TPHCM đang đối mặt với những trận ngập nặng nề từ mưa và triều cường. Tại sao? Khi mà cách đây nhiều năm TPHCM đã từng tiến hành nhiều giải pháp chống ngập… Bài viết này không đề cập đến những giải pháp công trình làm cống thoát nước, đặt phay, làm đê ngăn triều… (vốn đã lạc hậu so với thực tế) mà chỉ tập trung vào những giải pháp mềm, được lồng ghép trong quy hoạch và xây dựng đô thị.
Vỉa hè lát gạch con sâu sẽ giúp nước thấm vào lòng đất nhanh. Ảnh: PHẠM CAO MINH
Gạch con sâu giúp vỉa hè thấm nước…
Không khó lắm để tìm lại dấu vết của gạch con sâu trên nhiều tuyến vỉa hè của TPHCM. Cứ đi trên vỉa hè đường Nguyễn Thị Minh Khai đoạn gần Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ hoặc đoạn gần Hội trường Thống Nhất hay vỉa hè đường Võ Thị Sáu đoạn gần với giao lộ Võ Thị Sáu - Phạm Ngọc Thạch… bạn sẽ thấy sót lại vài hàng gạch con sâu. Khoảng 10 năm trước đây, TPHCM đã dùng gạch con sâu để lót vỉa hè cho nhiều tuyến đường trong khu vực nội đô thành phố. Tuy nhiên, công việc đang tiến hành phải ngưng vì có ý kiến băn khoăn về chất lượng của loại gạch này, “liệu có phù hợp với vỉa hè TPHCM?”.
Khác với nhiều đô thị trên thế giới, vỉa hè TPHCM không chỉ dành cho người đi bộ mà xe gắn máy 2 bánh, thậm chí cả xe ô tô cũng có thể… đi trên đó. Gạch con sâu với đặc tính “tự chèn”, gắn kết không cần vữa kết dính (để tăng khả năng thấm nước) không chịu được sức nặng của xe cơ giới đã buộc phải nhường vỉa hè cho các loại vật liệu khác. Chưa hết, sau khi bị buộc phải ngưng sử dụng, không hiểu vì lý do gì nhiều đoạn vỉa hè đã được lót bằng gạch con sâu còn khá tốt cũng đã được bóc đi thay thế bằng gạch terrazzo hoặc granite. Một cán bộ của Sở Giao thông Vận tải TPHCM nhớ lại, đó là vào năm 2009, quận 1 đã đầu tư khoảng 100 tỷ đồng để “terrazzo và granite hóa” nhiều tuyến vỉa hè. Tất nhiên, quyết định này, đã ngay lập tức nhận được nhiều ý kiến phản đối gay gắt của dư luận.
Báo Sài Gòn Giải Phóng lúc ấy đã đăng không ít ý kiến góp ý của các chuyên gia. GS-TS Lê Huy Bá - một trong những giáo sư đầu ngành của thành phố về môi trường, đã cảnh báo, đổ bê tông để lót gạch terrazzo và granite sẽ khiến nước mưa không thấm được xuống đất. Nước chảy tràn trên đường sẽ gây ngập, còn phần đất phía dưới không được bổ sung nguồn nước ngầm sẽ có nguy cơ lún sụt. Nước mưa thấm vào lòng đất nhiều sẽ giúp cây cối phát triển, khí hậu mát mẻ… Ngược lại, nước chảy tràn trên bề mặt bê tông sẽ bốc hơi nhanh, khí hậu mau chóng trở nên nóng bức. Một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho khí hậu trong nội thành ngày một trở nên gay gắt hơn chính là hiện tượng bê tông hóa.
