
Cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ với các tỉnh - thành cả nước vừa diễn ra tại TPHCM đã đánh giá công tác phòng chống lụt bão năm 2005 - thể hiện sự sáng tạo và là điểm mới trong điều hành (khi xảy ra cơn bão số 7 đã tổ chức sơ tán hàng ngàn người dân trong vùng bị ảnh hưởng, nhờ đó hạn chế mức thiệt hại.

Do mưa muộn, nông dân nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long phải gieo sạ lại 2-3 lần. Ảnh: CAO PHONG
Tuy nhiên Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương (PCLBTƯ) đánh giá: Thiên tai ngày càng khắc nghiệt hơn, trong khi nguồn lực còn hạn chế, nên dù có sự cố gắng rất lớn trong chỉ đạo đối phó, thì thiệt hại do thiên tai gây ra vẫn lớn, nhất là về số người chết (397 người), thiệt hại ước tính trên 5.200 tỷ đồng (gần 355 triệu USD). Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Trưởng Ban Chỉ đạo PCLBTƯ, Lê Huy Ngọ nhấn mạnh.
Năm 2005, thiên tai ở Việt Nam diễn biến phức tạp hơn, xảy ra với tất cả các loại hình, liên tục, dồn đập và bất thường, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, công trình hạ tầng. Giá rét những tháng đầu năm ở các tỉnh phía Bắc. Nắng nóng, hạn hán xảy ra nghiêm trọng, kéo dài và trên diện rộng ở miền Trung, Tây Nguyên, các tỉnh phía Bắc. Gió, lốc xoáy, mưa đá xảy ra ở 22 tỉnh, TP. Bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện sớm, nhiều và cường độ mạnh hơn, lũ các sông miền Trung xảy ra nhiều trận, có 3 trận xảy ra liên tiếp hoặc xuất hiện muộn. Rồi lũ quét, sạt lở đất...
- Điều này có thể nói là thảm họa ?
- Thế giới cho rằng năm 2005 là năm của thảm họạ, do con người làm biến dạng tự nhiên, nên khí hậu toàn cầu bị thay đổi, gây ra sóng thần (vùng Đông Nam Á, Nam Á… ), động đất (Pakistan, Ấn Độ ), cơn bão Katrina (Mỹ). Đối với chúng ta, năm 2005 chưa phải là thảm họa do mức độ thiên tai gây ra và khả năng tổ chức ứng phó. Nhưng nếu khi đối phó cơn bão số 7 chúng ta làm không tốt việc bảo vệ đê biển ở Nam Định, Thanh Hóa và sơ tán, hàng chục vạn người thì sẽ khó nói điều gì có thể xảy ra.
- Có ý kiến cho rằng cơn bão số 7 chúng ta làm tốt việc phòng chống và bảo vệ người dân vùng ven biển (tổ chức di tản…), nhưng lại bị “hở sườn” vùng núi?
- Nói thế chỉ đúng một phần, do chúng ta chưa đủ khả năng dự báo chi tiết đến từng địa bàn. Dù trong tất cả các thông báo, Ban Chỉ đạo PCLBTƯ đều lưu ý nguy cơ xảy ra lũ quét khi có mưa to ở vùng núi, nhưng chưa thể chỉ ra địa chỉ cụ thể, nên khi xảy ra không kịp đối phó mà Yên Bái là một bài học. Một vấn đề lớn cần nghiên cứu thời gian tới là làm thế nào dự báo được lũ quét và tổ chức hệ thống cảnh báo cơ sở và cứu hộ, cứu nạn cơ sở. Vì lũ quét xảy ra ở diện hẹp. Huyện chỉ đạo, xã đối phó. Khác với bão, Trung ương chỉ đạo, tỉnh đối phó.
- Hiện nay cả nước đang xảy ra tình trạng trái ngược nhau: Các tỉnh miền Bắc bị khô hạn, hệ thống các sông bị cạn khá sớm, còn vùng đồng bằng sông Cửu Long lại bị mưa muộn kéo dài, miền Trung thì bị lũ muộn…
- Khô hạn đầu vụ ở miền Bắc không phải là chuyện lần đầu, nhưng điều đáng nói là năm nay lại xảy ra ở tất cả hệ thống các sông lớn. Như hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, sông Mã, sông Chu… Điều đó báo động khô hạn năm 2006 sẽ nghiêm trọng và xảy ra trên diện rộng ở khu vực này. Mưa chấm dứt muộn ở ĐBSCL ảnh hưởng lớn đến tiến độ gieo sạ vụ đông xuân. Miền Trung mưa và lũ muộn ảnh hưởng đến sản xuất, Tây Nguyên bị ảnh hưởng đến cây công nghiệp, nhất là cà phê.
Nhưng trong năm 2006 còn phải quan tâm khả năng xâm mặn, bão và đặc biệt là lũ quét và sạt lở do luôn xảy ra bất ngờ. Vì vậy, phải lấy chủ động phòng tránh làm phương châm, nâng cao khả năng tổ chức lực lượng xử lý tại chỗ, cứu hộ, cứu nạn, nâng cao ý thức cộng đồng. Bên cạnh đó là củng cố hệ thống đê điều, nâng cấp hệ thống dự báo.
- Nhưng như đã nói, khả năng dự báo cục bộ còn hạn chế do thiếu trang thiết bị?
- Vì vậy, đầu tư trang thiết bị là một trong những ưu tiên để nâng cao hơn nữa khả năng dự báo, nhất là về lũ; không chỉ trên sông lớn (hệ thống sông Cửu Long, sông Hồng, sông Mã, sông Cả, sông Đồng Nai…) mà cả trên những sông nhỏ, trên từng địa bàn, để dân trong vùng có thông tin. Mạng lưới dự báo ở biển dù chưa đầy đủ, nhưng còn trông cậy vào dự báo của Mỹ, Nhật, Hông Kông nên có thể theo dõi bước đi cơn bão, áp thấp nhiệt đới; riêng dự báo trên sông nhỏ phục vụ cảnh báo cho từng tỉnh vẫn chưa có là điều mà chúng ta phải sớm khắc phục.
- Xin cảm ơn Trưởng Ban Chỉ đạo PCLBTƯ.
CÔNG PHIÊN