
Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương vừa tổ chức đợt lấy ý kiến tại một số cấp ủy Đảng về dự thảo báo cáo đề tài “Một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, trở ngại khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra tổ chức Đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm (DHVP) của UBKT các cấp”. Nhiều ý kiến được đưa ra cho thấy một thực tế: công tác kiểm tra DHVP ở các cấp ủy Đảng địa phương, cơ sở lâu nay làm không hiệu quả do không hiểu đúng mục đích kiểm tra, ngại đụng chạm, dị ứng với từ “kiểm tra” hoặc chỉ tổ chức kiểm tra theo… phong trào.
Kiểm tra DHVP là... phát hiện sai phạm
Theo Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Văn Tư, tình hình sai phạm trong đảng viên và tổ chức Đảng dẫn đến phải thi hành kỷ luật trong 3 năm qua tại tỉnh Đồng Nai đã giảm từ 1,4% xuống còn 0,92%. Tuy nhiên, tỷ lệ đảng viên và tổ chức Đảng phát hiện có sai phạm khi tiến hành kiểm tra DHVP lại ở mức hơn 80%. Nhiều nơi, tỷ lệ này là 100%, có nghĩa DHVP khi đã “lộ” ra là coi như phát hiện sai phạm.

Các dự án, công trình nếu kiểm tra dấu hiệu vi phạm ngay từ đầu sẽ ngăn chặn được các sai phạm về sau. Ảnh: H. N.
Phân tích thực trạng này, Phó Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Đồng Nai Lê Văn Hùng, cho rằng: “Do nhiều nơi còn nể nang, né tránh, thấy DHVP đã không tiến hành kiểm tra mà để đến khi sai phạm rồi mới chịu làm. Như vậy, mục đích của kiểm tra DHVP là ngăn ngừa sai phạm đã không đạt được”.
Tại Cần Thơ, qua kiểm tra DHVP tại Ban Cán sự Đảng UBND TP, UBKT Thành ủy TP Cần Thơ đã kết luận, xử lý một loạt cán bộ sai phạm, trong đó có 2 Thành ủy viên. Có nơi kiểm tra 4 đồng chí trong cấp ủy thì phát hiện có 2 sai phạm.
Theo Phó Chủ nhiệm UBKT Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Thạnh, khó khăn nhất hiện nay khi tiến hành kiểm tra DHVP là ở cơ sở vì UBKT của cấp này không được thành lập đoàn, hoặc tổ kiểm tra DHVP. Khi phát hiện DHVP, UBKT cấp cơ sở phải kiến nghị lên cấp trên để tiến hành kiểm tra. Quy định này đã làm hạn chế tính kịp thời, hiệu quả và không phát huy được vai trò của UBKT cấp ủy cơ sở khi tiến hành kiểm tra đảng viên và cấp ủy cùng cấp có DHVP.
Một khía cạnh khác được UBKT Tỉnh ủy Bến Tre đặt ra: Việc kiểm tra DHVP nhiều nơi còn sợ đụng chạm và “dị ứng” khi tiến hành kiểm tra một cá nhân hay một tổ chức Đảng. Có nơi mới đề nghị kiểm tra DHVP, đã có ý kiến của lãnh đạo cấp trên cho rằng “Làm vậy đơn vị sẽ đi xuống và gây ảnh hưởng không tốt cho toàn cục (!?)”. Hay có đơn vị phát hiện một cán bộ do cấp ủy quản lý có DHVP, UBKT đặt vấn đề liền bị lãnh đạo đơn vị này gạt ngay và nói đã báo cáo lên trên rồi. Chính vì vậy, việc kiểm tra DHVP ở nhiều nơi không còn tác dụng ngăn chặn, phòng ngừa sai phạm, mà phần lớn sai phạm đã rõ rồi mới tiến hành kiểm tra DHVP.
Gắn giám sát đi đôi với kiểm tra DHVP
Theo Chủ nhiệm UBKT Thành ủy TPHCM Lê Hữu Đức, quy định UBKT các cấp hàng năm phải thực hiện kiểm tra đảng viên và tổ chức Đảng khi có DHVP mới được xét thi đua, đã tạo nên bệnh thành tích trong ngành kiểm tra Đảng. Do “chỉ tiêu” này mà có chuyện nhiều nơi cứ phải cố tìm cho được một vài trường hợp kiểm tra DHVP để báo lên trên, chứ không bị mất điểm. Hay muốn kiểm tra DHVP cùng cấp phải báo cáo lên cấp trên “xin chủ trương”, đã làm giảm hiệu lực và vai trò của công tác kiểm tra.
Từ thực tế trên, đồng chí Lê Hữu Đức kiến nghị: “Muốn kiểm tra DHVP, trước tiên phải tăng cường công tác giám sát. Giám sát thấy có DHVP là tiến hành kiểm tra ngay mà không cần phải báo cáo lên trên. Công tác giám sát phải gắn với kiểm tra DHVP và coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cấp ủy Đảng và UBKT các cấp”.
Một giải pháp khác được Phó Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Tây Ninh Diệp Thị Hiệp nêu ra, đó là cần mở rộng đối tượng và phạm vi kiểm tra DHVP. Các lĩnh vực như: quản lý các dự án đầu tư, quản lý đất đai, XDCB… khi thấy có DHVP là tiến hành kiểm tra ngay.
Kinh nghiệm thực tế tại tỉnh Tây Ninh cho thấy, nhiều trường hợp cán bộ, đảng viên giàu lên bất thường hoặc có nhiều nhà, đất…, đã không được xem là có DHVP. Đến khi phát hiện có “vấn đề” về công tác quản lý đất đai ở chỗ này, chỗ kia mới tiến hành kiểm tra, làm rõ thì phát hiện hàng trăm trường hợp sai phạm, trong đó có nhiều trường hợp phải xử lý bằng pháp luật. Chính vì vậy, theo đại diện UBKT Tỉnh ủy Tây Ninh, giám sát mà làm kỹ ngay từ đầu sẽ sớm phát hiện DHVP để chấn chỉnh đảng viên và tổ chức Đảng, không để DHVP đã rõ mới kiểm tra, xử lý.
Đề xuất cho giải pháp tổng thể nhằm tháo gỡ những khó khăn, trở ngại khi tiến hành kiểm tra đảng viên và tổ chức Đảng có DHVP, theo Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương Lê Hồng Liêm, các cấp ủy Đảng cần nắm vững tình hình và chủ động giám sát, kiểm tra, nhất là đối với tổ chức Đảng và cấp ủy cùng cấp khi có DHVP; đẩy mạnh tuyên truyền nhiệm vụ giám sát, kiểm tra trong từng đảng bộ và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí nhằm sớm phát hiện và ngăn chặn kịp thời DHVP.
“Phải coi báo chí là một trong những kênh thông tin, giải pháp quan trọng để tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, phát hiện tiêu cực, tham nhũng trong đảng viên và tổ chức Đảng” – Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương Lê Hồng Liêm, đúc kết.
HOÀI NAM