Nguy hiểm, dễ lây nhiễm
Sau khi sinh con thứ hai, chị N.T.N. (39 tuổi, công nhân ở Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) và con đều bị viêm gan B. Do không có điều kiện và mải lo công việc nên chị N. không theo dõi, điều trị bệnh liên tục. Lần này, chị N. mang thai đứa con thứ 3, đến tuần thai thứ 25 thì xuất hiện các dấu hiệu vàng da, vàng mắt, chán ăn và khó tiêu, mệt mỏi. Chị N. được đưa đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương và được chẩn đoán suy gan cấp, đe dọa tính mạng cả 2 mẹ con nên được chuyển đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai.
Kết quả xét nghiệm cho thấy, chị N. bị suy gan nặng, chức năng gan chỉ còn 32%, men gan tăng gần 50 lần so với mức giới hạn cho phép. Đến tuần thai thứ 31, chị N. có dấu hiệu chuyển dạ nên đã được can thiệp kịp thời, đỡ đẻ thành công bé gái nặng 1,7kg. Tuy nhiên, vì sinh non và mẹ bị suy gan cấp nên hiện em bé vẫn được chăm sóc trong lồng kính tại Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh (cơ sở Kim Chung), thông tin, các bác sĩ của bệnh viện thường xuyên phát hiện nhiều trường hợp cả gia đình bị viêm gan B, thậm chí vừa mắc viêm gan, vừa bị u gan. Đáng lo ngại hơn, không ít bệnh nhân bị u gan còn rất trẻ. Bác sĩ Huyền cũng cho biết, bệnh nhân viêm gan ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng rõ ràng, nên chỉ sàng lọc, xét nghiệm máu mới có thể phát hiện được bệnh. Hoặc trường hợp trong gia đình có người mắc viêm gan thì các thành viên khác cần phải xét nghiệm, sàng lọc ngay. Những người đã bị viêm gan thì cần được đưa vào diện quản lý điều trị vì viêm gan ủ bệnh lâu dài, nếu không phát hiện sớm rất dễ lây lan cho người khác.
Nhiều tiến bộ về điều trị, dự phòng
Các số liệu từ Bộ Y tế cho thấy, hiện cả nước có trên 7,8 triệu người bị viêm gan B, khoảng 1 triệu người bị viêm gan C; và viêm gan virus là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 tại nước ta. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam đứng thứ 5 trên toàn cầu về tỷ lệ tử vong do ung thư gan. Liên quan tới việc điều trị viêm gan virus, theo TS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), hiện nay, viêm gan B đã có thuốc điều trị và vaccine phòng bệnh được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng. Việc điều trị viêm gan B bằng thuốc kháng virus có hiệu quả cao, làm chậm tiến triển dẫn đến xơ gan, giảm tỷ lệ mắc ung thư gan và cải thiện tỷ lệ sống kéo dài. Đối với viêm gan C, dù chưa có vaccine dự phòng nhưng việc điều trị cũng có những tiến bộ vượt bậc, có thể điều trị khỏi trong vòng 3-6 tháng.
Hiện nay, thuốc điều trị viêm gan B đã được BHYT chi trả như các thuốc điều trị khác, và phổ biến từ tuyến huyện trở lên. Thuốc kháng virus trực tiếp điều trị viêm gan C đã được BHYT thanh toán mức 50% tại tuyến tỉnh và trung ương. Bên cạnh đó, cơ sở y tế từ tuyến tỉnh trở lên đã có khả năng tiếp cận xét nghiệm tải lượng virus để chỉ định điều trị cho người bệnh. Cục Quản lý khám chữa bệnh và các đơn vị liên quan đang xây dựng chính sách nhằm giảm chi phí điều trị cho người bệnh viêm gan B, C và để người bệnh có thể tiếp cận với các loại thuốc mới có hiệu quả cao, nhanh chóng được chữa khỏi bệnh.
Đặc điểm của bệnh viêm gan là diễn biến thầm lặng, kéo dài và để lại hậu quả rất nghiêm trọng, vì vậy nên chủ động phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này. Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế khuyến cáo, tiêm vaccine phòng viêm gan B là biện pháp phòng bệnh hiệu quả và nên tiêm càng sớm càng tốt; cần tiêm cho tất cả trẻ em trong vòng 24 giờ sau sinh. Phụ nữ trước và sau khi có thai cần được khám sàng lọc, kiểm tra xem có nhiễm virus viêm gan B hay không để được điều trị kịp thời, tránh lây sang cho con. Người dân nên khám sức khỏe định kỳ, siêu âm gan 6 tháng/lần, đặc biệt là những người có yếu tố nguy cơ cao như: xơ gan, viêm gan mạn tính do rượu, viêm gan B, C. Cùng với đó, cần hạn chế hoặc bỏ bia, rượu, thuốc lá, đặc biệt đối với những bệnh nhân có xơ gan, viêm gan virus. |