Lãnh đạo Hội Khoa học Kỹ thuật Xây dựng lúc đó cũng có ý kiến, bê tông hóa vỉa hè nói riêng và nhiều khu vực khác trên địa bàn TPHCM nói chung sẽ khiến cho toàn bộ lượng nước mưa đổ dồn xuống cống. Về lâu dài, khó có hệ thống cống nào chịu đựng nổi. TPHCM cần làm sao cho “nước mưa chui vào lòng đất càng nhiều càng tốt”. Sau những ý kiến góp ý của các chuyên gia, Báo Sài Gòn Giải Phóng còn đăng nhiều “hiến kế” của các nhà khoa học: để đáp ứng nhu cầu đi lại… trên vỉa hè của một số phương tiện giao thông, tại những khu vực đó, có thể sử dụng gạch có đổ bê tông để lót. Phần vỉa hè còn lại, dành cho người đi bộ nên tiếp tục sử dụng gạch con sâu, để tăng bề mặt thấm nước. Rất tiếc, không hiểu lý do gì, chủ trương rất đúng đắn của TPHCM trong việc tăng diện tích tiêu thoát nước mưa khi xây dựng vỉa hè đã bị ngưng… hoàn toàn.
Làm bồn hoa và quy hoạch khu Nam của… XOM
Khoảng 5 năm trước đây, TPHCM đã có một quyết định… được rất nhiều chuyên gia về môi trường tán thưởng. Đó là bóc một phần vỉa hè đã bị bê tông hóa, trồng hoa và cây kiểng. Còn nhớ, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Giao thông Vận tải cùng các quận, huyện đã có rất nhiều cuộc họp triển khai thực hiện chủ trương trên. Tuy nhiên, không hiểu sao, việc bóc một phần vỉa hè làm bồn hoa cũng chỉ được tiến hành trong thời gian ngắn, sau đó… im luôn. Không ít nhà khoa học lúc đó đã… ngạc nhiên vì hành động này tuy nhỏ nhưng hiệu quả của nó rất lớn. Bồn hoa trên vỉa hè, góc đường không những tạo thêm vẻ mỹ quan cho đô thị mà còn góp phần tăng diện tích đất, giúp nước mưa có thể thẩm thấu xuống đất, góp phần chống ngập cho thành phố.
Phát triển về hướng Nam cũng đã được TPHCM tính toán khá chặt chẽ. Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) - một trong những đơn vị được giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng nhiều công trình ở khu Nam TPHCM cho biết, TPHCM đã mạnh dạn chi gần 1 triệu USD để thuê tư vấn XOM (Mỹ) làm quy hoạch phát triển đô thị ở khu Nam. Theo quy hoạch này, đô thị ở khu Nam sẽ phát triển theo hướng sử dụng một phần đất để xây dựng, một phần không nhỏ diện tích đất ngập nước và các sông, kênh, rạch còn lại sẽ được bảo tồn gần với nguyên trạng để đảm bảo tiêu thoát nước không chỉ cho khu Nam mà còn cho cả TPHCM. Đồ án này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng ông Hoàng Minh Trí, Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM - khi còn làm Viện trưởng Viện Quy hoạch TPHCM đã trực tiếp tham gia làm đồ án quy hoạch, cho biết: “Hiện gần như không thấy dấu ấn của đồ án quy hoạch này trong sự hình thành của khu Nam. Đồ án quy hoạch của XOM là đồ án quy hoạch chung. Nếu chủ đầu tư nhiều dự án bất động sản ở khu Nam buộc phải căn cứ vào đồ án quy hoạch chung này để triển khai làm đồ án quy hoạch chi tiết cho dự án của mình thì diện mạo khu Nam có lẽ đã khác”.
Điểm qua vài sự kiện… rõ ràng, TPHCM đã từng có khá nhiều chủ trương quản lý đô thị, đưa công tác chống ngập vào quy hoạch, xây dựng một cách khá bài bản… Những giải pháp mà hiện nay không ít các nhà khoa học vẫn tiếp tục hiến kế cho thành phố trong công tác chống ngập. Không hiểu sao, chúng đã không được kiên trì đeo đuổi đến cùng.
| |
NGUYỄN KHOA