Sáng 8-6, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển đã trao đổi với báo giới vấn đề khiến ông trăn trở nhất liên quan đến Đề án tái cơ cấu nền kinh tế.
Tìm nguồn lực tổng hòa
Ông Phùng Quốc Hiển cho biết: Đề án tái cơ cấu của Chính phủ chưa chỉ ra được là sử dụng nguồn lực nào để tái cơ cấu. Có nguồn lực hiện đã sẵn có trong nền kinh tế rồi, nhưng cũng có nguồn lực trong tương lai. Nguồn lực đề cập ở đây là nguồn lực tổng hòa. Không thể không nói tới nguồn lực về mặt tài chính, nhưng bên cạnh đó còn là vị thế của đất nước, các thương hiệu của các thành phần kinh tế, nguồn lực từ tài nguyên của đất nước, từ lực lượng lao động, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, công nhân lành nghề.
Về việc chưa có đạo luật chính thức nào để có thể điều chỉnh hoạt động tái đầu tư công, tái cấu trúc nền kinh tế một cách hiệu quả, ông Phùng Quốc Hiển nói: “Đầu tư công chiếm tỷ trọng lớn trong tổng mức đầu tư của toàn xã hội, nhưng xu thế là phải giảm dần, để lại nhiều dư địa cho các thành phần kinh tế khác ở các lĩnh vực mà thành phần kinh tế khác có thế mạnh. Mặc dù đã có những luật liên quan nhưng tôi cho là nên sớm có Luật Đầu tư công, nhằm đưa ra những nguyên tắc, tiêu chí rất cụ thể để đánh giá hiệu quả đầu tư công. Ngoài ra, có thể còn có đạo luật mua sắm công trong bối cảnh mua sắm công nhiều, lượng tiền rất lớn. Có ý kiến cho rằng phải có chương riêng, thậm chí có đạo luật riêng về đầu tư, mua sắm ở các doanh nghiệp nhà nước (DNNN)”.
Phải có bước đi hợp lý
Trả lời câu hỏi: Để quản lý phân cấp nguồn vốn hiệu quả, cần giám sát, quản lý như thế nào, ông Phùng Quốc Hiển cho biết: Xu thế chung vẫn phải phân cấp để địa phương chủ động đầu tư phù hợp điều kiện kinh tế xã hội của địa phương. Nhưng vừa qua, có câu chuyện là các địa phương bung ra, đầu tư quá nhiều, nhiều khi vượt quá nguồn lực có khả năng thu xếp được. Theo tôi, cần phải có quy hoạch tổng thể của đất nước. Quy hoạch của địa phương phải dựa trên quy hoạch tổng thể của đất nước để quyết định. Như thế đầu tư mới tập trung, không dàn trải. Đầu tư bất cứ một công trình nào đều phải tính nguồn lực ở đâu? Nhiều khi cứ ra quy định sẽ đầu tư một con đường này, công trình thủy lợi này nhưng nguồn lực ở đâu không ai chỉ ra được cả. Nhiều khi có những quyết định đầu tư ghi nguồn lực là trái phiếu chính phủ và các nguồn khác. Vậy trái phiếu chính phủ là bao nhiêu, nguồn lực khác là bao nhiêu? Không chỉ rõ thì khi triển khai rồi lại dở dang.
Lần này, Nghị quyết 1792 của Chính phủ đã khắc phục chuyện đó, bắt đầu có những thay đổi. Cấp nào quyết định, người nào chịu trách nhiệm về đầu tư phải chịu trách nhiệm đảm bảo quyết định về nguồn vốn và bắt đầu giao kế hoạch trung hạn. Trước đây giao cho từng năm nhưng bây giờ có thể giao 3 năm, 5 năm để các địa phương chủ động tính toán nguồn lực của mình cho hợp lý, tránh câu chuyện xin - cho. Địa phương khi được trao quyền thì phải gắn với trách nhiệm.
Ông Phùng Quốc Hiển cũng nhìn nhận: Nhìn chung DNNN làm ăn chưa thực sự hiệu quả, nguồn lãi đem lại, lợi nhuận đem lại chưa tương xứng tiềm năng, nguồn vốn được đầu tư, thậm chí chưa tương xứng với lợi thế có được. Tái cấu trúc DNNN phải làm tích cực, nhưng phải có bước đi hợp lý. Yêu cầu quan trọng hàng đầu là phải hoàn thiện hệ thống pháp luật. Phải đưa những tiêu chuẩn, nguyên tắc dự phòng được rủi ro trong đầu tư của DNNN. Nợ của các DN so với vốn của chủ sở hữu là bao nhiêu? Đến bao nhiêu phải báo động? Nợ ngắn hạn, dài hạn so với tổng tài sản là bao nhiêu? Phải đưa ra bộ quy tắc để từ đó đánh giá tình hình của các DN, trong từng năm, từng thời kỳ để có chính sách điều chỉnh trong quản lý. Bộ tiêu chuẩn đó cũng rất có ích đối với ngân hàng, đó là căn cứ để ngân hàng có tiếp tục cho vay hay không?
Ngoài ra, phải tăng cường cơ chế quản lý. Trước đây, có giai đoạn, bộ máy chuyên môn quản lý như Bộ Tài chính có Tổng cục Quản lý tài chính DN nhưng sau đó bỏ đi, chỉ còn cục. Học kinh nghiệm các nước, có lẽ ta phải có bộ máy quản lý các DN này chứ không chỉ giao quyền cho hội đồng quản trị. Bản thân các DNNN phải bình đẳng với các thành phần kinh tế khác.
| |
Anh Thư