Thời gian qua, thông tin về giá phân bón trong nước tăng khá mạnh và liên tục, urê từ 4.400 đồng/kg nay tăng trên 5.000 đồng/kg, kali từ 3.600 đồng/kg lên trên 4.000 đồng/kg... làm cho cuộc họp của Hiệp hội Phân bón Việt Nam (HHPBVN) tại TPHCM ngày 11-4, bàn việc cung ứng cho vụ hè-thu thêm phần nóng lên.
HHPBVN cho biết, giá phân bón thế giới biến động liên tục, 4 tháng qua đã tăng 104-112 USD/tấn urê, DAP tăng 160-165 USD/tấn. Đây là đợt tăng giá kỷ lục chưa từng có trên thị trường thế giới trong gần 50 năm qua. Vì vậy, giá phân bón trong trong nước tăng theo là điều tất yếu trong xu thế hội nhập. Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Cung ứng vật tư nông nghiệp TSC (Cần Thơ), giá lúa hiện nay 2.750-2.800 đồng/kg, giá urê 5.400-5.500 đồng/kg là phù hợp với quan hệ trước nay giữa lúa và urê ở đồng bằng sông Cửu Long.
Nhưng điều mọi người quan tâm, có đủ phân bón cung ứng cho bà con nông dân cho vụ hè-thu sắp tới, khi mà sản xuất trong nước mới đáp ứng được khoảng 45% nhu cầu? Tiến sĩ Đỗ Duy Phi, Chủ tịch HHPBVN khẳng định, việc sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh phân bón vẫn đảm bảo đủ cho vụ hè-thu tới, không có chuyện thiếu và sốt phân bón. Nhưng phân urê cần đánh giá và phân tích kỹ hơn, vì đây là loại phân bón nhạy cảm với bà con nông dân. Theo tính toán của Bộ NN-PTNT, nhu cầu phân urê cho vụ hè-thu 2007 cả nước cần khoảng 430.000 tấn, trong đó, các tỉnh phía Nam là 300.000 tấn. Lượng phân urê tồn kho (đến tháng 3) của NM Đạm Phú Mỹ 100.000 tấn, sản xuất thêm tháng 4 và 5-2007 khoảng 130.000 tấn, tổng cộng là 230.000 tấn; Nhà máy Đạm Hà Bắc tồn kho khoảng 1.000 tấn và sản xuất thêm tháng 4-5 khoảng 31.000 tấn, cộng với tồn kho các đại lý 18.000 tấn. Như vậy, tổng số tồn kho và sản xuất trong nước vào khoảng 280.000 tấn. Nếu thực hiện tốt 3 tháng tới có thể buôn bán đường biên mậu khoảng 80.000-90.000 tấn, như vậy nhập thêm 60.000 – 70.000 tấn và các nhà máy trong nước như Đạm Phú Mỹ và Đạm Hà Bắc đảm bảo sản xuất urê đúng tiến độ không lo thiếu urê. Nhưng do sản xuất trong nước không chỉ có giá nguyên liệu tăng mà còn khó khăn về chi phí vận chuyển tăng và nguồn điện không ổn định. Vì vậy, bên cạnh việc Bộ Công nghiệp cần đảm bảo nguồn điện, đề nghị Thủ tướng và các ngành quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà nhập khẩu, bỏ ngay quy chế tạm nhập tái xuất các loại phân bón, điều chỉnh mức áp thuế xuất nhập khẩu kinh doanh phân bón; có cơ chế vay vốn cho doanh nghiệp, không cần lãi suất thấp mà là hạn mức cho vay tăng lên.
CÔNG PHIÊN