Chủ động đối phó rủi ro lãi suất, tỷ giá

Chỉ số giá cả tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 11 có mức tăng 1,86% so với tháng 10-2010. Như vậy, cả năm CPI sẽ ở mức hai con số. Lạm phát cao không phải hoàn toàn do chính sách tiền tệ nhưng việc duy trì một mức lãi suất VNĐ cao như hiện nay là điều không thể tránh khỏi.
Chủ động đối phó rủi ro lãi suất, tỷ giá

Chỉ số giá cả tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 11 có mức tăng 1,86% so với tháng 10-2010. Như vậy, cả năm CPI sẽ ở mức hai con số. Lạm phát cao không phải hoàn toàn do chính sách tiền tệ nhưng việc duy trì một mức lãi suất VNĐ cao như hiện nay là điều không thể tránh khỏi.

  • Giải quyết vòng xoáy lạm phát, giá cả

CPI tháng 11 tăng mạnh là do một số nhóm ngành đã tăng rất mạnh như giá lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng tăng gần 13%, nhóm hàng hóa và dịch vụ giáo dục tăng 19%, giá vàng tăng 23,31%. Ngoài ra, tỷ giá tăng mạnh còn do sự biến động giá cả trên thị trường thế giới. Những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu dùng vật tư, hàng hóa tăng cao và biến động giá vàng và tỷ giá cũng tác động làm tăng giá cả thị trường. Như vậy có thể thấy căn bệnh lạm phát tăng cao hoàn toàn không phải do chính sách tiền tệ, tức không phải do tiền bơm ra quá nhiều. Điều cần triệt tiêu hiện nay là khi thấy CPI tăng cao người dân có tâm lý “tát nước theo mưa” đẩy giá hàng hóa lên cao.

Vì vậy, biện pháp chống lạm phát hữu hiệu là phải làm tốt việc kiểm soát giá cả, chống đầu cơ tăng giá và củng cố lòng tin của dân chúng. Riêng về chính sách tiền tệ, thời điểm hiện nay phải chấp nhận duy trì một mức lãi suất tương đối cao một thời gian để chống lạm phát và ổn định tỷ giá hối đoái. Bởi lẽ, khi một đồng tiền có lãi suất cao thì đồng tiền đó tăng giá, làm giảm áp lực về tỷ giá hối đoái. Lãi suất cao sẽ dẫn đến tiêu dùng và đầu tư ít đi, người dân sẽ gửi tiết kiệm nhiều hơn, giúp kiềm chế lạm phát và quan trọng là giúp nền kinh tế thoát khỏi vòng xoáy lạm phát cao đẩy tỷ giá tăng, tỷ giá tăng đẩy lạm phát cao.

Giải pháp tiền tệ duy nhất để chống lạm phát hiện nay là biện pháp tăng lãi suất. Không chỉ tăng lãi suất huy động và cho vay ở các NHTM mà đòi hỏi NHNN cũng phải tăng các loại lãi suất trên nghiệp vụ thị trường mở để ổn định lãi suất liên NH và đảm bảo thanh khoản cho các NHTM. Bởi lẽ nếu để lãi suất thấp trên thị trường mở sẽ dẫn đến tình trạng các NHTM lớn lợi dụng lợi thế tiếp cận dễ thị trường mở để vay vốn rẻ và cho các NHTM nhỏ vay lại với lãi suất cao. Điều này dẫn đến vốn rẻ trở thành không rẻ và khi đến tay doanh nghiệp vẫn cao.

Nếu không có cơ chế đặc thù cho phép NHNN bơm vốn rẻ đến một số NH cần vốn thì việc đưa mức lãi suất trên thị trường mở cao hơn sẽ triệt tiêu việc làm giá về lãi suất giữa các NHTM, tránh lãi suất liên NH tăng nóng như vừa qua. Thông qua việc tăng lãi suất trên thị trường mở, NHNN sẽ phát đi dấu hiệu thắt chặt tiền tệ nhưng sẵn sàng cung ứng vốn bảo đảm thanh khoản cho các NHTM nhỏ khi có nhu cầu.

