
Để làm rõ hơn về trách nhiệm đầu tư hệ thống điện tại các dự án khu dân cư mới, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Quốc Bảo (ảnh), Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực TPHCM.
PHÓNG VIÊN: Thưa ông, theo quy định thì việc đầu tư hạ tầng kỹ thuận điện tại các dự án nhà ở là trách nhiệm của chủ đầu tư hay ngành điện?

Ông PHẠM QUỐC BẢO: Tại khoản 3, Điều 13, Luật Kinh doanh bất động sản quy định trách nhiệm của chủ đầu tư các dự án bất động sản (BĐS) như sau: “Chỉ được phép bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng khi đã hoàn thành xong việc xây dựng nhà và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo dự án đã được phê duyệt, bảo đảm kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực; trường hợp bàn giao nhà, công trình xây dựng thô thì phải hoàn thiện toàn bộ phần mặt ngoài của nhà, công trình xây dựng đó”. Ngoài ra, khoản 3, Điều 17 của Nghị định số 11/2013 về quản lý đầu tư phát triển đô thị quy định nghĩa vụ của chủ đầu tư cấp 1 là: “Đầu tư xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đảm bảo đồng bộ với hệ thống hạ tầng khu vực xung quanh, phù hợp với tiến độ thực hiện dự án đã được phê duyệt”.
Như vậy, căn cứ theo các quy định hiện hành, thì việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, trong đó có điện của khu dân cư, đối với các dự án kinh doanh BĐS là trách nhiệm của chủ đầu tư. Ngành điện chịu trách nhiệm cấp điện đến chân hàng rào công trình theo quy định của Luật Điện lực. Nếu luật quy định ngành điện đầu tư thì mình phải đầu tư. Tổng công ty đã yêu cầu bên pháp chế nghiên cứu kỹ để còn những vướng mắc nào thì tháo gỡ tiếp. Hầu hết các dự án BĐS thương mại là đầu tư cao cấp, bán với giá cao cấp. Vì vậy việc đầu tư cho hệ thống điện cũng cao hơn chuẩn bình thường. Còn những dự án nhà ở xã hội, chung cư phục vụ người thu nhập thấp, ngành điện đầu tư toàn bộ.
Nhưng khi thực hiện bàn giao, nhiều chủ đầu tư phản ánh gặp khó khăn mặc dù tiền của họ bỏ ra đầu tư?
Theo Quyết định số 4073 ngày 31-12-2015 của Tổng Công ty Điện lực TPHCM về quy định tiếp nhận các công trình điện được đầu tư bằng nguồn vốn của chủ đầu tư, chỉ bao gồm: Văn bản của chủ đầu tư đề nghị bàn giao tài sản công trình điện cho ngành điện quản lý và không bồi hoàn kinh phí đầu tư; hồ sơ thiết kế hoặc hồ sơ hoàn công (nếu có). Thời gian tiếp nhận tài sản công trình điện do chủ đầu tư đề nghị bàn giao không quá 4 ngày làm việc, từ thời điểm khảo sát hiện trạng công trình điện theo đề nghị của chủ đầu tư đến khi hoàn tất việc ký Biên bản tiếp nhận và bàn giao tài sản. Việc bàn giao tài sản lưới điện này là không bắt buộc, các chủ đầu tư các dự án BĐS có thể giữ lại hệ thống điện để vận hành và cung cấp điện cho dự án, kinh doanh trên cơ sở đảm bảo các quy định hiện hành của Nhà nước về các điều kiện kinh doanh điện năng và an toàn điện.
Đối với việc các chủ DN phản ánh có sự tiêu cực trong công tác tiếp nhận bàn giao lưới điện, chúng tôi rất mong muốn nhận được sự phản ánh trực tiếp, cụ thể đối với các trường hợp nhân viên điện lực gây khó khăn để kịp thời kiểm tra và xử lý. Tổng Công ty Điện lực TP cam kết sẽ xử lý nghiêm khắc các hiện tượng tiêu cực nói trên. Đề nghị các chủ đầu tư hoặc khách hàng có thể phản ánh trực tiếp 24/24 giờ và 7 ngày trong tuần qua số tổng đài 1900.545454. Còn việc chủ đầu tư bàn giao công trình điện cho ngành điện quản lý là vì dự án đã bán cho khách hàng và họ không muốn dây dưa nữa. Và khi bàn giao thì ngành điện phải hạch toán tăng tài sản riêng để bảo trì, duy tu phần chủ đầu tư đã bàn giao. Ví dụ, sau này dân số tăng lên phải nâng cấp biến thế thì chính ngành điện chịu trách nhiệm đầu tư. Chỉ có vấn đề bức xúc là có tình trạng một vài nơi khi nghiệm thu thường khoán cho nhà thầu làm, một số tiêu chuẩn kỹ thuật không đáp ứng và yêu cầu làm lại nên dẫn đến sự chậm trễ. Để tránh tình trạng này, hiện nay tổng công ty giao cho các đơn vị chuyên môn tham gia với chủ đầu tư ngay từ đầu về hồ sơ thiết kế, giám sát…
Vì sao hệ thống điện là tài sản của DN BĐS bàn giao miễn phí cho ngành điện nhưng trên sổ sách lại được ghi nhận là tài sản của công ty điện lực? Vậy chi phí đầu tư này ngành điện có hạch toán để tính lại với ngân sách nhà nước hay không?
Theo văn bản số 83 ngày 25-9-1995 của UBND TPHCM thông báo về việc cung cấp điện cho các khu nhà ở tập thể, khu dân cư xây dựng mới thì Tổng Công ty Điện lực TP chịu trách nhiệm nhận bàn giao các công trình điện mà các chủ đầu tư đã hoàn chỉnh mạng điện hạ thế theo tiêu chuẩn kỹ thuật đúng quy định của ngành điện, nhằm góp phần giảm tổn thất về điện, đồng thời có trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa từ nguồn trích khấu hao hàng năm theo quy định.
Ngoài ra, theo văn bản 9072 ngày 12-7-2010 của Bộ Tài chính, ngành điện tiếp nhận phần giá trị tài sản lưới điện trung áp và hạ áp nhưng không phải hoàn trả cho chủ đầu tư, thì phần hạch toán tăng tài sản và tăng vốn ngân sách nhà nước phải trích khấu hao, giá trị khấu hao của tài sản bàn giao này phải được sử dụng để tái đầu tư các công trình điện. Ngành điện TP đã thực hiện đúng theo quy định của Bộ Tài chính. Như vậy, sau khi nhận bàn giao, ngành điện phải có trách nhiệm bảo quản, duy tu sữa chữa… chứ không đơn thuần là nhận bàn giao rồi để đó.
ĐỖ TRÀ GIANG (thực hiện)