuyên nghiệp như sách thật”.
Sách giả, hậu quả thật
Đại diện NXBGD cho biết: “Kẻ in, làm giả sách lậu tung ra những chiêu chiết khấu cao ngất ngưỡng tới 40% – 50%. Năm nay họ thêm một chiêu mới là in thẳng trên bìa sách lậu giá cao hơn sách thật tới 30%-40%, để rồi có cớ nói với khách hàng là giảm giá 40%”.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Thái Hà Books, bức xúc: “Một chiêu mới rất phổ biến của dân làm sách lậu là đẩy giá bìa lên cao gấp vài chục lần”. Chẳng hạn với ba cuốn sách giả Sống như Tiểu Cường, Nghe bố này, con gái! và Người Nam Châm giá bìa của sách giả cao gấp rưỡi sách thật.
Ví dụ như cuốn Sống như Tiểu Cường giả giá 85.000 đồng trong khi sách thật là 69.000 đồng; cuốn Nghe bố này, con gái! giả giá 40.000 đồng trong khi sách thật có giá 31.000 đồng… Ông Hùng bộc bạch: “Đã là làm lậu, in trộm, chúng không thể làm đàng hoàng nên rất nhiều chỗ gặp cảnh râu ông nọ cắm cằm bà kia. Những cuốn sách lậu sẽ không thể tồn tại lâu theo thời gian, vì chất lượng của sách không đảm bảo”.
Bà Nguyễn Lệ Chi, đại diện Công ty Sách Chibooks cũng băn khoăn: “Dường như sách chưa được coi trọng đúng mức ở nước ta và chưa được xác định là một sản phẩm đàng hoàng, xứng đáng được bảo vệ như các sản phẩm tiêu dùng khác như sữa, bột ngọt, ti vi, máy vi tính… Bởi một điều hiển nhiên, mặc dù nạn sách giả, sách lậu đã hoành hành nhiều năm qua, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho nhiều đơn vị xuất bản, nhưng vấn đề này vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.
Chống cách nào?
Một lãnh đạo ngành công an chia sẻ, cuộc chiến chống sách lậu không ít gian nan, do lực lượng còn mỏng, chế tài chưa mạnh nên chưa đủ sức răn đe những kẻ làm sách lậu. Nhiều quốc gia trên thế giới đã có chính sách tịch thu hàng lậu, hàng nhái và phạt cả những người dùng nó.
Theo ông Hùng, trong lúc đợi Nhà nước và các cơ quan chức năng có những biện pháp quyết liệt hơn, chính các nhà xuất bản và các công ty sách cần tự bảo vệ mình. Bảo vệ mình tức bảo vệ các tác giả, các đối tác và bạn đọc.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần áp dụng điều khoản bổ sung là thu hồi tang vật. Nên truy tận gốc kẻ làm sách lậu, bắt và tịch thu tang vật là những máy in. Cơ chế và khung xử phạt hành vi in và phát hành sách giả cần được đưa vào Bộ luật Hình sự mới đủ sức răn đe.
Ông cho rằng, hiện nay lực lượng in lậu đang thu lợi “tiết kiệm” được chi phí nhờ 4 không: không chi phí quản lý, không thuế, không tiền bản quyền, không nhuận bút… thì cuộc “chiến” không biết đến bao giờ mới kết thúc.
Nhiều biện pháp cũng đã được các đơn vị đề xuất tại hội nghị: Thường xuyên kiểm tra các cửa hàng sách, dẹp bỏ các chiếu sách vỉa hè và phạt nặng khi phát hiện. Ngoài sự tham gia của các cấp quản lý và khung hành lang pháp lý, các NXB, công ty phát hành sách cũng kêu gọi độc giả hưởng ứng các hoạt động chống sách lậu, kêu gọi bạn đọc không sử dụng sách và các ấn phẩm in lậu, vi phạm bản quyền.
Về lâu dài đây là một biện pháp hữu hiệu, bởi khi độc giả tẩy chay các sản phẩm sách in lậu thì các “đại gia” sách lậu dù có tiềm lực mạnh cũng sẽ không còn đất dụng võ.
Lê Linh