Chỉ giành 64 HCV, kém 1 chiếc so với mục tiêu mà Trưởng đoàn Hoàng Vĩnh Giang đã hứa tại lễ xuất quân và cũng kém đoàn đứng trên Malaysia 4 HCV.
Vậy, những môn thể thao nào không hoàn thành chỉ tiêu khiến thể thao Việt Nam tụt hạng trong ngày thi đấu áp chót?
CỬ TẠ - MẤT 3 HCV VÌ CHỦ QUAN
Trước SEA Games 24, Hoàng Anh Tuấn là ứng cử viên số 1 cho ngôi vô địch hạng 56kg và những thông số kỹ thuật khi tập huấn trước đại hội cho thấy Tuấn đủ sức giành HCV. Thế nhưng, đúng vào hôm lên đường sang Thái Lan, trọng lượng của Tuấn là 57,7kg, tức là nhiều hơn mức cho phép 1,7kg. Đối với VĐV, đó không phải là vấn đề lớn. Các chuyên gia nước ngoài cũng nhận định như vậy khi luôn miệng "OK!" về cơ hội lấy vàng của Anh Tuấn.

Ngay khi sang Thái, BHL đội cử tạ đã tìm chỗ xông hơi giúp Tuấn giảm cân nhưng không thành, nên chỉ dùng dầu nóng và sự giúp đỡ của các nhân viên y tế để xoa bóp. BHL nghĩ ra phương án mượn nồi cơm điện, ấm điện của các đội tuyển khác để đun nước cho Tuấn trùm chăn xông hơi giống như phương pháp cổ truyền tại Việt Nam (xông bằng lá thơm mỗi khi mệt mỏi). Nhưng Tuấn không nghe và cũng nằm lỳ tại làng VĐV 2 ngày mà chẳng chịu đi đâu. Chuyên gia vẫn cứ "OK!" vì Tuấn đã giảm bớt được 7 lạng.
Còn 2 giờ trước thi đấu, Tuấn vẫn nặng hơn 1kg, BHL buộc phải mượn áo ấm (để giảm cân) của đội tuyển vật cho Tuấn mặc và ngồi sau cục nóng của máy lạnh để ra mồ hôi nhưng vẫn không kịp. Cực chẳng đã, sát giờ thi đấu, Tuấn phải ra chạy cho thoát mồ hôi và kết quả là vào thi đấu thì đủ cân, nhưng sức bị phân tán. Sau khi thi cử giật, Tuấn hơn đối thủ 2kg (128 so với 126). Vào động tác cử đẩy, Eko (Indonesia) đặt mức tạ 154kg, chuyên gia đề nghị Tuấn chỉ khởi điểm 150kg để đánh lạc hướng đối thủ, nhưng Tuấn tự quyết định mức tạ 153kg. Khi đối thủ nâng lên 158kg, Tuấn vẫn chỉ đẩy 156kg nhưng không thành công. Eko nâng tiếp lên 161kg và hỏng, Tuấn tự ý nâng tiếp lên 158kg nhưng cũng hỏng vì đuối sức. Hậu quả là đoàn thể thao Việt Nam mất 1 HCV đáng tiếc vì sự chủ quan của "ông sao" này. Nếu Tuấn cứ tiếp tục tỏ thái độ "sao", luôn tự mình quyết định tất cả mà không nghe chỉ đạo của HLV, tương lai của VĐV này chắc sẽ... mịt mờ!
Cử tạ cũng mất đi 1 chiếc HCV nội dung nữ dù đã cầm chắc. Khuất Minh Hải thi hạng 69 kg và chỉ có 2 đối thủ đều trẻ hơn mình. Sau động tác cử giật, thành tích của Hải là 95kg, hơn Petanang của Thái Lan 2kg, nhưng lợi thế trọng lượng cơ thể nhẹ hơn. Chỉ cần bám sát đối thủ, thi đấu ngang bằng thậm chí thấp hơn 2 kg ở động tác cử đẩy là Hải có thể giành HCV. Thế nhưng, khi đối thủ khởi điểm cử giật 115kg thì HLV của Hải là Hoàng Thị Kim Cúc lại chỉ đăng ký 105 kg và cả hai cùng thành công lần đầu. Đối thủ tăng tiếp 119kg, bà Cúc vẫn chỉ cho học trò tăng lên 116kg. Đáng nói là ở lần đẩy cuối, khi Hải đăng ký 120kg rồi thất bại thì đối thủ nâng hẳn lên 125kg nhưng chỉ cần chạm vào tạ cho có rồi bỏ vì đã giành HCV.
Nguyễn Thị Phương Loan (75kg nữ) cũng để tuột HCV đáng tiếc. Tiếc ở chỗ thông thường hạng cân này có thêm một VĐV rất mạnh của Thái Lan nhưng chị này vừa nghỉ thi đấu, một VĐV khác của Myanmar cũng mạnh hơn nhưng dính doping tại giải vô địch thế giới bị cấm thi đấu nên cơ hội mới đến với Loan. Đối thủ của Loan được xác định chỉ là một VĐV của Indonesia, trẻ hơn 2 tuổi. VĐV này được đánh giá là mạnh về cử đẩy nhưng kém về cử giật. Vậy nhưng ngay động tác cử giật vốn là sở trường của Loan thì thành tích cũng chỉ là 95kg trong lần đầu tiên, những lần sau đều hỏng trong khi tập ở nhà chị luôn đạt 105 đến 110kg. Dùng sở trường của mình để thua sở đoản của đối thủ, Loan suy sụp nhanh và hỏng luôn cả động tác cử đẩy, rớt xuống hạng 3.
NHẢY CẦU 1 HCV LÀ THẤT BẠI
So với các môn thể thao dưới nước khác, nhảy cầu được ưu ái hơn cả. Thứ nhất, HLV trưởng đội nhảy cầu Trương Ngọc Lan (vốn xuất thân là VĐV thể dục) là phu nhân của Trưởng đoàn Hoàng Vĩnh Giang. Thứ hai, cán bộ phụ trách môn này rất nhanh nhẹn ngay từ đầu năm đã "lấy" hết kinh phí để VĐV tập huấn dài hạn ở Trung Quốc. Vào thời điểm cuối năm, nhiều VĐV kể các nhóm VĐV bơi phải huy động kinh phí địa phương đưa đi nước ngoài tập huấn, thì tổ nhảy cầu vẫn ung dung vì đã sẵn có tiền. Thế nhưng, trước giờ thi đấu, đội nhảy cầu nhận được hung tin, Tổng trọng tài người Trung Quốc (có quan hệ tốt với Việt Nam) không tham gia điều hành, vai trò này chuyển giao cho một trọng tài khác của Malaysia.
Mặc dù biết trước điều kiện thi đấu tại Thái Lan không được như Việt Nam (đấu ngoài trời), nhưng đội tuyển lại không có sự chuẩn bị mà chỉ đi sớm 3 ngày (cũng đã là ưu tiên vì thông thường các môn khác chỉ đi trước được 1 ngày). Thi đấu ngoài trời vừa gió, lúc nóng, có khi lại lạnh khiến các VĐV thiếu tự tin. Dù không bị Tổng trọng tài người Malaysia xử ép, các VĐV Việt Nam cũng khó giành HCV vì thực chất yếu hơn đối thủ. Điều này được nhiều trọng tài nhảy cầu công nhận. VĐV non kinh nghiệm nên ở cả 2 nội dung sở trường là đôi nam cầu 10m và đôi nữ cầu mềm 3m, chúng ta chỉ giành HCB.
PHƯƠNG HOA