Theo đó, trong tháng 8, thị trường hàng hóa thế giới có một số biến động, nguyên nhân chủ yếu liên quan đến tỷ giá (đồng USD giảm, đồng rupee tăng giá), căng thẳng chính trị gia tăng tại bán đảo Triều Tiên cũng tác động tới giá xăng dầu, sắt thép, dẫn đến thị trường trong nước cũng bị biến động đáng kể.
Trong nước, mưa bão đã ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của người dân ở nhiều địa phương. Các trận lũ quét tại các tỉnh miền núi phía Bắc gây thiệt hại lớn, phần nào tác động trực tiếp đến nguồn cung và giá cả một số mặt hàng lương thực - thực phẩm như rau quả, thịt heo…
Về tổng doanh thu bán lẻ và dịch vụ trong tháng 8 ước đạt 330.013 tỷ đồng, tăng 0,34% so với tháng 7. Tính chung 8 tháng, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 2.580.168 tỷ đồng, tăng 10,26% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, các nhóm lương thực - thực phẩm, may mặc, trang thiết bị dụng cụ gia đình… là những nhóm hỗ trợ cho mức tăng chung của tổng mức bán lẻ.
Từ thực tế trên, Tổ điều hành thị trường trong nước dự báo, trong tháng 9 và những tháng tiếp theo, thị trường tiếp tục có những biến động do tình hình mưa bão. Tuy nhiên, một số mặt hàng thiết yếu được chuẩn bị chu đáo và tương đối dồi dào về nguồn cung nên sẽ không có những biến động lớn.
Cụ thể, thị trường thép trong thời gian tới phụ thuộc nhiều vào diễn biến giá cả thế giới. Tuy nhiên, theo xu hướng đang diễn ra trên thị trường thế giới, từ nay đến cuối năm, giá thép sẽ không tăng đột biến, gây ảnh hưởng đến giá trong nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp (DN) thép cũng đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu cho nền kinh tế, không lo ngại thiếu hụt nguồn cung.
Đối với mặt hàng đường, nguồn cung trong nước hiện khá dồi dào do lượng tồn kho trong các DN đường ở niên vụ trước vào khoảng 500.000 tấn. Các DN cũng thực hiện đấu giá xong 89.500 tấn đường nên nguồn cung đường trong nước sẽ đảm bảo đủ cho các dịp như Trung thu, lễ, tết cuối năm…
Dù nguồn cung được dự báo khá dồi dào, nhưng để đảm bảo thị trường ổn định và không có biến động, Tổ điều hành thị trường trong nước có 3 kiến nghị gửi các các địa phương và bộ, ngành.
Thứ nhất, do đang trong mùa mưa lũ nên các địa phương cần có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng từ kinh phí phòng chống thiên tai. Trong trường hợp có khó khăn về nguồn hàng cần thông báo ngay cho Bộ Công thương để điều tiết hàng hóa kịp thời cho các vùng dân cư bị cô lập khi bị ngập lụt, đảm bảo nhu yếu phẩm cho người dân.
Thứ hai, chuẩn bị vào dịp cuối năm, nhu cầu hàng hóa bắt đầu tăng để phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng trong dịp lễ, tết. Do đó, các địa phương cần lên kế hoạch chỉ đạo các DN sản xuất, kinh doanh trên địa bàn có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, chủ động nguồn cung, tránh tăng giá cục bộ.
Thứ ba, các bộ ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc điều hành thị trường và giá cả các loại hàng hóa do Nhà nước quản lý, thực hiện tốt công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong dư luận xã hội với công tác điều hành, bình ổn thị trường hàng hóa.