Thời điểm hiện nay phải chấp nhận mức lãi suất cao. Ảnh: LÃ ANH

Thời điểm hiện nay phải chấp nhận mức lãi suất cao. Ảnh: LÃ ANH

  • Hệ quả thắt chặt tiền tệ

Các NHTM hiện nay huy động đầu vào 13-15%/năm thì đầu ra cho vay ít nhất 17-18%/năm, thậm chí 20-22%/năm. Với mức lãi suất cho vay này, tăng trưởng tín dụng rất khó và thực tế không chỉ các doanh nghiệp không mặn mà trong vay vốn mà các NHTM cũng không dám cho vay nhiều. Với tình hình thị trường hiện nay, các NHTM sẽ phải duy trì mức lãi suất huy động và cho vay cao cho đến sau Tết Nguyên đán mới có thể giảm xuống. Từ nay đến cuối năm cần chú ý và cẩn trọng phòng ngừa rủi ro lãi suất và hối đoái. Thứ nhất, với rủi ro lãi suất các NHTM hầu hết đều huy động vốn kỳ hạn ngắn, nếu có huy động vốn kỳ hạn dài đều cho phép khách hàng có thể rút vốn trước hạn.

Trong khi đó, từ đầu năm đến nay tỷ lệ dư nợ cho vay dài hạn từ 1 năm trở lên không phải nhỏ. Trong bối cảnh các NHTM nhỏ liên tục tăng lãi suất và áp dụng nhiều chiêu giành khách hàng tiền gửi, các NHTM có nguy cơ đối mặt rủi ro về kỳ hạn tài chính giữa tiền gửi và cho vay tăng lên khi khách hàng rút tiền chuyển sang NH khác gửi, hoặc rút vốn để mua USD hay vàng. Chưa kể, do yêu cầu thanh khoản, nhiều NHTM nhỏ chấp nhận huy động vốn lãi suất cao trong khi cho vay ra không được, nên hiệu quả kinh doanh thấp là vấn đề lớn các NHTM sẽ phải đối mặt.

Thứ hai, từ đầu năm đến nay không ít NHTM đẩy mạnh cho vay ngoại tệ thông qua mở các L/C xuất nhập khẩu cho khách hàng. Đối với khách hàng vay vốn là doanh nghiệp xuất khẩu thì không có vấn đề gì, nhưng riêng đối với các doanh nghiệp nhập khẩu là vấn đề lớn. Nếu thời điểm này các NHTM không đẩy mạnh quản lý rủi ro, kiểm soát tín dụng ngoại tệ và quản lý tài sản nợ, tài sản có tốt thì việc đối diện với rủi ro hối đoái có thể làm các NHTM rơi vào tình trạng nợ xấu tăng. Có thể thấy chấp nhận tăng lãi suất là chấp nhận tăng trưởng chậm, các NHTM có thể lỗ hoặc không lãi. Đó là cái giá của việc chống lạm phát trong bối cảnh hiện nay.

Tuy nhiên, điều trị căn bệnh lạm phát bằng lãi suất cũng không thể kéo dài mãi. Vì vậy, bên cạnh chính sách tiền tệ đòi hỏi Chính phủ phải đẩy mạnh thực hiện chính sách tài chính nghiêm ngặt, phải thắt chặt chi tiêu công. Lạm phát cao hiện nay một phần do hệ quả việc chi tiêu công cao và không hiệu quả. Ngoài ra, Chính phủ cần can thiệp mạnh vào thị trường ngoại tệ để đưa tỷ giá ổn định, góp phần kiểm soát giá cả? Và khi đó lãi suất mới có điều kiện giảm một cách căn cơ.

TS. Lê Xuân Nghĩa
PCT Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia

Tin cùng chuyên mục