Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế: “Doanh nghiệp cho rằng, nhiều quy định mới về phòng cháy, chữa cháy vượt cả nước phát triển”

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc trong quy định về phòng cháy, chữa cháy để các doanh nghiệp sớm hoàn thiện thủ tục đưa các dự án mới vào hoạt động.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra về kinh tế - xã hội. Ảnh: VIẾT CHUNG
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra về kinh tế - xã hội. Ảnh: VIẾT CHUNG

Trình bày báo cáo thẩm tra về kinh tế - xã hội tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng nay 9-5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, thời gian qua, có rất nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn, dừng hoạt động, đóng cửa sau khi các quy định mới về tiêu chuẩn, tiêu chí phòng cháy, chữa cháy được ban hành và có hiệu lực.

Đại biểu dự họp

Đại biểu dự họp

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ: "Các doanh nghiệp cho rằng, nhiều quy định mới về phòng cháy, chữa cháy vượt cả nước phát triển và chưa đến tính khả thi khi áp dụng tại Việt Nam làm gia tăng thời gian, thủ tục và chi phí tuân thủ”.

Cụ thể, theo Ủy ban Kinh tế, nhiều công trình đã được đầu tư theo phương án cũ bảo đảm quy định tại Nghị định số 97/2014/NĐ-CP, có kết cấu bê tông chắc chắn, hoặc thi công hết phần đất xây dựng, nay nếu thẩm định để tuân thủ những quy định mới được ban hành tại Nghị định số 136/2020/NĐ-CP sẽ phát sinh nhiều vướng mắc: phải chỉnh sửa cả kết cấu công trình có thể làm suy giảm tuổi thọ. Hoặc việc lắp thêm những đường ống dẫn nước để giúp khả năng dập tắt đám cháy khi xảy ra hỏa hoạn cũng cần đục bê tông để dẫn ống nước vào từng tầng, từng phòng trong căn nhà - không chỉ làm suy yếu kết cấu mà còn gia tăng chi phí xây dựng…

Cùng với đó, nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn mới về phòng cháy chữa cháy được ban hành không phân biệt được quy mô dự án, tính chất công trình, khó thực hiện trên thực tế quy định yêu cầu sử dụng vật liệu chống cháy, sơn chống cháy chưa được cấp phép trên thị trường Việt Nam. Chính vì không nghiệm thu được công trình mới và sẽ có hàng nghìn doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh sẽ phải đóng cửa.

Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Theo Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng), QCVN 06:2022 có hiệu lực từ ngày 16-1, đến nay "chưa có công trình nào đưa vào hoạt động”.

Trước thực tế này, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ có báo cáo đánh giá thêm; tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc đối với các quy định về phòng cháy, chữa cháy cho phù hợp với thực tiễn hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, để các doanh nghiệp sớm hoàn thiện các thủ tục, đưa các dự án mới vào hoạt động. Đồng thời, xem xét nghiên cứu, sửa đổi các quy định về thẩm định, kiểm tra công tác nghiệm thu đối với dự án đầu tư xây dựng…

Tin cùng chuyên mục