Chủ động phòng chống dịch bệnh do cúm A(H7N9)

Ngày 6-2, Bộ Y tế có công điện gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống và sẵn sàng ứng phó dịch bệnh do cúm A(H7N9) và các chủng virus cúm từ gia cầm lây sang người.

(SGGP).- Ngày 6-2, Bộ Y tế có công điện gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống và sẵn sàng ứng phó dịch bệnh do cúm A(H7N9) và các chủng virus cúm từ gia cầm lây sang người.

Bộ Y tế cho biết, hiện nay nguy cơ dịch bệnh cúm lây truyền từ gia cầm sang người diễn biến phức tạp, gia tăng đột biến tại Trung Quốc và có nguy cơ rất lớn xâm nhập vào nước ta. Đồng thời dịch cúm A(H5N1) có nguy cơ bùng phát trở lại tại các địa phương. Tại Việt Nam, hiện chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A(H7N9) trên người và gia cầm. Tuy nhiên trong tháng 1-2014, cả nước đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong do cúm A(H5N1) tại tỉnh Bình Phước và Đồng Tháp. Cả hai trường hợp này đều có tiền sử tiếp xúc với gia cầm bệnh.

Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường giám sát dịch bệnh cúm A(H7N9), cúm A(H10N8), cúm A(H6N1) và cúm A(H5N1) tại các cửa khẩu và tại cộng đồng; mở rộng việc thu thập các mẫu bệnh phẩm từ các trường hợp viêm phổi nặng nghi do virus tại các bệnh viện, đặc biệt các trường hợp có tiền sử đi về từ khu vực có dịch hoặc tiếp xúc với gia cầm. Nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ, tổ chức thu dung điều trị, cách ly sớm, cấp cứu kịp thời không để xảy ra tử vong và triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan rộng, kéo dài. Đồng thời, thông qua giám sát chủ động theo dõi sự biến chủng của virus cúm gia cầm lây bệnh sang người.

Khuyến cáo mạnh mẽ người dân không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc; không ăn tiết canh và sử dụng các sản phẩm chưa được chế biến hợp vệ sinh. Đẩy mạnh công tác kiểm tra liên ngành, thực hiện điều tra ngăn chặn và bắt giữ gia cầm nhập lậu qua biên giới, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không để hiện tượng buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường, đặc biệt gia cầm tại các chợ đầu mối.

* Bộ Y tế cũng cho biết, trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014, số người nhập viện khám chữa bệnh, cấp cứu, tai nạn giao thông (TNGT) và tai nạn pháo nổ đều tăng mạnh so với Tết Quý Tỵ năm 2013. Cùng với đó, dịch bệnh trên người tiếp tục có diễn biến phức tạp với dịch cúm và sởi.

Liên quan tới tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên người, TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (YTDP) cho biết, ngoài việc ghi nhận thêm 1 ca tử vong do cúm A/H5N1, cả nước không ghi nhận trường hợp nào mắc hay nghi nhiễm virus cúm A/H7N9. Tuy nhiên dịch sởi và sốt phát ban nghi sởi đã bùng phát tại Yên Bái và Sơn La.

Tại Yên Bái, BS Lê Thị Hồng Vân, Giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh, cho biết, ổ dịch sởi xuất hiện tại xã Cát Thịnh (huyện Văn Chấn) đã làm một trẻ 3 tuổi tử vong vào ngày 30 Tết và gần 90 người bị lây nhiễm. Sáng mùng 1 Tết, các cán bộ y tế của Trung tâm YTDP tỉnh Yên Bái và Trung tâm YTDP huyện Văn Chấn đã tiêm phòng vaccine ngừa sởi cho hơn 2.000 trẻ em 1-15 tuổi của xã Cát Thịnh. Tính đến ngày 6-2, hầu hết trường hợp mắc sởi ở xã Cát Thịnh đã ổn định hồi phục sức khỏe và hiện chỉ còn 20 ca bệnh đang điều trị tại bệnh viện huyện Văn Chấn.

Còn tại Sơn La, BS Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh, cho biết dịch sởi bùng phát trên địa bàn huyện Mường La tập trung ở các xã Chiềng Ân, Ngọc Chiến, Mường Bú, Mường Chùm làm 87 người mắc. Tuy nhiên do kịp thời triển khai các biện pháp khoanh vùng khống chế dịch, tiêm vaccine sởi cho trẻ nhỏ, phân loại điều trị nên số ca mắc mới đã giảm đáng kể và không để xảy ra trường hợp tử vong nào.

TRUNG PHAN - QUỐC LẬP


  • TPHCM xuất hiện rải rác bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng

(SGGP).- Ngày 6-2, Sở Y tế TPHCM có báo cáo gửi Bộ Y tế và UBND TPHCM về tình hình công tác y tế trong những ngày qua. Theo đó, chỉ trong 2 ngày 4 và 5-2, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM ghi nhận 1 ca mắc bệnh tay chân miệng tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi; 2 ca bệnh sốt xuất huyết tại phường Tam Bình, quận Thủ Đức và phường 22 quận Bình Thạnh; 1 ca bệnh thủy đậu tại phường Linh Trung, Thủ Đức. Những trường hợp sau khi phát hiện, được xử lý theo quy trình chống dịch, giám sát, điều tra ổ dịch, tuyên truyền cho nhân dân vệ sinh môi trường và xử lý các ổ lăng quăng.

Riêng tai nạn do pháo, Bệnh viện quận 8 tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Hoàng Q. (17 tuổi, ở đường Phạm Thế Hiển, phường 6 quận 8) nhập viện do chấn thương, sau đó các bác sĩ khám cho toa về. Cũng do tai nạn pháo bị sát thương, bệnh nhân Đỗ Thị Thu Th. (24 tuổi) được bệnh viện ở Đắk Lắk chuyển đến Bệnh viện Mắt TPHCM, sau 5 ngày điều trị, hiện vẫn đang được bác sĩ theo dõi.

TRƯƠNG NGỌC

Tin cùng chuyên mục