Chủ động thích ứng, đối phó thiên tai

Những trận lũ lịch sử hoành hành tại Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, Philippines và Lào đã cướp đi sinh mạng của hơn 700 người và gây thiệt hại hàng tỷ USD. Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Nassir Abdulaziz Al-Nasser cho biết cải thiện khả năng phòng chống thiên tai và đối phó tốt với những thảm họa thiên nhiên là một trong những trọng tâm của khóa họp thứ 66 của Đại hội đồng LHQ. Chủ tịch Đại hội đồng LHQ kêu gọi tất cả các nước thành viên nâng cao khả năng của cộng đồng trong việc chung sống với thiên tai.

Hiệp hội Chữ thập đỏ – Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) cho biết các nước Đông Nam Á phải làm nhiều việc hơn nữa để có thể chống chọi tốt hơn với lũ. Trận lũ lịch sử tại Thái Lan kéo dài đã 3 tuần qua, ảnh hưởng đến 2/3 diện tích nước này làm 315 người chết, trên 2 triệu người phải sơ tán, thiệt hại kinh tế ước tính khoảng 6 tỷ USD. Tại Campuchia, lũ từ tháng 7 tới nay đã làm 247 người chết và hơn 1 triệu người bị ảnh hưởng.

Người nghèo luôn là thành phần nhận hậu quả nhiều nhất từ thiên tai. Nhiều ý kiến tại Thái Lan cho rằng chính phủ quá tập trung lo cho dân ở thủ đô Bangkok mà quên đi người nghèo ở các vùng thôn quê. Sắp tới, ngoài việc bị mất mùa, mất công ăn việc làm, mất nhà cửa, họ phải đối mặt với bệnh tật và thiếu thốn mọi bề. Ước tính chỉ riêng giá gạo tại Thái Lan sẽ tăng 19% trong thời gian sắp tới do lũ và do nhà nước tăng dự trữ.

Phát biểu trên Đài Phát thanh Kết nối châu Á của Australia, thuộc Văn phòng IFRC khu vực Đông Nam Á ông Matthew Cochrane cho rằng IFRC có thể trợ giúp nhân đạo về thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh nhưng điều cần thảo luận là phải thay đổi toàn bộ cách ứng phó với các thảm họa thiên nhiên.

Cụ thể là các chính phủ nên tập trung nhiều hơn vào việc phòng chống thiên tai, giúp người dân đủ mạnh để đương đầu với thiên tai hơn là tìm cách khắc phục sau khi thiên tai đã xảy ra. Theo ông Jerry Velasquez, điều phối viên khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Nghiên cứu quốc tế giảm nhẹ thiên tai trực thuộc LHQ, về lâu dài, những nước như Thái Lan cần có một cơ chế hiệu quả ứng phó với thiên tai, nhất là lũ.

Theo ông, điều đáng nói là hiện nay ở Thái Lan có tới 8 viện nghiên cứu về nước nhưng họ không phối hợp hiệu quả. Những nước khác cũng vậy. “Theo tôi, vấn đề chính là không có một cơ cấu điều hành hiệu quả đối phó với thiên tai”, ông Jerry Velasquez nói.

Cũng theo các chuyên gia, trận lũ tại Thái Lan hiện nay chưa phải là lớn nhất mà trong tương lai sẽ còn những trận lớn hơn. Giải pháp di dời cộng đồng dân nghèo khỏi các khu vực có nguy cơ lũ đang được xem là khả thi nhưng đòi hỏi có thời gian và nguồn lực.

Nhận thức được rằng khu vực Đông Nam Á là một trong những khu vực bị thiên tai nhiều nhất thế giới, đặc biệt là bão lũ, Phó Tổng thư ký LHQ Noeleen Heyzer cho biết 20 cơ quan trực thuộc LHQ đang cùng phối hợp với ASEAN để xây dựng một chương trình thích ứng với thiên tai thông qua Kế hoạch hợp tác chiến lược về quản lý thiên tai giai đoạn 2011-2015. 

KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục