Ngày 15-3, hàng ngàn người tiến về quảng trường Assad tại trung tâm thành phố Daraa ở phía Nam Syria, mở màn chuỗi biểu tình phản đối chính phủ nước này. Ảnh hưởng từ Trung Đông, kể từ đó làn sóng biểu tình thành bạo loạn ở Syria không hề thuyên giảm mà trái lại, ngày càng đẫm máu.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải đối mặt với tình thế phải dập tắt biểu tình bằng bạo lực hoặc nhượng bộ. 6 tháng sau, ngày 15-9, tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), phe nổi dậy công bố danh sách 140 thành viên Hội đồng Dân tộc Syria (SNC), sẽ điều phối lực lượng này đến khi Tổng thống Assad bị lật đổ, báo hiệu xung đột chưa có hồi kết.
“Trong nửa năm, quốc gia đã bị phân đôi”. Đó là lời tóm tắt về tình hình Syria của nhà nghiên cứu về khu vực Địa Trung Hải và Trung Đông Fabrice Ballanche trên báo Le Monde (Pháp). Biểu tình và đàn áp vẫn diễn ra gần như hàng ngày.
Thực tế, ngay từ trung tuần tháng 4, chính phủ Syria đã công bố các cải cách khiêm tốn: dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, chấp nhận vài điều khoản tự do dân sự, giảm bớt quyền của cảnh sát và tòa án. Tuy nhiên, điều mà phe nổi dậy mong muốn là cải cách chính trị lại không diễn ra. Dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp không ngăn được cái chết của 2.600 người. Chính phủ cũng không sửa đổi điều 8 trong Hiến pháp, theo đó quy định quyền lực tối cao của đảng Baas cầm quyền.
Chính quyền Syria đang gần như bị cô lập trong khu vực khi Thổ Nhĩ Kỳ, nước vốn có quan hệ quân sự và thương mại chặt chẽ với Syria, lại quay ra chỉ trích kịch liệt chế độ của ông Assad. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan thực chất đã kêu gọi đối thoại với phe nổi dậy từ hồi tháng 3.
Tháng 6, ông tiếp nhận hàng ngàn người Syria tỵ nạn. Tháng 8, ông Erdogen yêu cầu chấm dứt trả đũa người biểu tình và kể từ đó bóng gió ủng hộ chính phủ do phe đối lập Syria dựng lên. Kể cả Iran, đồng minh thân cận từ 30 năm nay gần đây cũng đã kêu gọi đối thoại trực tiếp.
Các chuyên gia nhận xét tình trạng của Syria gần như một cuộc nội chiến. Trong chế độ của ông Assad đang tồn tại 2 điểm yếu.
Thứ nhất là quân đội, hiện tại chỉ còn Lữ đoàn 4 do anh trai ông Assad là Maher ủng hộ đàn áp biểu tình. Tuy nhiên, binh sĩ đa số là dân tộc thiểu số Alawite (gia tộc Assad là dòng Alawite), trong khi lính của các trung đoàn khác lại thuộc dòng Sunni.
Thứ hai, đa phần người ủng hộ ông Assad đều là tầng lớp trung lưu, vốn gặp khó khăn về tài lực do kinh tế Syria đang bị phương Tây cô lập.
Trước khi biểu tình nổ ra, Syria có mối quan hệ tốt với Mỹ, Anh, Pháp… Theo những gì công bố thì các nước này chưa dự định can thiệp quân sự vào Syria, khi mà chiến dịch tại Libya kéo dài hơn dự kiến đã khiến nhiều thành viên NATO nản lòng.
Và dù Syria đang bị cô lập nhưng các nước láng giềng và những thế lực khác trên thế giới đều không muốn nước này rơi vào bất ổn do có nhiều mối ràng buộc về đường biên giới, tôn giáo, sắc tộc.
Nói như ông Frédéric Pichon, một chuyên gia nghiên cứu về Syria, chỉ còn 2 kịch bản cho Syria. Đầu tiên là cộng đồng quốc tế sẽ can thiệp thô bạo vào nước này như Libya, nhưng điều này khó xảy ra vì những lý do trên.
Kịch bản còn lại, đẫm máu hơn và diễn ra chậm hơn là chính quyền Assad trấn áp biểu tình thành công. Như thế, Syria chính thức rơi vào chu kỳ bạo lực.
THANH HẢI